Lâm Trực@
Người ta hay nói: làm quan là một nghề nhọc nhằn, bởi phải sống hai mặt – một mặt với dân, một mặt với mình. Mặt nào cũng cần đeo mặt nạ. Nhưng khi rũ bỏ hết mặt nạ, như ông Hồ Đại Dũng – cựu Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ – thì cái còn lại là gì? Là một con bạc.
Báo chí viết, cáo trạng dày dặn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã nêu rõ: từ đầu tháng Hai đến cuối tháng Sáu năm 2024, ông Dũng đã đánh bạc 95 lần tại King Club, tiêu tốn hơn 7 triệu đô la Mỹ. Tiền ấy từ đâu ra thì chưa thấy ai hỏi rõ, chỉ biết là ông đã chơi. Có ván lên tới gần 8 tỷ đồng, có ván “chơi cho vui” cũng ngót trăm triệu. Chẳng ai ngồi đếm, bởi trong thế giới của những kẻ từng được rót rượu ngoại bằng cốc pha lê và đọc diễn văn như đang đọc thơ, tiền – nếu không phải máu – thì cũng là nước.
Cùng với ông Dũng còn có ông Ngô Ngọc Đức, từng là Bí thư Thành ủy Hòa Bình, chơi dưới biệt danh “MR LUCKY ONE”. Có vẻ hài hước. Nhưng vận may nào đứng về phía những kẻ từng nghĩ mình là thượng đế trong chiếc áo vest công quyền?
Câu lạc bộ King Club, ở tầng 1 khách sạn Pullman, giữa lòng Hà Nội, từng là nơi sáng đèn cho những “thượng khách” kiểu mới, toàn người Việt. Mặc dù giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử của nó chỉ dành cho người nước ngoài, những kẻ chủ mưu mà đứng đầu là Kim In Sung, một người Hàn Quốc đã dễ dàng biến nó thành một tổ hợp đánh bạc sang trọng với lợi nhuận bất chính lên tới hàng trăm tỷ. Kim In Sung không phải mafia, chỉ là một thương nhân tham vọng. Nhưng đáng kể là hắn đã điều khiển được cả một mạng lưới những người Việt Nam, từ chân đứng quầy đến kẻ mặc áo quan chức.
Nhìn sâu hơn, chuyện ông Dũng, ông Đức đánh bạc không phải là bất ngờ. Người Việt có câu: “No cơm ấm cật rậm rật chân tay”. Với những người đã từng sống trong nhung lụa của quyền lực, sự trống rỗng trong tâm hồn là thứ duy nhất họ không thể mua được bằng tiền. Và họ lấp nó bằng trò đỏ đen.
Quan chức đánh bạc không mới. Sự suy đồi này không phải của riêng ai. Trước đã có, nay lại càng nhiều. Có người bay sang Campuchia, có người bay sang Macao, có kẻ đánh bằng tiền thật, có người đánh bằng quyền lực trá hình. Bản chất là một: họ không còn sợ nhân dân, không còn tin vào điều thiện, chỉ tin vào sự may rủi và tiếng vỗ tay của đồng bọn.
Chúng ta cũng không nên mỉa mai quá đỗi những kẻ như ông Dũng. Một người có học, có chức, từng đứng giữa đại hội đảng bộ, từng cắt băng khánh thành, từng bắt tay nông dân… rốt cuộc lại ngồi trong sòng bài, đếm từng đồng chip như thằng nghiện. Đó là một bi kịch. Nhưng bi kịch đó không đến từ cá nhân ông ta, mà là từ hệ thống những lớp vỏ giả dối, những chiếc ghế dễ dãi, những cái phong bì thay cho phẩm giá.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ: lần này, cơ quan tố tụng đã làm việc nghiêm túc, đàng hoàng. Họ điều tra, bóc từng lớp hành vi, làm rõ từng con số, không nương tay. Hơn 136 bị can bị truy tố, hơn 106 triệu USD được xác định là số tiền đánh bạc, 9,2 triệu USD lọt túi Kim In Sung – những con số đủ khiến người ta tỉnh mộng.
Pháp luật đã lên tiếng, nhưng liệu xã hội có tỉnh không?
Bởi sòng bạc không chỉ ở khách sạn Pullman. Nó ở cả trong những cuộc đấu thầu, những chiếc phong bì trong phòng kín, những cái bắt tay dấm dúi dưới gầm bàn, nơi mà đồng tiền và quyền lực cũng được sát phạt như quân bài.
Khi một ông quan đánh mất phẩm giá, đó là tội của ông ta. Nhưng khi một bộ máy cho phép những ông quan như thế tồn tại, đó là tội của cả hệ thống.
Tôi từng viết: “Con người là kẻ giết chính mình bằng những gì mình yêu quý.” Ở đây, ông Dũng yêu quyền lực. Rồi dùng quyền lực để kiếm tiền. Rồi dùng tiền để đánh bạc. Và cuối cùng, ông giết chính mình bằng tất cả những điều ấy.
Ông Hồ Đai Dũng không xứng đáng với vị trí, chức vụ mà ông đã từng đảm nhiệm. Không ai có thể chấp nhận được một lãnh đạo của một tỉnh lại là một con nghiện cờ bạc cả. Rồi cái gương của cả tỉnh lại là một cái gương bẩn, thì ai lại dám soi vào nữa chứ?
Trả lờiXóaTôi còn nhớ Bác Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất". Chẳng biết tài giỏi thế nào, làm được những gì, nhưng đạo đức đã suy đồi thì chẳng ai còn tôn trọng nữa. Mất danh dự, còn làm được gì cho xã hội nữa không?
Trả lờiXóaTôi biết là khi một cán bộ được giao trọng trách giữ các vị trí nhân sự nào thì cũng đều phải trải qua quá trình đánh giá cả về năng lực lẫn đạo đức, nhưng tôi nghĩ cần có thêm những bước đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình họ công tác, vì không thiếu những người khi đã nắm trong tay quyền lực rồi là buông thả, tha hóa.
Trả lờiXóaNhững quan chức này, đáng lẽ nên làm đúng chức trách nhiệm vụ, đảm bảo lo cho đời sống của nhân dân, thì lại chìm đắm trong bài bạc, ăn chơi sa đoạ, đạo đức và nhân cách đều xuống cấp. Câu chuyện để lật tẩy bộ mặt của một số quan chức cao cấp, và gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp trong đạo đức xã hội, đặc biệt là trong một số cán bộ, quan chức cấp cao.
Trả lờiXóaĐồng thời, qua thông tin này, cần làm rõ xem liệu có hành vi phạm tội khác có liên quan của các quan chức này, ví dụ như tham nhũng, lãng phí, nhận hối lộ…. Vì với mức lương do nhà nước chi trả đối với những quan chức này, không thể đủ để họ có thể ném nhiều tiền như thế vào những ván đỏ đen. Vậy nguồn gốc số tiền đánh bạc đó ở đâu ra cũng cần được điều tra, làm rõ
Trả lờiXóaRất đáng buồn khi quan chức đánh bạc, rồi người dân lại đặt vấn đề tiền lấy từ đâu ra, thế là hàng loạt các suy diễn trong khi có thể sự việc không như thế. Đồng ý là hành vi phạm tội phải được xét xử công minh, chính trực và đúng đắn. Không thể bao che đặc biệt là cán bộ, lãnh đạo vi phạm.
Trả lờiXóaCó thằng côn đồ hỏi : " nghề gì nhanh giầu , nhiều tiền " nhất . Thằng du thủ du thực trả lời : ăn cắp , ăn cướp , buôn lậu , buôn ma túy , buôn người " . Dễ thế mà cũng hỏi ! Thằng côn đồ khoát tay : " sai bét . Sai hết " ! Vậy nghề gì ? Câu trả lời : nghề làm quan ! Và đúng vậy !
Trả lờiXóaÔng chủ , thương gia . Những người " đổ mồ hôi , cả nước mắt " để kiếm tiền . Không ai dám bỏ ra hàng triệu $ để chơi trò đỏ , đen . Chỉ những thằng " mặt dày " , ngày com lê cà vạt , dạy dỗ , ra lệnh cho dân . Đêm , mang tiền thuế của dân , ném vào sòng bạc . Lũ khốn nạn !
Trả lờiXóaTrong bối cảnh xã hội hiện đại, khi đất nước đang nỗ lực chỉnh đốn bộ máy, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phòng, chống tham nhũng tiêu cực, việc phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ biến chất là điều vô cùng quan trọng. Bài viết “Dưới chân quyền lực là những con bạc” của tác giả Lâm Trực trên trelangblog.com là một tiếng nói thẳng thắn, trực diện và rất đáng trân trọng về vấn đề này.
Trả lờiXóa1. Dũng Cảm Phơi Bày Mặt Tối Của Một Bộ Phận Quan Chức Biến Chất
Tôi hoàn toàn đồng tình với cách tác giả không ngần ngại nêu đích danh những trường hợp cán bộ sa đà vào cờ bạc, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Cụ thể là trường hợp ông Hồ Đại Dũng – Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, theo thông tin bài báo, đã bị điều tra vì hành vi đánh bạc hàng chục lần ở King Club với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Việc một cán bộ cấp cao — lẽ ra phải là người gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, làm gương cho cấp dưới và nhân dân — lại sa đà vào cờ bạc, là điều không thể chấp nhận được. Tác giả rất đúng khi gọi đây là “mất mặt với dân, mất mặt với chính mình”, bởi hậu quả không chỉ là mất tiền mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền.
2. Tinh Thần Đấu Tranh Không Khuất Nhẹm Trước Sai Phạm
Điểm đáng quý của bài viết là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước các biểu hiện tiêu cực. Tác giả không tô hồng, không né tránh, mà thẳng thắn chỉ rõ “dưới chân quyền lực là những con bạc” — một cách ví von sâu cay mà đầy hình tượng, chỉ ra sự nguy hại khi những kẻ có quyền nhưng lại vô đạo đức, lợi dụng vị trí để phục vụ cho thói ăn chơi, đổ đốn của bản thân.
Những bài viết như thế này rất cần thiết, bởi nếu truyền thông và dư luận không lên tiếng, các biểu hiện tiêu cực sẽ bị che giấu, tiếp tục diễn ra và làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và niềm tin của nhân dân.
3. Cảnh Tỉnh Cho Những Ai Còn Ảo Tưởng Quyền Lực Là Đặc Quyền Phạm Luật
Tôi cũng rất đồng tình với thông điệp cảnh tỉnh mà bài viết gửi đến các cán bộ, công chức khác: Quyền lực là để phục vụ nhân dân, để xây dựng đất nước, chứ không phải là tấm “bùa hộ mệnh” cho những thú vui vô độ hay hành vi trái pháp luật.
“Làm quan là một nghệ nhọc nhằn” — câu mở đầu bài viết rất hay, nhấn mạnh rằng việc giữ cương vị lãnh đạo là trách nhiệm lớn, chứ không phải đặc quyền để sa đọa. Bài viết đã cảnh báo đúng lúc với những ai còn ảo tưởng rằng quyền lực đồng nghĩa với quyền miễn trừ luật pháp. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc cán bộ bị xử lý nghiêm những năm gần đây là minh chứng rõ nhất cho việc “không có vùng cấm”.
Trả lờiXóa4. Góp Phần Làm Trong Sạch Bộ Máy, Giữ Gìn Kỷ Cương, Phép Nước
Tôi rất ủng hộ những bài viết dám nói thật, dám nói thẳng như thế này. Bởi lẽ, chỉ khi những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ được phơi bày và xử lý nghiêm minh, bộ máy nhà nước mới thực sự trong sạch, đủ năng lực để lãnh đạo đất nước phát triển.
Những bài viết như thế này cũng giúp nhân dân nhận diện rõ đâu là cán bộ tốt, đâu là cán bộ biến chất, từ đó góp phần củng cố niềm tin vào công cuộc chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai.