Chia sẻ

Tre Làng

Sách giáo khoa: Tấm màn che đậy sự thao túng của lợi ích nhóm trong cải cách giáo dục?

Lâm Trực@

Trong một lần trò chuyện, một nữ văn sĩ nổi tiếng từng ví nền giáo dục như một cỗ máy sản sinh ra công dân tương lai - mà nếu lệch từ bánh răng đầu tiên, thì cả đoàn tàu sẽ trật bánh. Bánh răng ấy chính là sách giáo khoa - thứ tưởng như vô tri, lại đang dần định hình cả nhân cách và tư duy quốc dân... Nhưng tiếc thay, thay vì là sản phẩm của tâm huyết và trí tuệ, sách giáo khoa đang trở thành nạn nhân - hoặc tệ hơn, là công cụ - của những mưu toan trục lợi được nguỵ trang bằng mỹ từ 'cải cách'.

'Lợi ích nhóm' trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa: Các bị can Ngọc, Thái, Thủy, Khánh (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an

Không ai phản đối cải cách. Một nền giáo dục nếu muốn sống còn trong thời đại trí tuệ nhân tạo, không thể đứng yên trong vỏ ốc truyền thống. Nhưng cải cách không đồng nghĩa với lật đổ mọi giá trị cũ, rồi vẽ lại từ đầu bằng tay trái - trong khi tay phải bận ký hợp đồng, thỏa thuận, phân phối lợi ích. Sự cải cách mà không dựa trên cái gốc của giáo dục - là chân lý và đạo đức - thì đó không phải là cải cách, mà là một cuộc xáo trộn có định hướng, nơi những bàn tay vô hình điều khiển vận mệnh trí tuệ của hàng triệu học sinh.

Từng trang sách lẽ ra phải là kết tinh của tri thức nhân loại và kinh nghiệm dân tộc, thì nay lại được nắn nót bởi những nhóm chuyên gia không phải không có học vị, nhưng dường như quá say mê với học thuật hình thức mà lãng quên vai trò dẫn dắt nhân sinh. Từ việc tích hợp môn Lịch sử - một cách gọi lịch sự cho sự xoá nhoà - cho đến cách viết sách để học sinh buộc phải mua mới mỗi năm, người ta không thể không tự hỏi: đâu là mục đích thật sự của những cải cách đó?

Thật khó hiểu - và cũng thật đáng ngờ - khi một số nhà biên soạn sách lại sốt sắng bảo vệ mô hình nhiều bộ sách, trong đó có những bộ do chính họ làm chủ biên. Họ cho rằng, để Nhà nước làm sách là đi ngược lại tiến trình xã hội hoá, là "cải cách lùi". Nhưng lùi về đâu? Lùi về cái gốc có kiểm soát, có trách nhiệm với cộng đồng, hay lùi khỏi quyền lợi của những nhóm biên soạn đang ngồi trên đống vàng giấy? Khi một giáo sư công khai lo lắng “sách của Nhà nước sẽ khiến những sách xã hội hoá bị vứt xó”, thì người ta hiểu rằng, nỗi lo không nằm ở học trò - mà ở doanh thu.

Càng đáng lo hơn khi chính những người từng tham gia sâu trong các dự án cải cách ấy lại có lịch sử bất ổn trong quan điểm chính trị. Việc tham gia những kiến nghị mang tính lật đổ như đề xuất bỏ Điều 4 Hiến pháp, hay nhập nhèm với các nhóm “trí thức phản biện” theo kiểu “cải tổ Liên Xô”, cho thấy họ không chỉ muốn viết lại chương trình học - mà còn muốn viết lại cả hệ giá trị mà thế hệ trẻ đang được dạy để tin vào. Sự nguy hiểm ở đây không chỉ là sách sai, mà là sách viết theo hệ tư tưởng khác, ngấm ngầm truyền bá những giá trị lệch chuẩn dưới vỏ bọc học thuật.

Giữa lúc cả dân tộc đang gồng mình vì kinh tế, giáo dục đáng lẽ phải là chỗ dựa, thì lại trở thành nơi móc túi phụ huynh một cách công khai. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: trong số 193 đầu sách, có tới 73 cuốn được thiết kế để học sinh viết trực tiếp, khiến sách không thể tái sử dụng. Lãng phí hơn 2.374 tỷ đồng trong sáu năm - một con số có thể xây hàng trăm trường học vùng cao. Và chưa dừng lại ở đó, sách bài tập - vốn chỉ nên là tài liệu tham khảo - lại được nhà trường “hướng dẫn” mua như bắt buộc. Đây không còn là sai sót kỹ thuật, mà là một chiến lược kinh doanh được ngụy trang dưới lớp áo giáo dục.

Đáng nói hơn, sách được in đẹp, giấy dày, hình bắt mắt - nhưng nội dung nghèo nàn, lủng củng, thậm chí sai lệch lịch sử. Những sự nhầm lẫn không thể tha thứ trong nội dung Lịch sử dân tộc, những hình ảnh thiếu chuẩn mực trong sách tiếng Việt, hay những bài học khiến trẻ em ngơ ngác vì phi lý… đã khiến niềm tin vào cải cách tan vỡ như bong bóng xà phòng. Và trong khi học trò ngồi học trong bối rối, thì có người đang cười thầm vì bảng cân đối thu chi của dự án "giáo dục".

Cái nguy hiểm nhất không phải là sai sót, mà là hệ quả lâu dài. Một đứa trẻ học mười hai năm với những cuốn sách thiếu minh bạch về tri thức, lập lờ về đạo đức, lỏng lẻo về lịch sử - sẽ lớn lên thành ai? Một công dân biết nghĩ, biết phân tích? Hay một kẻ thờ ơ với sự thật, dễ bị dẫn dắt bởi những luận điệu ngụy tạo? Trong một xã hội mà cái giả lên ngôi, thì sự giả dối trong giáo dục là nguy cơ lớn nhất - vì nó không chỉ giết chết hiện tại, mà còn hủy hoại tương lai.

Chúng ta từng thấy những bài học đau đớn ở Đông Âu. Ukraina chỉ cần 20 năm dạy sách theo định hướng mới, thì một thế hệ thanh niên đã sẵn sàng phủ định sạch trơn lịch sử của cha ông mình, quay lưng lại với bạn bè truyền thống, rơi vào cuộc chiến không lối thoát. Lịch sử ấy còn nóng hổi, chẳng lẽ ta chưa đủ tỉnh táo để nhìn thấy bóng dáng nó trong từng trang sách của ta?

Không, bài toán sách giáo khoa không thể chỉ giải bằng vài cuộc thanh tra hay vài bản báo cáo. Đã đến lúc những người thực sự có tâm, có tầm trong giới trí thức phải lên tiếng. Phải trả lại sách vở đúng nghĩa của nó: là phương tiện truyền bá ánh sáng, chứ không phải là chiếc chậu nước đục để ai đó vo tay. Phải nhìn thẳng vào những mưu đồ núp bóng cải cách. Phải bóc tách từng lớp sơn son thếp vàng để thấy rõ lõi mục bên trong. Chừng nào sách giáo khoa còn nằm trong tay những nhóm lợi ích, thì học trò còn bị bóc lột bằng chính sự ngây thơ của mình. Và nền giáo dục - tưởng như đang tiến về phía trước - thật ra đang quay lưng với tương lai.

Giáo dục không phải là chỗ để đánh bạc. Và trẻ em - nhất là trẻ em Việt Nam - không phải là quân xúc xắc trong ván cờ cải cách của người lớn.

9 nhận xét:

  1. Nặc danh14:05 13/5/25

    Ít nói suông đi . Loại bỏ , treo cổ lũ bất nhân đi

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14:10 13/5/25

    Ngày xưa , lứa tôi đi học . Sách giáo khoa năm này qua năm khác , truyền cho thế hệ sau , vẫn giá trị và có tính giáo dục cao . Ngày nay , mỗi năm mua mới sách giáo khoa . Chất lượng lủng củng , có khi còn phản giáo dục nữa . Phụ huynh cứ méo mặt trả các loại tiền mà đầu năm danh mục phải " móc ví " , dài như tờ sớ

    Trả lờiXóa
  3. Vụ việc lợi ích nhóm trong đấu thầu sách giáo khoa đặt ra câu hỏi lớn về tính minh bạch và công bằng trong hệ thống giáo dục. Khi lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích lấn át lợi ích cộng đồng, người chịu thiệt đầu tiên chính là học sinh và phụ huynh – những người phải gánh chi phí cao cho sách mà chưa chắc đã phù hợp về nội dung và chất lượng.

    Trả lờiXóa
  4. Vụ việc cho thấy sự yếu kém trong khâu giám sát và quản lý của cơ quan chức năng. Đấu thầu công – nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục – cần được thực hiện minh bạch, có cơ chế kiểm tra, kiểm toán độc lập để tránh bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Đây là lúc cần một cuộc thanh tra toàn diện và xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm.

    Trả lờiXóa
  5. Sách giáo khoa là nền tảng của giáo dục phổ thông, nếu quá trình lựa chọn và phân phối sách bị thao túng bởi lợi ích nhóm, hệ quả là chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Học sinh có thể bị áp đặt phải học những bộ sách thiếu chuẩn mực, còn giáo viên thì gặp khó trong việc giảng dạy đồng bộ và hiệu quả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì một thời gian dài bị thao túng bởi mấy kẻ xem giáo dục là chén cơm nhà nó, làm cho dư luận sôi sục vì sự lãng phí sách giáo khoa của các em học sinh, trong khi chất lượng giáo dục tăng chẳng được là mấy, chỉ thấy chi phí đội theo cấp số nhân

      Xóa
  6. Mấy ông chỉ chăm chăm làm sách để bán cho người miền xuôi để thu tiền hàng năm, chứ đâu hiểu được hoàn cảnh của các em ở miền núi rẻo cao, nơi mà được gia đình cho đi học đã là một điều vô cùng khó khăn, tiền đâu để các em một năm thay sách một lần, ăn chỗ nào chứ ăn cả phần của người nghèo khó thì nên trừng trị thật nặng

    Trả lờiXóa
  7. đây chính là mặt trái của nền kinh tế thị trường chứ đâu, hay nói cách khác là mặt trái của chủ nghĩa tư bản. Những kẻ chủ nghĩa cá nhân, mưu đồ lợi ích nhóm lợi dụng những thủ đoạn dơ bẩn nhất, bất chấp gây hại cho cả một dân tộc để đạt được "vinh hoa phú quý", nhưng biết sao được, với bọn chúng thì tiền là tất cả mà, đạo đức bị chó tha lâu rồi

    Trả lờiXóa
  8. thật đáng khinh bỉ. Hành động này không chỉ làm tổn hại đến túi tiền của phụ huynh, mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường cho cả một thế hệ học sinh. Chúng đang tâm đầu độc nền giáo dục, gieo rắc sự bất công và làm suy yếu tương lai của đất nước. Cần phải vạch trần và trừng trị nghiêm khắc những hành vi này để bảo vệ sự trong sạch của giáo dục và quyền lợi của người dân.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog