Lâm Trực@
Tử hình là gì nếu không phải là một dấu chấm hết - tuyệt đối, vĩnh viễn và không thể sửa chữa?
Trong thời đại mà nhân loại bước vào thế kỷ 21 với trí tuệ nhân tạo, với khát vọng nhân văn và với cả sự mệt mỏi trước những hằn học mang danh “trừng trị”, việc đặt lại câu hỏi: “Có nên giữ án tử hình?” - không còn là chuyện xa lạ. Ở Việt Nam, đề xuất bỏ án tử hình đã xuất hiện, và như thường lệ, vấp phải những phản ứng cảm tính, nóng nảy: “Không tử hình thì làm sao răn đe tội ác?” “Không tử hình thì làm sao công bằng với nhân dân?”
Tôi xin được thưa rằng: Không phải cái chết nào cũng là công lý. Và không phải hình phạt nào cũng sinh ra từ trí tuệ của một xã hội trưởng thành.
Thứ nhất, đề xuất bỏ án tử hình xuất phát từ nhu cầu hội nhập pháp lý quốc tế.
Hơn 70% quốc gia trên thế giới đã loại bỏ án tử hình ra khỏi hệ thống pháp luật. Với họ, đó là một hình phạt man rợ, không còn phù hợp với giá trị phổ quát về nhân quyền. Muốn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc chung của nhân loại tiến bộ. Hãy thử hình dung: một kẻ phạm tội trốn sang Đức, Anh hay Thụy Điển - nếu chúng ta còn duy trì tử hình, thì tuyệt nhiên họ sẽ không bao giờ được dẫn độ. Tức là, chúng ta mất cả người lẫn của, và nền pháp luật thì bị vô hiệu hóa bởi chính hệ quả của nó.
Thứ hai, bỏ án tử hình để phục vụ mục tiêu quan trọng hơn: thu hồi tài sản.
Tôi từng nói trong một hội nghị: “Chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản thì chỉ là một cuộc trừng phạt cảm tính.” Và đúng như vậy. Khi người phạm tội biết rằng mình sẽ bị xử tử, họ chẳng còn lý do gì để hợp tác, để khắc phục hậu quả. Chết là hết. Nhưng nếu cho họ cơ hội sống, nếu giam giữ họ để họ buộc phải lao động, hoàn trả, xóa đi dấu vết tội ác - đó mới là công lý sống động.
Hãy nhìn vào vụ Trương Mỹ Lan - một vụ án gây chấn động. Nếu bà ấy biết chắc sẽ bị tử hình, liệu có khắc phục được hơn 11.000 tỷ đồng? Tôi e là không. Một người có thể nhẫn tâm tham ô, nhưng vẫn có bản năng sinh tồn. Luật pháp thông minh là luật pháp biết đánh vào bản năng ấy để thu về lợi ích công - chứ không phải cắt đứt mọi hy vọng rồi ôm lấy sự mất mát.
Thứ ba, tử hình không còn là răn đe tối ưu trong một xã hội phức tạp.
Đừng ngây thơ mà tin rằng cái chết sẽ ngăn người ta phạm tội. Lịch sử nhân loại là lịch sử của những bản án máu, nhưng tội phạm vẫn sinh sôi. Điều răn đe mạnh mẽ nhất không phải là chặt đầu - mà là không để lọt lưới. Sự nghiêm minh đến từ năng lực bắt giữ, xét xử kịp thời và đúng đắn - không phải từ bản án nặng đến tận cùng.
Chúng ta vẫn lầm tưởng rằng hình phạt càng nặng thì càng ngăn được tội ác. Nhưng xin nhớ: tội phạm ngày nay là những người có học, có hệ thống, có quan hệ. Họ tính toán kỹ. Và khi hành động, họ đặt cược bằng niềm tin rằng “sẽ không bị bắt”. Nỗi sợ không nằm ở cái chết. Nỗi sợ nằm ở việc không thoát được.
Vì thế, hãy cải cách bộ máy điều tra, công khai quy trình tố tụng, giảm tham nhũng trong nội bộ ngành - chứ đừng kỳ vọng vào một viên đạn, một mũi tiêm có thể thay thế toàn bộ hệ thống pháp quyền.
Cuối cùng, tử hình là hình phạt không thể đảo ngược.
Chúng ta từng có những vụ án oan. Những lời xin lỗi muộn màng. Những người mẹ đội khăn trắng đi đòi công lý cho con. Và dù có đền bù hàng trăm triệu - thì một mạng người đã mất, vẫn là mất. Pháp luật phải để ngỏ khả năng sửa sai. Đó là sự khiêm tốn cần thiết của một nhà nước pháp quyền.
Thưa các anh chị,
Việc bỏ án tử hình không phải là sự buông lỏng kỷ cương, mà là một bước tiến - thận trọng, nhân đạo và văn minh - để xây dựng một xã hội kỷ luật hơn, công bằng hơn. Bỏ tử hình là cách để pháp luật không rơi vào chủ nghĩa trả thù, để công lý không thành con dao hai lưỡi.
Chúng ta cần một nền pháp luật khiến kẻ phạm tội phải sống mà day dứt, sống để đền bù, sống để trả giá. Cái chết quá dễ. Công lý không cần dễ. Công lý cần chính xác, và có ích cho cộng đồng.
Và xin đừng quên: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà lòng nhân là thước đo của sự văn minh. Một xã hội biết tha thứ, là một xã hội biết mạnh mẽ.
bài viết rất hay và ý nghĩa, phân tích rất chính xác theo xu hướng chung hiện nay. Chúng ta thường mong muốn những kẻ thủ ác, những kẻ phạm tội tày đình phải chịu sự trừng phạt nặng nhất của pháp luật là tử hình thì mới hả dạ, nhưng đấy chỉ là để thỏa mãn cảm xúc tức giận của chúng ta thôi, còn những gì xảy ra sau đó thì chúng ta lại không nghĩ đến
Trả lờiXóađúng, nhờ đọc bài viết này tôi mới nhận ra, nếu biết là tham nhũng là sẽ bị tử hình thì những cá nhân phạm tội sẽ chẳng khác gì tội phạm ma túy cả, đã làm là làm lớn, thậm chí có tư tưởng "hi sinh đời bố củng cố đời con", tìm cách tẩu tán tài sản để dùng dần, v.v...
Xóahiệu quả răn đe của án tử hình vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa việc áp dụng án tử hình và tỷ lệ tội phạm giảm. Thay vì tập trung vào hình phạt cuối cùng, chúng ta nên đầu tư vào các giải pháp bền vững hơn, nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tội phạm như nghèo đói, bất bình đẳng và thiếu giáo dục.
Trả lờiXóabản chất của án tử hình là phi nhân đạo và tàn bạo, vi phạm quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống. Dù tội ác có ghê tởm đến đâu, việc nhà nước tự mình tước đi sinh mạng của một người cũng không phải là cách để khẳng định công lý. Thay vào đó, một hệ thống tư pháp nhân văn hơn sẽ thể hiện sức mạnh của sự cải tạo và lòng khoan dung.
Trả lờiXóaGỡ bỏ án tử hình luôn là một câu chuyện gây tranh cãi ở khắp các diễn đàn luật pháp, nơi nghiên cứu học thuật và nghị trường. Ngay tại các quốc gia phương Tây, vẫn đang có quá nhiều tranh cãi về việc có nên khôi phục án tử hình hay không. Nhưng có một vấn đề ở đây là mỗi quốc gia có một nền tảng pháp luật, hình thái xã hội, cấu thành lịch sử... khác nhau. Vì vậy nên tôn trọng lẫn nhau trong việc có hay không gỡ bỏ án tử hình
Trả lờiXóaTheo lẽ thường, bà Lan cho rằng nếu những tội phạm này ít hẳn đi, tình hình khá hơn thì sẽ giảm án. Còn nếu tình hình càng ngày càng căng thẳng, có nhiều nguy cơ, luật xử tới mức đó rồi vẫn chưa sợ, thì một trong những giải pháp là tăng mức xử phạt
Trả lờiXóaTôi cho rằng để phù hợp với thực tế xu thế phát triển của xã hội thì một số tội nên bỏ án tử hình nhưng phải nâng một số khung hình phạt lên, cần áp dụng chung thân không giảm án và quản thật nghiêm số này, phải bắt chúng lao động trong thời gian ở trại giam, không có cơ hội được trở về hòa nhập với cộng đồng
Trả lờiXóa