Chia sẻ

Tre Làng

Sư phạm - Một nghề nguy hiểm

Moa nhận được một message của người bạn, cô ấy là giáo viên của một trường dân lập tại Hà Nội. Cô day dứt và đau đớn về nghề dạy học của mình. Thế nhưng không thể dãi bày cùng ai, nhờ Moa có được tiếng nói thay cô ấy. Vì nhiều lý do tế nhị về sự mưu sinh bởi còn phải kiếm cơm và lo cho hai con ăn học. Moa đồng ý giữ bí mật danh tính cho cô đồng thời cởi lòng thay cho cô ấy mà gửi đến bạn đọc. Một nỗi dày vò đau đớn cộng thêm sự tủi nhục và nguy hiểm của nghề làm giáo viên thời nay. Mong sự sẻ chia của những con người có trách nhiệm và lương tâm của mỗi cá nhân chúng ta để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. 

***

Đang trong phòng giám hiệu để trao đổi về một vụ đánh nhau của ba học trò lớp mình hôm qua, thì có tiếng ồn ào ngoài cổng. Mình nhìn ra thì thấy có cả chục người đàn bà mắt xanh mỏ đỏ xừng xực xông vào. Trên người đầy các hình xăm trổ nom đến ghê sợ và gớm guốc. Họ xô té ngã ông bảo vệ và ào vào phòng ban giám hiệu nhà trường. Những lời lẽ rất bẩn thỉu và rất chợ búa văng tục đầy cả gian phòng. Họ yêu cầu đuổi việc mình vì để cho những đứa học sinh khác đánh con của họ. Họ đập bàn quát tháo trước mặt mình và hiệu phó nhà trường. Không chịu được hành vi thô lỗ kía chị hiệu phó đập bàn và quát lại yêu cầu họ giữ trật tự để làm việc. Họ đồng ý nhưng khi hiệu phó và mình nói ra một câu thì họ Đ...mẹ một câu. Cả căn phòng nhốn nháo vô tổ chức bởi sự lồng lộn của đám người kia.

Trong giờ của giáo viên bộ môn do mình chủ nhiệm có ba đứa học sinh đánh nhau. Mình là người đứng ngoài nên thấy rõ tường tận sự việc. Mình đã đứng ra giải quyết vụ đánh nhau ổn thỏa. Sau đó có hỏi lại là các con có ý kiến gì nữa không, chúng bảo là không có gì ạ. Mình lại hỏi tiếp là có cần thông tin cho bố mẹ biết không, chúng cũng bảo là không cần đâu cô ạ.

Mình đưa sự việc báo cáo hiệu phó, chị bảo giải quyết như vậy là ổn rồi. Trên đường về mình cứ suy nghĩ mông lung có nên thông báo cho gia đình của các học sinh kia biết không. Về nhà định cầm điện thoại lên fon thì bất ngờ đầu bên kia mẹ thằng bé bị đánh chửi rủa mình rất thậm tệ. Họ truy trách nhiệm là do mình nên con họ mới bị đánh. Mình giải thích nhưng họ không chịu, mình hẹn nếu vậy ngày mai lên nhà trường để giải quyết và họ đồng ý.

Thằng bé bị đánh là do đùa dai nên chúng bạn không chịu nổi đã ra tay. Nó về mách mẹ là bị đánh vô đầu và đau đầu lắm, nhưng mấy thằng đánh bảo chỉ đấm vào bụng. Họ yêu cầu đuổi việc mình ngay lập tức. Nhà trường gợi ý cho con họ chuyển trường họ cũng đồng ý và hồ sơ được giải quyết trong giây lát. Tiền đóng học phí hai tháng nhà trường hoàn trả lại, mẹ nó cười hớn hở bảo lại có tiền tiêu...sướng quá!

Trong giờ học ấy nhà trường đã không đánh trống ra chơi vì sự hỗn loạn ấy. Mặc dù cách đồn công an phường có dăm trăm mét nhưng ban giám hiệu không dám điện báo. Bởi là trường dân lập nên rất sợ tai tiếng, nếu lộ ra ngoài sẽ không tuyển sinh được và sẽ dẫn đến phá sản. 

Hiệu phó cứ bấm mình ra hiệu đừng phản ứng gì cứ để kệ họ. Quả thực lúc ấy mình không biết sợ hãi là gì nữa, thế nhưng khi chiều tối về đến nhà thì mình òa lên khóc nức nở. Chồng hỏi lý do gì mình không nói được mà chỉ biết nằm khóc. Hôm sau mình quyết định xin nghỉ việc, nhà trường giải quyết ngay và trả hẳn cho mình một tháng lương dù tháng đó chưa đứng lớp. Hôm sau nhà trường lấy ý kiến của ban cha mẹ học sinh, mọi người yêu cầu mình ở lại. Nhưng giám hiệu bảo là để đảm bảo an toàn cho mình, nhưng thực sự là họ muốn tránh rắc rối cho chính họ cho chính ngôi trường ấy.

Mình đã chuyển trường dạy nơi khác nhưng cũng bị bọn họ (mẹ thằng bị đánh)nhắn tin đe dọa đâm chết. Rất sợ nên mình phải đi dạy lệch giờ để tránh phiền phức. Mình đã nhắn tin xin lỗi họ: "Nếu trò và bố mẹ không hài lòng về cách xử lý của cô thì cho cô xin lỗi, nhưng cô cũng rất mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất cho con". Mình xin lỗi họ dù rằng mình không hề có lỗi.

Thằng bé đó chuyển trường được một tháng thì trường kia cũng trả về cho bố mẹ nó vì không thể giáo dục được. Hồi ở lớp mình chủ nhiệm nó bị bỏng xe máy đòi cô phải điện cho mẹ nó đến đón. Mẹ nó bảo bận không đến được, nó lồng lên và cuối cùng mẹ nó cũng phải đến. Cuộc đời làm sư phạm mình đã nhiều lần bị học trò dọa đâm chết, bây giờ thì chính cha mẹ nó đòi đâm chết... mình rất sợ, sao mà không sợ được cơ chứ.

Bây giờ mình chỉ dạy một trường, dù trước kia dạy rất nhiều trường và nhiệt huyết như những con thiêu thân. Mình cũng đã ngẫm ra được rất nhiều điều trong đời dạy học...

Bây giờ mình đã nhẹ lòng hơn khi buông bỏ mọi thứ ham hố. Mình về nhà trồng rau trên sân thượng để lúc nào cũng có rau tươi để ăn. Mình trồng hoa nơi ban công để ngắm để thêm yêu cuộc đời còn lại. Vui vẻ bên những chú cún con mà mẹ nó mới đẻ, cuộc đời như vậy cũng là đủ không cần bon chen vụn vặt của cuộc sống hối hả kia. Mình thấy cuộc đời này vẫn còn nhiều con người tốt và đáng trân quý. Cuộc đời vẫn đẹp đẽ nếu mình biết sống cho cộng đồng và cho bản thân. Và cuối cùng Trần Thắm hãy thay mình nói hộ với xã hội với bao người rằng làm sư phạm là một nghề nguy hiểm. 

Mình cảm ơn bạn rất nhiều và hãy vì mình không được công khai danh tính và ngôi trường mình từng công tác. Mình còn hai con nhỏ cần phải lo nuôi chúng nó ăn học. Mình còn có cả sự nghiệp đang ở phía trước, đó là điều mình cầu mong Trần Thắm hãy vì mình mà nói hộ cõi lòng. Sự day dứt đớn đau và sợ hãi của một người giáo viên khi đứng trước rất nhiều áp lực. Và áp lực ấy đang bủa vây rất nhiều phía đối với mình và những người giáo viên đang đứng trên bục giảng hôm nay. Họ đã mỏi mệt khi ngồi tâm sự với nhau rằng: "Đối với học sinh thời nay hư hay ngoan cũng kệ mẹ chúng nó, đừng đụng vào làm gì cho thiệt thân. Miễn rằng mình có đủ lương tháng mà lĩnh , còn mọi việc cứ kệ mẹ cho cái xã hội nhơ nhuốc bẩn thỉu này..."

***

Moa đã thay cô ấy dãi bày tất cả đến cùng bạn đọc, mong sự đồng cảm và sẻ chia cùng cô ấy. Biết là cuộc đời này vẫn cứ phải sống và cố vượt lên để mà tồn tại.

22 nhận xét:

  1. Người ta bảo nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Vậy tại sao bây giờ cứ nới đến nghề giáo là hàng ta câu chuyện không mấy hay như bên trên được kể ra. Nghe mà đau đáu cho nền giáo dục nước nhà. Mong các bác lãnh đạo sớm tìm ra giải pháp để các thầy cô giáo yên tâm công việc "chở đò" của mình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. giaó dục hiện nay có rất nhiều tiêu cực nào là bạo lực học đường ròi tiêu cực mâu thuẫn giữ học sinh và giáo viên dẫn đến tiêu cực giữa phụ huynh và giáo viên ,điều này chứng tỏ nền giáo dục đang có những yếu kém một phần ,một phần nữa là bản thân học sinh cũng như phụ huynh mất đi tính tôn sư trọng đạo

      Xóa
  2. Từ một nghề cao quý trong những nghề, nghề sư phạm đã trở nên nguy hiểm do sự thiếu tôn trọng giáo viên của phụ huynh và học sinh. Dường như học sinh ngày càng được nuông chiều dẫn đến vô lễ với người khác. Còn các bậc phụ huynh thì tin con cái mình để rồi xúc phạm những người giáo viên. Cứ thế này thì ai sẽ an tâm dạy dỗ học sinh đây khi những người thầy luôn trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

    Trả lờiXóa
  3. Bây giờ việc các phụ huynh không tôn trọng giáo viên của các con mình có vẻ như đang là một trào lưu hot hay sao vậy. Hết vụ các phụ huynh đến trường bắt giáo viên quỳ bây giờ lại bắt các em học sinh khác nghỉ học vì tội đánh nhau hay sao, chúng ta cần một sự công lsys ở đây.

    Trả lờiXóa
  4. "Đối với học sinh thời nay hư hay ngoan cũng kệ mẹ chúng nó, đừng đụng vào làm gì cho thiệt thân. Miễn rằng mình có đủ lương tháng mà lĩnh , còn mọi việc cứ kệ mẹ cho cái xã hội nhơ nhuốc bẩn thỉu này..."
    Xã hội sẽ đi về đâu khi cái nghề được coi là cao quý nhất bây giờ bị một số kẻ mù đạo đức coi nhẹ?

    Trả lờiXóa
  5. Nhà giáo là nghề được coi là cao quý nhất trong các nghề cao quý. Sản sinh ra được một người thầy kiệt xuất dồng nghĩa với việc chúng ta có cả được một thế hệ thành công. Ấy thế nhưng, trong thời đại mà đồng tiền lên ngôi, giá trị văn hoá đạo đức xuống cấp, mọi thứ trở nên đảo lộn, xoay chiều mà theo đó những thứ tiêu cực, biến chất, suy đồi có dịp được len lỏi và thống trị đời sống xã hội, nghề giáo đôi khi trở nên là nghề bất hạnh nhất thế gian.

    Trả lờiXóa
  6. Truyền thống luôn được giữ gìn và phát huy như "Tôn sư trọng đạo"; "Không thầy đố mày làm nên"; "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"... Tồn tại hơn 2000 năm nay đến thời điểm này đã bị cái thực tế nó dìm xuống rồi, ngày càng bị biến chất. Căn cơ cũng do nền giáo dục mãi chạy theo thành tích, nhiều nhiều giáo sư, tiến sĩ... Nhưng quên đi " TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN" như Bác Hồ đã dạy "CÓ TÀI MÀ KHÔNG CÓ ĐỨC LÀ NGƯỜI VÔ DỤNG". Các Nhà quản lý giáo dục dành ra 05 phút xem lại môn học "GIÁO DỤC CÔNG DÂN" ngày xưa gọi là môn "ĐẠO ĐỨC" hiện nay chúng ta dạy học học sinh cái gì ở các cấp học (I, II, III) , thực tế giáo viên đã dạy gì? . Thì sẽ rõ. Buồn thật là buồn đó.

    Trả lờiXóa
  7. Giáo viên là một trong những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý , sự thực là hiện nay một bộ phận phụ huynh quên đi truyền thống tôn sư trọng đạo, coi thường phụ huynh. Suy cho cùng cho roi cho vọt mới nên người

    Trả lờiXóa
  8. có thể nói là hình phạt mà cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung giành cho những học sinh kia là hơi quá nhưng đó cũng chưa tới mức mà coi là quá nặng đối với các học sinh kia, vụ việc lại bị ông Thuận là căng nó lên chứ theo tôi thì nó chẳng có gì và giữa cô giáo và phụ huỵnh nếu có khúc mắc có thể gặp nhau nói chuyện.

    Trả lờiXóa
  9. Kẻ bắt buộc một cô giáo phải quỳ gối trong 40 phút để xin lỗi mình chỉ vì cô giáo ấy đã xử phạt con ông ta và một số học sinh khác cũng bằng cách quỳ gối tập thể về lỗi không làm bài, không thuộc bài và nói chuyện trong giờ học là cái gì trong xã hội đây? khi nhận thức tối thiểu nhất ông ta cũng không có.

    Trả lờiXóa
  10. Cá nhân tôi thấy việc phạt học sinh quỳ của cô giáo cũng không có gì là lớn cả, bản thân tôi đã từng đi học và cũng đã từng nhận nhiều hình phạt của giáo viên, có thể là như vậy hoặc có khi còn nặng hơn. Giáo viên có phạt như thế thì mới có thể răn đe và uốn nắn được học sinh, còn phụ huynh học sinh làm như vậy ko chỉ khiến em học sinh đấy không thay đổi mà có khi còn tệ hơn bởi nghĩ rằng "không còn ai dám đụng đến mình".

    Trả lờiXóa
  11. Trước đây nhà giáo được xem là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, giáo viên có thể xử phạt học sinh và như vậy học sinh mới ngoan, thành người được. CÒn bây giờ cứ hở tí là bị kêu nhà, phụ huynh tới hùng hổ chợ búa, thật đáng thương.

    Trả lờiXóa
  12. Vụ việc cô giáo quỳ gối xin lỗi tại trường Tiểu học Bình Chánh, Long An chưa kịp lắng xuống, thì hôm nay lại thêm một cô giáo khác bị học sinh bóp cổ ngay trong giờ dạy của mình tại trường THCS Tân Thạch – huyện Châu Thành- Bến Tre. Có vẻ nghề giáo lúc này đang trở thành nghề nguy hiểm bởi “thập diện mai phục” và nhà trường đang trở thành nơi mà bọn trẻ thích làm gì thì làm chẳng sợ gì cả

    Trả lờiXóa
  13. Có vẻ nghề giáo lúc này đang trở thành nghề nguy hiểm bởi “thập diện mai phục” và nhà trường đang trở thành nơi mà bọn trẻ thích làm gì thì làm chẳng sợ gì cả. Vụ việc cô giáo quỳ gối xin lỗi tại trường Tiểu học Bình Chánh, Long An chưa kịp lắng xuống, thì hôm nay lại thêm một cô giáo khác bị học sinh bóp cổ ngay trong giờ dạy của mình tại trường THCS Tân Thạch – huyện Châu Thành- Bến Tre. Cái nghề đã bạc bẽo mà giờ lại còn bị kìm kẹp thế này nữa đây

    Trả lờiXóa
  14. Khi gửi gắm con đến trường, ai cũng đề nghị giáo viên thật nghiêm khắc khi các con không nghe lời, không ngoan, lười biếng nhưng nếu giáo viên trách, phạt học sinh thì ngay lập tức phụ huynh sẽ đáp trả lại giáo viên mà không cần biết ai đúng ai sai. Chưa kể học sinh bây giờ đâu có kính thầy như thế hệ trước? chúng còn thẳng mặt trả treo luôn thì thử hỏi có thầy cô nào chịu được?

    Trả lờiXóa
  15. Lương thấp, bệnh thành tích, giáo viên còn phải đối phó với không ít học sinh cá biệt mà sự "tôn sư trọng đạo" dường như đã quá xưa cũ. Rồi đến cả áp lực của cha mẹ học sinh áp lên vai. Thầy giáo thậm chí còn cho rằng trường sư phạm nên cho giáo viên học võ để có thể bảo vệ chính bản thân mình khi có trường hợp xấu xảy ra

    Trả lờiXóa
  16. Tôn sư trọng đạo hình như là chuyện của ngày xưa rồi, chưa bao giờ tôi thấy nghề giáo viên nguy hiểm như vậy. Vì đã phổ cập đến THCS rồi và do ngành thực hiện "chống lưu ban, bỏ học", cơ hội để các em ở lại hoặc bị đuổi do vi phạm nội quy cực kỳ hiếm. Có những em phá tới mức ngày nào các em nghỉ giáo viên lẫn các em bạn học cũng thở phào nhẹ nhõm. Đồng lương thì thấp, áp lực, bảo sao mà giờ càng ngày càng không có người muốn theo ngành giáo

    Trả lờiXóa
  17. Giáo dục nên một con người không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà nó còn là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội. Tạo cho mỗi em học sinh một gia đình lành mạnh, hạnh phúc là cách tốt nhất để hạn chế những tiêu cực trong giáo dục vì mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào tốt, xã hội sẽ tốt. Đừng để áo lực cho giáo viên. Nghề cao quý thì cái cơ bản cũng là nghề cũng để mưu sinh mà thôi

    Trả lờiXóa
  18. Học sinh cá biệt đánh giáo viên lắm cũng bị kỷ luật, đình chỉ 1 năm, năm sau các em vào học lại. Nhưng với những học sinh này thì thử hỏi có thiết tha gì việc học nữa hay không? Thế nhưng giáo viên đánh học sinh dù nguyên nhân như thế nào cũng bị lên án, bị đuổi việc (mất đi nguồn sống), không thì cũng bị kỷ luật (hết đường lên chức). Có cái gọi là công bằng ở đây không?

    Trả lờiXóa
  19. Thời buổi này đúng là giáo viên đến trường phải sợ học sinh và làm ngơ mới có thể làm giáo viên được. Học sinh trong giờ mất trật tự, không làm bài, giáo viên nhắc 5, 6 lần, học tốt nhưng cho rằng bài dễ mình làm được, lên làm thì không làm được, cô giáo chỉ nói " em học đội tuyển mà bài dễ thế này không làm được thì xấu mặt cô giáo dạy đội tuyển quá, ngồi học thì không học toàn mất trật tự, làm việc riêng", Vậy là học sinh bỏ giờ về nói với bố mẹ là " cô xúc phạm con", vậy là phụ huynh tỏ thái độ, nói luôn giáo viên...Học sinh chẳng vừa mà phu huynh thì bênh con, đội con lên đầu

    Trả lờiXóa
  20. Bây giờ giáo viên cũng chán nghề chứ huống chi học sinh chán học. Đào tạo nhiều để làm gì rồi giáo viên xếp hàng đợi việc, rồi không kể đào tạo ra biết bao học sinh, không nói đến xóa mù chữ nhé, mà bây giờ nguồn nhân lực quá dư thừa. Vấn đề ở đây là gì? Khi con người ta được đào tạo, việc đào tạo đó phải được nhà nước xã hội quan tâm và đáp ứng đủ nhu cầu thì kéo theo đội ngũ đào tạo nên nguồn nhân lực đó có giá trị như thế nào trong khi tạo ra những "đứa con" mà xã hội "hắt hũi" không cần đến thì không bao giờ nâng cao được năng lực của giáo viên mà đòi hỏi họ phải thế này thế nọ

    Trả lờiXóa
  21. Bây giờ giáo viên cũng chán nghề chứ huống chi học sinh chán học. Đào tạo nhiều để làm gì rồi giáo viên xếp hàng đợi việc, rồi không kể đào tạo ra biết bao học sinh, không nói đến xóa mù chữ nhé, mà bây giờ nguồn nhân lực quá dư thừa. Vấn đề ở đây là gì? Khi con người ta được đào tạo, việc đào tạo đó phải được nhà nước xã hội quan tâm và đáp ứng đủ nhu cầu thì kéo theo đội ngũ đào tạo nên nguồn nhân lực đó có giá trị như thế nào trong khi tạo ra những "đứa con" mà xã hội "hắt hũi" không cần đến thì không bao giờ nâng cao được năng lực của giáo viên mà đòi hỏi họ phải thế này thế nọ

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog