Khoai@
Vạn Ninh, ngày 3/5/2025 - Trong một xã hội đang ngày càng minh bạch và liêm chính, vẫn có những kẻ chọn cách sống như rêu bám đá - ngụy trang mình dưới lớp vỏ "công dân gương mẫu" hoặc "anh hùng chống tham nhũng", nhưng bản chất là gieo rắc tội ác và những điều mờ ám. Ngày 3/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin đã tạm giữ hình sự hai đối tượng: Nguyễn Văn Hưởng (1983, trú huyện Tân Yên) và La Văn Tuấn (1985, trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Một cụm từ pháp lý nhưng phía sau nó là cả một bi kịch đạo đức.
Chuyện bắt đầu bằng một lá đơn tố giác, tưởng nhỏ mà hóa ra là đầu mối của một sự việc lớn. Vài cán bộ thuộc Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc bị chính những người từng vi phạm luật giao thông dọa nạt, ép buộc phải chuyển tiền nếu không muốn bị “kiện tụng dây dưa”. Thật lạ đời! Trong khi xã hội khuyến khích công dân giám sát, phản biện có trách nhiệm, thì có những kẻ lại coi việc khiếu nại là... nghề. Khiếu nại không phải để đòi công bằng, mà để mặc cả. Một đơn khiếu nại, một cú điện thoại, vài lời đe dọa, kèm theo thái độ lồi lõm được chúng dùng như món hàng để mặc cả, nhằm chiếm đoạt tiền bạc, và tài sản của những người thực thi pháp luật.
Ngay khi nhận được tố giác, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng phối hợp cùng Cục CSGT và Công an tỉnh Bắc Giang thành lập tổ công tác. Và trong buổi chiều hôm đó, lúc 16h30 ngày 2/5, sự thật được phơi bày. Hưởng và Tuấn bị bắt quả tang tại nhà riêng của Hưởng, khi đang thực hiện hành vi cưỡng đoạt. Đồng tiền, tưởng vô tri, nay trở thành chứng cứ của một tội ác có tính toán.
Không chỉ dừng ở đó, cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp nơi ở và phương tiện của hai đối tượng, thu giữ thêm hàng loạt tang vật, tài liệu. Một cuộc chơi liều lĩnh, tưởng qua mặt được pháp luật, cuối cùng đã khép lại bằng chiếc còng số 8 và quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Câu chuyện này, nếu chỉ nhìn ở góc độ pháp lý, thì là một vụ cưỡng đoạt tài sản. Nhưng nếu mở rộng tầm nhìn, ta sẽ thấy nó là sự biểu hiện của một căn bệnh xã hội: lợi dụng danh nghĩa công dân để trục lợi, để làm tiền, để bẻ cong lương tri. Người ta không chỉ lừa nhau bằng thủ đoạn, mà còn bằng sự giả vờ chính nghĩa. Đáng sợ hơn cả là việc nhân danh pháp luật để đòi hỏi điều phi pháp. Đó là khi những quy trình tử tế bị biến dạng thành công cụ phục vụ cho lòng tham.
Những hành vi như thế không chỉ đe dọa một vài cá nhân, mà còn làm tổn thương niềm tin của xã hội. Chúng không khác gì những giọt axit nhỏ vào nền đạo đức vốn đã có nhiều vết xước. Một xã hội lành mạnh không thể dung túng kiểu người sống bằng sự dối trá, toan tính và bất chấp.
Pháp luật sẽ trừng trị họ, đó là điều chắc chắn. Nhưng điều đáng nói hơn là chúng ta, với tư cách cộng đồng, cần tỉnh táo trước những biểu hiện tương tự. Đừng để những lá đơn, những câu chữ có vẻ như đầy trách nhiệm công dân bị biến thành công cụ gây sức ép để kiếm tiền. Đừng để sự tử tế bị đem ra mặc cả trong các cuộc đổi chác lén lút.
Xã hội không cần những “hiệp sĩ đạo đơn”, mà cần những con người biết sống đúng mực, tôn trọng luật pháp và gìn giữ giá trị thật. Và cũng đã đến lúc, chúng ta phải lên tiếng - không chỉ để bảo vệ người bị hại, mà để bảo vệ chính lòng tự trọng của xã hội.
Đất nước ngày càng phát triển kéo theo dân trí của mọi tầng lớp nhân dân cũng ngày càng cao so với trước. Kéo theo đó, đòi hòi lực lượng thi hành pháp luật ngày càng phải nghiêm minh và minh bạch trong việc thực thi pháp luật để tránh những vụ việc không đáng có xảy ra
Trả lờiXóa