Chia sẻ

Tre Làng

Khi chiếc áo blouse không đủ che khuất chiếc bóng của đồng tiền

Lâm Trực@

Tam Kỳ, ngày 16/5/2025 - Tôi từng nói, không một nền văn minh nào vững chãi khi y đức và giáo đức mục ruỗng. Một xã hội chỉ thật sự được chữa lành khi người thầy thuốc chữa bệnh bằng trái tim, và người thầy dạy học bằng ánh sáng của lý trí. Nhưng trong một hiện thực đang chao đảo, khi đồng tiền bước vào chùa, lên bục giảng, vào bệnh viện - thì không gian linh thiêng bỗng trở thành cái chợ. Và trong chợ ấy, người ta mặc cả cả lương tâm.

Ông Huỳnh Nguyễn Lộc - Cựu 
Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Chuyện xảy ra ở Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - một nơi từng được kỳ vọng là cánh cửa gìn giữ tinh hoa Đông y, nơi cây cỏ giao thoa cùng nhân nghĩa để cứu người, để chữa những cơn đau không chỉ ở thân thể mà cả trong tinh thần. Vậy mà hôm nay, nơi ấy bị nhuộm màu bởi những con số lạnh lùng: 62 lần nhận hối lộ, hơn 47 tỉ đồng, 10 hợp đồng, hàng chục tài khoản, hàng loạt nhân viên và người thân như mắc cửi trong trò chơi ma trận của tiền bạc.

Người đàn ông mang danh Viện trưởng, Huỳnh Nguyễn Lộc, đã không còn là bác sĩ. Ông đã chọn trở thành “người trung gian của tiền”, một dạng “ngân hàng” ẩn mình sau cánh cửa khám bệnh. Người ta kể rằng, ông nhận tiền ở ngân hàng, nhận tiền trong phòng làm việc, nhận qua người thân, qua nhân viên, qua cả vợ và cháu. Tiền không chỉ đi vào túi ông - mà còn lan ra như một mạch máu lạ, nuôi sống cả một mạng lưới giao dịch âm thầm mà trắng trợn.

Một xã hội mà nơi người bệnh mong chờ được chữa lành lại trở thành nơi họ bị biến thành đối tượng kiếm lợi - là xã hội của nghịch lý. Khi lòng tin bị xé rách từng mảnh trên từng tờ hóa đơn thanh toán bảo hiểm y tế, thì điều tổn thương không còn là thân thể nữa - mà là ký ức và cảm giác an toàn của cả một cộng đồng.

Người xưa dạy: “Làm thuốc như làm quan - lấy đức làm đầu.” Nhưng khi chức vụ bị biến thành cái cần câu để kéo về những phần trăm “hoa hồng”, thì bản chất của nghề đã bị đánh tráo. Cái “hoa” trong “hoa hồng” đã héo, chỉ còn lại “gai” - gai của toan tính, của phản bội và của sự tàn nhẫn với người bệnh.

Tôi không muốn chỉ trích cá nhân ông Lộc. Tôi chỉ muốn đặt ra một câu hỏi: Vì sao một con người có học, có vị trí, có danh vọng - lại lựa chọn đánh đổi tất cả chỉ để gom lấy những đồng tiền mà đến cuối cùng cũng không thể giữ? Phải chăng, chính xã hội chúng ta đã tạo ra một cái lồng kính - nơi mà thành công được đo bằng tiền, đạo đức bị lu mờ trước những chiếc phong bì?

Tôi từng nói, đạo đức là thứ không ai thấy, nhưng khi nó mất đi, người ta sẽ cảm nhận được sự sụp đổ. Và hôm nay, trong vụ việc này, tôi không chỉ thấy một ông viện trưởng sụp đổ, mà thấy một vết rạn nữa trong niềm tin của nhân dân.

Giá như ông Lộc biết, danh dự không nằm ở chức vụ, tiền bạc không thay được lòng tin, và y đức - một khi mất đi - sẽ không có toa thuốc nào có thể hồi sinh được.

5 nhận xét:

  1. dù là một bác sĩ hay là bất cừ người có chức vụ, vị trí nào trong xã hội cũng phải giữ được bản lĩnh của mình trước những cám dỗ của cuộc sống, nếu không thì người chịu trách nhiệm đầu tiên không ai khác chính là bản thân mình, sau đó là gia đình và người thân

    Trả lờiXóa
  2. Những con người như vậy cần phải bị xử lý rất nghiêm minh trước pháp luật đồng thời để răn đe những con người khác. Chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa để loại bỏ khỏi đội ngũ cán bộ công chức, quản lý những con sâu như vậy. có như thế xã hội, đất nước mới phát triển đi lên được.

    Trả lờiXóa
  3. đúng là làm ô uế, ảnh hưởng đến danh dự và hình ảnh của một người thầy thuốc trong lòng nhân dân, một con người khoác chiếc áo blouse trắng lên là đã thấy được nâng lên một tầm cao mới rồi, nhưng những trường hợp đây lại không hề trân trọng những thứ mình đang có

    Trả lờiXóa
  4. là con người thì ai chẳng có cuộc sống riêng, ai chẳng phải lo cho bản thân và gia đình, nhưng mỗi người lại có bản lĩnh riêng, ai không giữ được mình thì sẽ rất dễ sa vào những cám dỗ, đặc biệt là tiền bạc, và hậu quả phải trả giá sẽ là rất đắt

    Trả lờiXóa
  5. đối với nhiều người, nghề nghiệp chỉ là một công việc để kiếm tiền thôi. Và có lẽ ông Lộc cũng vậy. Ông không coi bác sĩ là một nghề danh giá, ông coi đấy là công cụ để ông lấy được thật nhiều tiền từ nỗi lo về sức khỏe, tính mạng của những người dân khác. Với ông, có lẽ chỉ cần có tiền là đủ, còn y đức ư, nó có ăn được không?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog