Lâm Trực@
Trong quá trình phát triển kinh tế, người ta thường nói nhiều đến các mô hình tăng trưởng, đến những đột phá công nghệ, đến các chỉ số xuất khẩu và dòng vốn đầu tư. Nhưng ít ai chịu dừng lại để nói đến một yếu tố vô hình mà chính nó lại là nền móng cốt lõi của mọi hành vi giao dịch: niềm tin. Niềm tin là thứ tài sản không thể định giá nhưng lại là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào tồn tại. Và khi một doanh nghiệp – dù nhỏ hay lớn – tự tay cắt đứt sợi dây ấy, họ không chỉ hủy hoại chính mình, mà còn gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho cả hệ sinh thái kinh tế mà họ đang tham gia.
Vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Nam Ban Silk, nơi từng là biểu tượng một thời của ngành tơ tằm Lâm Đồng, là minh họa sống động cho một loại “vỡ nợ đạo đức”, thứ không thể đong đếm bằng tiền, nhưng lại có sức phá hoại sâu hơn bất kỳ một cơn khủng hoảng tài chính nào.
Nguyễn Khắc Hùng – giám đốc công ty – từng là một hình ảnh đáng ngưỡng mộ: một người doanh nhân địa phương đưa sản phẩm truyền thống vươn ra thế giới, ký kết với đối tác quốc tế, khôi phục lại chuỗi giá trị tưởng như đã mai một. Nhưng chính con người đó, vào thời điểm công ty mất khả năng sản xuất, đã chọn một lối thoát ngược với quy luật kinh tế: lừa dối để tồn tại, chứ không phải đổi mới để vượt qua. Ông cùng cấp dưới dựng lên những hợp đồng giả, tạo ra chứng từ giả, để đánh đổi những đồng tiền đặt cọc quốc tế – không phải cho sự phục hồi, mà cho những mục đích cá nhân. Đó không còn là sai phạm hành chính hay kỹ thuật quản trị. Đó là sự phản bội trắng trợn niềm tin – thứ duy nhất níu giữ một doanh nghiệp trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.
Trong lý luận kinh tế hiện đại, niềm tin không phải là vấn đề đạo đức thuần túy, mà là tài sản kinh tế có giá trị nội tại. Trong nền kinh tế thị trường, các giao dịch không thể được tiến hành nếu không có cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Hợp đồng là hình thức pháp lý, nhưng niềm tin là nội dung xã hội. Một doanh nghiệp có thể có công nghệ cao, tài chính vững, nhưng nếu đánh mất niềm tin, họ sẽ bị loại khỏi sân chơi. Trong thương mại quốc tế, điều đó còn khắc nghiệt hơn: niềm tin là đơn vị tiền tệ thứ hai, sau đồng đô la.
Không thể có một nền kinh tế tử tế nếu tồn tại những doanh nghiệp sẵn sàng giả mạo, chiếm đoạt, và rồi bỏ trốn khỏi trách nhiệm. Bởi mỗi hành vi như vậy không chỉ là hành động cá nhân, mà là sự tác động gián tiếp đến hình ảnh quốc gia. Thế giới không nhìn Việt Nam qua từng doanh nghiệp riêng lẻ, mà qua cách doanh nghiệp Việt vận hành – có tuân thủ cam kết không, có biết bảo vệ uy tín không, có hành xử văn minh không. Khi một công ty như Nam Ban Silk biến mất khỏi bản đồ niềm tin, những doanh nghiệp khác – dù làm ăn tử tế – cũng phải gánh chịu ánh mắt nghi ngờ của đối tác. Đây là điều nguy hiểm nhất trong hội nhập: không chỉ có tài sản bị rủi ro, mà danh tiếng quốc gia cũng bị cầm cố bởi hành vi sai trái của một số ít người.
Ở đây, đạo đức doanh nghiệp không còn là khẩu hiệu trong các diễn đàn, mà phải trở thành năng lực cạnh tranh thực sự. Một công ty tử tế là một công ty biết giới hạn giữa lợi nhuận và đạo lý. Không thể dùng mánh khóe, chứng từ giả, những lời hứa ảo để chiếm đoạt niềm tin của người khác, rồi quay về sống như thể mình vô can. Trong thế giới mà thông tin lan truyền với tốc độ của ánh sáng, sự thật sẽ luôn đến trước luật pháp. Trước khi bị khởi tố, họ đã bị cộng đồng từ chối. Trước khi bị điều tra, họ đã bị rút khỏi bản đồ kinh doanh toàn cầu.
Nhưng ở tầng sâu hơn, vụ án Nam Ban còn đặt ra một câu hỏi lớn về trách nhiệm công dân trong kinh tế hiện đại. Một doanh nhân không thể chỉ là người kiếm lợi, họ phải là công dân mang trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm ấy không chỉ với nhà nước, với pháp luật, mà còn với chính xã hội mà họ sống trong đó: với nông dân trồng dâu, với người công nhân dệt tơ, với khách hàng quốc tế đã đặt niềm tin vào quốc gia họ đại diện. Khi một doanh nhân phản bội điều đó, anh ta không chỉ phạm tội với pháp luật, mà phạm tội với cộng đồng, với nền văn hóa làm ăn tử tế mà bao thế hệ đang cố gìn giữ.
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà các khái niệm như minh bạch, trách nhiệm và chính danh trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Sự hội nhập không chỉ là xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, mà là nhập khẩu vào quốc gia mình những chuẩn mực toàn cầu – trong đó, đạo đức doanh nghiệp và ý thức công dân là cốt lõi. Một doanh nhân Việt ngày nay không chỉ đại diện cho cá nhân mình, mà đại diện cho hình ảnh của quốc gia, cho độ tin cậy của xã hội Việt Nam trong mắt thế giới. Vì thế, không thể tiếp tục chấp nhận một thứ văn hóa “lách luật để tồn tại”, “lừa để qua ngày”, hoặc “sự thật là thứ có thể mặc cả”.
Chúng ta đã từng chứng kiến quá nhiều bài học đau đớn về những doanh nghiệp lớn sụp đổ vì phản bội giá trị cốt lõi. Nhưng cũng chính từ đó, chúng ta hiểu rằng sự tái sinh không bắt đầu từ vốn liếng hay công nghệ, mà từ tái cấu trúc lại lòng trung thực, từ khôi phục lại uy tín, từ nuôi dưỡng lại một tinh thần quốc gia tử tế trong từng con người làm kinh doanh.
Và như tôi từng khẳng định: “Một dân tộc trưởng thành là dân tộc biết từ chối sự giả dối. Một nền kinh tế trưởng thành là nền kinh tế không dung dưỡng sự lừa đảo.” Từ góc nhìn đó, vụ Nam Ban không chỉ là bản án dành cho một giám đốc, mà là một lời cảnh tỉnh dành cho toàn bộ hệ thống. Cảnh tỉnh rằng chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế đáng tin cậy nếu còn tồn tại những doanh nghiệp sẵn sàng bán rẻ đạo đức để mua lấy những đồng tiền ngắn hạn.
Nếu không muốn tiếp tục trả giá đắt bằng sự hoài nghi của quốc tế, bằng thất vọng của thị trường, bằng nước mắt của những người lao động chân chính, thì chính lúc này, xã hội cần phải đồng thanh nói rằng: không thể có sự phát triển nếu niềm tin bị phản bội. Và nếu muốn phục hồi lại tấm lụa rách kia, chúng ta phải bắt đầu lại từ sợi tơ trung thực, được se bằng tinh thần trách nhiệm, đạo đức và khát vọng làm người tử tế trong kinh doanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét