Chia sẻ

Tre Làng

Khi thuốc chữa thành thuốc độc: Lương y, hay lương tâm bị bán?

Lâm Trực@

Đà Nẵng, ngày 18/5/2025 - Người xưa truyền lại câu “lương y như từ mẫu”, nhưng trong vết loang ảm đạm của ngành y hôm nay, câu ấy như tấm lụa trắng đã bị nhúng vào máu đen - không còn nguyên vẹn, không còn thơm lành.

Vụ án Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm không chỉ là câu chuyện về 23 bị can với các tội danh "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đó là chiếc gương vỡ chiếu thẳng vào căn nguyên suy đồi của y đức, nơi blouse trắng không vẹn nguyên là biểu tượng chữa lành mà là tấm màn che giấu những bàn tay vấy máu đồng tiền.

Phạm Văn Cách - Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Lâm - đã bỏ ra hơn 71 tỷ đồng để lót đường cho những lô thuốc đội lốt "dược phẩm quý", len lỏi vào khắp các bệnh viện trên dải đất hình chữ S. Nhưng cái đáng sợ không nằm ở số tiền, mà ở sự nhẫn tâm của một hệ thống bị thao túng từ trong cốt lõi.

Cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - Huỳnh Nguyễn Lộc - đút túi hơn 47 tỷ đồng. Khi vụ việc bung ra, ông ta lặng lẽ chuyển trả lại 7 tỷ đồng qua tài khoản con dâu bị can Cách - một nỗ lực tuyệt vọng để rửa vết nhơ bằng xà phòng giả danh lương thiện. Tại Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trương Thị Thu Hương nhận hơn 10 tỷ để “tạo điều kiện” cho thuốc của Sơn Lâm vào bệnh viện. Còn tại Bắc Giang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thân Đức Lại nhận 700 triệu để “hỗ trợ giải ngân” - một cách nói hoa mỹ cho việc rút ruột quỹ an sinh bằng tay trần.

Cứ như thế, từ phòng họp bệnh viện đến quầy thuốc bảo hiểm, từ toa thuốc kê tay đến hợp đồng đấu thầu, một thứ “hoa hồng máu” đã được cắm vào hệ thống y tế quốc dân, mọc rễ bằng những cái bắt tay thầm lặng giữa doanh nghiệp và quan chức. Thầy thuốc không còn cứu người - họ cứu quyền lực, cứu tiền hoa hồng.

Thật chua xót! Trong khi có hàng ngàn bác sĩ chân chính vẫn ngày đêm cắm cúi giữa ca trực, ăn cơm hộp giữa phòng cấp cứu, thì cũng có những “thiên thần trắng” ngồi đếm từng con số hoa hồng như dân cá độ - đổi mạng người lấy hợp đồng, đổi đạo đức lấy biệt thự, đổi danh xưng “bác sĩ” thành một chức vụ của lòng tham.

Đằng sau những con số khô lạnh là vô vàn câu hỏi chưa có lời đáp: ai sẽ chịu trách nhiệm cho niềm tin bị đánh cắp? Ai sẽ trả lại sự trong sạch cho ngành y - ngành từng được tôn vinh trong đại dịch với hình ảnh những anh hùng áo trắng hy sinh thầm lặng? Và ai sẽ cứu những người dân thấp cổ bé họng khi hệ thống y tế bị biến thành chợ trời đấu giá giữa “thuốc” và “lợi ích nhóm”?

Nếu vụ án chỉ khép lại bằng việc truy tố 23 bị can thì chưa đủ. Nó cần được mổ xẻ như mổ một khối ung thư: phải khoét sâu, cắt bỏ tận gốc, không khoan nhượng. Đằng sau những con người là cơ chế. Đằng sau những đồng tiền là lỗ hổng. Và đằng sau sự sụp đổ của lương tâm là một bộ máy đang rỉ máu từng ngày.

Đã đến lúc phải thôi ngợi ca sáo rỗng. Phải nhìn thẳng vào sự thật: chiếc áo blouse trắng - nếu không còn giữ được trái tim thầy thuốc - thì cũng chỉ là tấm vải lạnh lẽo khoác lên một cái xác đạo đức đang thối rữa từ bên trong.

8 nhận xét:

  1. Nặc danh13:18 18/5/25

    Tiền nhân đã dạy rằng : " tiên trách kỷ , hậu trách nhân " . Sâu bọ thời nào cũng có .cứ có " đất màu mỡ " là chúng đến nhâu nhâu liền . Cái đáng trách là khâu quản lý của nhà nước . Luật chỉ để " dạo chơi " thôi ư ! Cả một bộ máy kềnh càng , quản lý kiểu gì , để lũ khốn nạn hại người dân thời gian lâu như thế ?!

    Trả lờiXóa
  2. Nhà chức trách cáo buộc, ông Lộc đã yêu cầu ông Cách chi hoa hồng từ 20 đến 25% trên một hóa đơn mua bán, chưa tính VAT. Tiền đưa trực tiếp cho ông Lộc hoặc thông qua nhân viên Phạm Văn Chuân. Thời điểm đưa hối lộ thường sau mỗi đợt Viện thanh toán tiền mua dược liệu cho Công ty Sơn Lâm hoặc khi ông Lộc cần tiền gấp

    Trả lờiXóa
  3. Để không bị vị viện trưởng gây khó khăn, ông Cách đồng ý. Tổng số tiền ông Lộc đã nhận là 47,1 tỷ đồng. Trong đó, ông Lộc một lần trực tiếp nhận 500 triệu đồng; 34 lần chỉ đạo Chuân nhận 26,8 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng, 12 lần giao Chuân 4,7 tỷ đồng tiền mặt

    Trả lờiXóa
  4. Tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên, từ 2014 đến 2019, Công ty Sơn Lâm đã thực hiện 6 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tổng giá trị hợp đồng theo hóa đơn là 21,4 tỷ đồng

    Trả lờiXóa
  5. Vì đồng tiền mà những con người được mọi người coi như là "lương y" này có thể sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn, dù biết việc làm của mình sẽ ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng như thế nào đến người bệnh. Không thể nương tay với những kẻ trục lợi trên xương máu của nhân dân được

    Trả lờiXóa
  6. Những sai phạm này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành y tế và niềm tin của người dân. Việc các hành vi hối lộ diễn ra trong lĩnh vực cung cấp thuốc chữa bệnh là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc và chi phí điều trị cho người bệnh.

    Trả lờiXóa
  7. Vụ việc sai phạm của Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm không chỉ đơn thuần là một vụ án kinh tế mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh về những góc khuất trong ngành dược phẩm và hệ thống y tế. Hành vi đưa và nhận hối lộ với quy mô lớn, cấu kết gian lận trong đấu thầu để chiếm đoạt tài sản nhà nước đã cho thấy sự tha hóa nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật của một bộ phận cá nhân và doanh nghiệp.

    Trả lờiXóa
  8. Việc "cắt phế" với tỷ lệ cao không chỉ đẩy gánh nặng chi phí lên người bệnh mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, làm suy giảm chất lượng dịch vụ y tế. Sự việc này không chỉ gây ra những thiệt hại về mặt kinh tế mà còn xói mòn niềm tin của người dân vào sự minh bạch và liêm chính của hệ thống y tế, một lĩnh vực vốn dĩ cần được xây dựng trên nền tảng của sự tin cậy và trách nhiệm cao cả.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog