Chia sẻ

Tre Làng

Khi quyền lực rơi vào tay kẻ không biết sợ

Lâm Trực@

Trong lịch sử văn hóa phương Đông, người ta từng kính sợ hai thứ: trí tuệ và đạo đức. Nhưng khi cả hai bị thay thế bằng quyền lực và tiền bạc, thì những vùng đất vốn được xem là phên giậu Tổ quốc như Tây Nguyên cũng không còn là vùng cao nguyên thượng đạo nữa, mà trở thành một vùng đất bị “trưng dụng” bởi những bàn tay trần tục, lấm láp những dấu vết nham nhở của lòng tham.

Ngày 2/7, Công an tỉnh Gia Lai thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm, xã Ia Krái vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Thiệt hại: gần 1 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Nhưng con số đó không lớn nếu so với giá trị biểu tượng của sự tha hóa quyền lực, vốn đang diễn ra nhan nhản ở nhiều cấp cơ sở, nơi mà pháp luật bị biến thành một thứ công cụ linh hoạt theo… “mối quan hệ dòng tộc”.

Vụ việc của ông Tuấn không chỉ là một bản tin pháp luật đơn thuần. Nó là tư liệu sống động cho một bài giảng về đạo đức cán bộ, đáng được đưa vào các lớp chính trị học căn bản dành cho cán bộ đảng viên. Người ta thường nói: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nhưng ở Ia Krái, cái kim đã được giấu trong vỏ gỗ, rồi bọc lụa, phủ hương đến mức chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc, sự thật mới chịu ló mặt.

Ông Tuấn là đảng viên. Nhưng ông không hành xử như một người biết giữ gìn danh dự của Đảng. Trên cương vị lãnh đạo một công ty nhà nước, ông để người nhà chiếm đất công, xây dựng trái phép, phớt lờ pháp luật như thể mình đang sống trong một tiểu quốc riêng, nơi dòng họ là hiến pháp và ông là đức vua. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 22 triệu đồng. Một con số nhỏ nhoi như cái tát nhẹ vào lòng bàn tay quyền lực.

Ta không thể không nhắc đến chi tiết: ông Lê Anh Tuấn là anh ruột của ông Lê Anh Tú - người từng được công luận biết đến với danh xưng “sư Thích Minh Tuệ”, nhân vật tự nói rằng "hành cước xuyên Việt" gây chấn động dư luận. Một người nói rằng, "đã bỏ trần tục để đi học theo lời Phật dạy", nhưng ông ta lại hành trì sai lời Phật. Một người đã thề thốt dưới cờ Đảng, nhưng lại lợi dụng quyền lực để bòn rút tài sản nhà nước. Hai con đường, hai biểu hiện, nhưng đều phơi bày một điều: khủng hoảng giá trị đang len lỏi vào từng tế bào của xã hội đương đại.

Khi đạo đức công vụ bị phá vỡ, khi kỷ cương Đảng không còn là hàng rào vững chắc, thì những “ông vua con” sẽ tiếp tục mọc lên. Họ điều hành công ty như điều hành trại gia đình. Họ dùng đất công như đất thừa kế. Và họ tin rằng, mình có thể sống bên trong thể chế, nhưng hành xử như thể thể chế chỉ là một cái bóng.

Điều nguy hiểm nhất trong xã hội không phải là kẻ nghèo, mà là kẻ không còn biết sợ. Sợ luật pháp, sợ nhân dân, sợ hậu quả, sợ cả tiếng chuông lương tâm. Khi quyền lực rơi vào tay những người như vậy, pháp quyền bị đục thủng, đạo đức bị rút ruột, và lòng dân bị lật ngược như chiếc lá cuối mùa.

Cái đáng sợ không phải là một tỷ đồng thất thoát, mà là sự thờ ơ của hệ thống giám sát nội bộ, là sự vô hiệu của niềm tin chính trị nếu những vụ việc như thế này tiếp tục lặp đi lặp lại.

Nếu không có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nếu tổ chức Đảng không thực sự trở thành lực lượng “tự chỉnh đốn” mạnh mẽ và không khoan nhượng, thì cái giá xã hội phải trả sẽ không chỉ là vài tỷ đồng, mà là sự đổ vỡ niềm tin trong những vùng đất từng là niềm hy vọng.

Một lần nữa, chúng ta phải lặp lại câu hỏi: Làm sao để cán bộ biết sợ? Không phải sợ cấp trên, mà là sợ dân, sợ luật pháp, và sợ cả lịch sử – thứ cuối cùng sẽ luôn nhắc lại từng vụ việc như bài học cay đắng của một thời gian lận và vô trách nhiệm.

6 nhận xét:

  1. Theo Công an tỉnh Gia Lai, quá trình làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm, ông Tuấn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một số hành vi sai phạm; qua đó gây thiệt hại tài sản của nhà nước số tiền gần 1 tỷ đồng

    Trả lờiXóa
  2. Trước đó, vào tháng 5, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Grai (cũ) đã kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Tuấn vì có nhiều vi phạm trong quá trình công tác. Quá trình kiểm tra về mặt Đảng, ông Tuấn đã vi phạm những điều đảng viên không được làm. Trong công tác quản lý, điều hành công ty, ông Tuấn cũng để xảy ra nhiều sai sót, sai phạm

    Trả lờiXóa
  3. ông Lê Anh Tuấn cũng đã để cho người nhà xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp với diện tích 99,57m2 và lấn đất do cơ quan, tổ chức nhà nước đã quản lý với diện tích 427,8m2. Hành vi này bị UBND huyện Ia Grai (cũ) ra quyết định xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng, buộc tháo dỡ phần diện tích đã xây dựng

    Trả lờiXóa
  4. Các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái như vậy chắc hẳn là còn gặp ở một phận cán bộ khác nữa, các cơ quan chức năng cần phải xử lý đúng người đúng tội, cũng như tích cực kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các trường hợp tương tự như trênđể sớm loại bỏ khỏi đội ngũ cán bộ.

    Trả lờiXóa
  5. Trong lịch sử văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, người ta từ lâu đã đề cao tư tưởng kính sợ những điều thiêng liêng như phép nước, luân thường, đạo đức. Thế nhưng, như bài viết của tác giả Lâm Trực rất đúng khi chỉ ra rằng, ở một số nơi, quyền lực khi rơi vào tay kẻ không biết sợ — không biết sợ pháp luật, không biết sợ đạo lý, không biết sợ sự phán xét của xã hội — thì sẽ trở thành công cụ nguy hiểm phá hoại trật tự kỷ cương, gây nhũng nhiễu và làm băng hoại nền quản trị lẫn đạo đức xã hội.

    Tôi hoàn toàn đồng tình với bài viết khi đề cập đến câu chuyện ở Tây Nguyên — mảnh đất từng thiêng liêng với rừng xanh, văn hóa bản địa và những giá trị truyền thống, nhưng ngày nay cũng bị đe dọa bởi những bàn tay táo tợn của kẻ tham lam, lợi dụng chức quyền, quyền hạn để tham nhũng, thao túng lợi ích tập thể, trục lợi cá nhân.

    Thông tin mà bài báo nêu về vụ việc Công an tỉnh Gia Lai thực hiện lệnh bắt ông Lê Anh Tuấn — Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê La Chàm — cùng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng nhất. Họ dám vi phạm, dám qua mặt cấp trên, dám thao túng quyền lực chính là vì “không còn biết sợ điều gì”.

    Bài viết nói rất đúng: “Mối quan hệ đồng tộc”, “mối quan hệ nhóm lợi ích”, “mối quan hệ quyền – tiền” ở một số địa phương đã và đang tạo điều kiện để những “kẻ không biết sợ” leo lên vị trí quyền lực rồi tha hồ làm càn, bất chấp pháp luật và đạo lý.

    Tác hại nguy hiểm của quyền lực bị tha hóa

    Khi quyền lực rơi vào tay kẻ xấu, xã hội không chỉ mất đi những giá trị công bằng mà còn đánh mất lòng tin của người dân vào chính quyền, vào công lý. Đây mới là điều nguy hại nhất. Vì thế, tôi đánh giá cao bài viết ở điểm không chỉ phản ánh sự việc, mà còn chỉ rõ bản chất vấn đề là sự buông lỏng quản lý, sự dung dưỡng quyền lực cá nhân, và sự yếu kém trong kiểm soát quyền lực ở một số địa phương.

    Bài viết là lời cảnh tỉnh thẳng thắn và cần thiết cho toàn xã hội rằng: quyền lực nếu không bị kiểm soát, nếu không được đặt dưới pháp luật và đạo đức, thì sớm muộn cũng sẽ trở thành công cụ hủy hoại trật tự xã hội và bào mòn lòng dân.

    Kết luận

    Trả lờiXóa
  6. Tôi hoàn toàn ủng hộ nội dung và quan điểm của bài viết “Khi quyền lực rơi vào tay kẻ không biết sợ”. Đây là một bài báo rất có giá trị, không chỉ bởi tính thời sự mà còn bởi tính cảnh báo và phản biện xã hội sâu sắc. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền lực để làm sai, đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực trong bộ máy hành chính, đảm bảo mọi quyền lực đều phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của pháp luật và nhân dân.

    Bởi một xã hội văn minh và công bằng chỉ có thể tồn tại khi những kẻ không biết sợ pháp luật bị loại bỏ và người dân được sống trong một môi trường công khai, minh bạch, không còn những bàn tay thao túng quyền lực.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog