Chia sẻ

Tre Làng

Tự thuốc mình bằng những nắm tiền

Lâm Trực@

Tam Kỳ, ngày 17/5/2025 - Trong thành phố có một nơi ngột ngạt hơi thuốc sát trùng và tham vọng chưng cất trong lọ thủy tinh, một con người mặc blouse trắng đã tự ban cho mình đặc quyền bước qua ranh giới giữa chữa bệnh và bày bán lương tâm. Ông ta không giết ai. Không bóp cò, không nhúng tay vào máu. Ông ta chỉ cười, ký tên, nhận phong bì, chỉ tay cho người khác thu tiền. Mỗi lần nhận tiền là một lần tiêm thêm vào mạch máu xã hội một giọt thuốc độc. Lặng lẽ. Không mùi. Nhưng thấm rất sâu.

Người ta gọi ông là Viện trưởng - cái danh xưng đẹp như lọ nhân sâm ngàn năm. Nhưng bên trong, thay vì dược tính, là sự mủn mục của đạo đức y khoa. Sáu mươi hai lần nhận tiền - sáu mươi hai cái bắt tay với tội lỗi. Không phải một cơn bốc đồng. Là kế hoạch. Là thỏa thuận. Là hệ thống.

Ông ta không đơn độc. Đằng sau ông là một vở tuồng dài với nhiều nhân vật phụ. Có người đóng vai nhân viên trung thành, người đóng vai em rể tiện tay cầm giúp vài tỉ, kẻ khác thì làm chiếc cầu chuyển tiền qua tay, qua tài khoản, qua sự im lặng kéo dài suốt sáu năm. Sáu năm là một đời người cho một bệnh nhân chờ thuốc. Sáu năm là ba đứa trẻ lớn lên trong ngây thơ, không biết rằng cha mẹ chúng đóng tiền bảo hiểm để mua lấy những toa thuốc pha loãng vì tham nhũng.

Và rồi, như thể để tự minh oan bằng một vở cải lương hối lỗi, ông ta nộp lại vài chục tỉ vào quỹ chống dịch. Như một đứa trẻ phá đồ rồi dúi trả vài cái bánh để mong mẹ hết giận. Nhưng tiền, dẫu rửa sạch bằng nước mắt nhân dân, vẫn không xóa được dấu vết trên hồ sơ bệnh án quốc gia - nơi những con số lạnh lẽo gợi lại hàng triệu toa thuốc từng bị đổi bằng chiết khấu.

Tôi hình dung ông ta trong phòng làm việc - tay cầm bút, không run. Đôi mắt có thể đã chai lì trước chữ “lương tâm”. Ngoài kia, người bệnh xếp hàng - mang theo đơn thuốc, cặp lồng cháo loãng, và cả niềm tin nhỏ bé. Họ không biết rằng cái niềm tin ấy đã bị đem ra mặc cả như một món hàng trên sạp chợ.

Có lẽ, khi còn là sinh viên, ông ta cũng từng học lời thề Hippocrates. Nhưng đời, nếu không giữ nổi lời thề, thì lời thề sẽ lặng lẽ chết trong một góc tủ. Như linh hồn bị bịt miệng.

Tội ác trong ngành y không phải là trực tiếp vung dao giết người. Mà là làm ngơ khi người ta chết chậm, chết nghẹn, chết trong sự lừa dối trắng toát như blouse. Và mỗi lần ký tên vào hợp đồng gian trá là một lần ông ta kê đơn cho chính mình - đơn thuốc gồm lòng tham, sự trơ tráo, và ảo vọng quyền lực.

Người đời nói: “Lòng tham là thứ thuốc phiện ngọt ngào nhất”. Ai đã chích mũi đầu tiên, thì mạch đạo đức sẽ bị gây tê mãi mãi.

Đến lúc này, có lẽ ông ta vẫn còn tin mình bị oan. Giống như bao kẻ quyền chức khác từng tin rằng mình chỉ “nhận chi phí bồi dưỡng hợp lý”. Nhưng thử hỏi: liệu có cái lý nào cho việc dùng tiền máu của người nghèo để tô son cho cái danh?

Tôi viết những dòng này không phải để kết tội ông. Tòa án sẽ làm điều đó. Tôi viết để nhắc mình - và những ai còn giữ trái tim biết đau - rằng: đừng bao giờ tin một con người chỉ vì họ mặc blouse trắng.

Có những kẻ, dù tay không dính máu, vẫn là tội đồ của nhân dân. Và trong cái xã hội mà y đức phải được mua bằng phần trăm hóa đơn, thì mỗi bệnh viện sẽ hóa thành một sân khấu, nơi người bệnh là khán giả bị cướp vé giữa chừng, còn lương tâm - chỉ là một đạo cụ cũ, mục nát sau cánh gà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog