Chia sẻ

Tre Làng

“Lái xe ở Hà Nội mà không bấm còi chỉ có điên”

Thay vì theo luật giao thông thế giới, người cứ ta hành xử kiểu định vượt mà thấy đối phương gấu quá thì nhường, họ nhường thì mình lấn, “thằng tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng tây nó lúi thì mình giật tiền”. Nếp sống ấy tạo ra thứ văn hóa giao thông “quân hồi vô phèng”.

Hồi nhỏ bọn trẻ trâu chúng tôi hay chơi trò lái xe ô tô nặn bằng đất, đua trên đường, rẽ trái, rẽ phải, lao vào nhau bẹp cả xe và cãi nhau không dứt ai sai ai đúng vì trẻ quê đâu có biết mô tê gì về luật giao thông.

Thời hội nhập, một đồng nghiệp từ Hà Nội sang Washington DC dạo phố, thấy vạch “ngựa vằn” dành cho người đi bộ, cô ngập ngừng muốn sang đường. Lập tức cả dãy xe hơi dừng lại nhưng cô không dám bước, cả hai phía đợi cả phút. Cuối cùng một người lái xe kéo cửa kính xuống và ra hiệu cho cô tiếp tục sang đường. Mấy chục chiếc xe cả hai phía nghiêm túc dừng lại nhường đường cho người đi bộ.

Người tham gia giao thông ở đây luôn nằm lòng một bộ luật. Cứ theo luật mà làm, không được sáng tạo tùy ý. Nếu vi phạm, nhỏ bị phạt, vi phạm nghiêm trọng thì suốt đời không ngóc đầu lên được.

Tôi về sống ở Việt Nam đã được 3 năm, đi xe hơi, xe máy, taxi, bus và cả tản bộ, suốt từ Bắc tới Nam, từ xuôi lên ngược, từ rừng ra biển, qua phố đông lúc tan tầm, tôi chứng kiến nhiều điều.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở ta sau khi đổi mới, đường phố cũng có đầy “ngựa vằn”, đầy dải phân cách cứng, mềm…nhưng dường như chẳng mấy người quan tâm. Người đi bộ cứ thấy đường là đi, còn chủ xe cơ giới lúc nào cũng hối hả. Nhường đường là thứ gì đó vô cùng xa xỉ.

Chen lấn khi tham gia giao thông đã trở thành thói quen. Đi trên phố thích là tạt đầu, quay quẹo tùy thích. Các biển báo cấm xe máy lên cầu vượt luôn luôn vô tác dụng. Ai ngập ngừng không dấn lên còn bị đám đông lườm nguýt. Đường có giải phân cách bê tông cao gần nửa mét, nhưng khi kẹt xe, nhiều người lập tức leo lên vỉa hè, vác xe qua dải phân cách, thậm chí sẵn sàng đi ngược khi dòng người xe đang chật vật trôi xuôi. Không có cảnh sát giao thông, người người đua tốc độ, vượt đèn đỏ, lấn vạch, lấn làn.

Vài lần đi taxi về Ninh Bình, tôi tận mắt chứng kiến vượt xe bên phải lại bật xi nhan bên trái, đi thẳng qua ngã tư dùng đèn cấp cứu khẩn cấp lập lòe. Đang đi thấy xe ngược chiều bỗng bật tắt đèn pha không biết ra tín hiệu gì.

Dù đã cố lắm nhưng tôi vẫn không thể đuổi kịp những ngẫu hứng “sáng tạo” của người Việt ta khi tham gia giao thông.

Bạn tôi ở nước ngoài về, đi taxi thấy tài xế bấm còi liên tục, bực quá nhắc, “tôi đã trả tiền thuê xe này, đề nghị anh không được bấm còi”. Người tài xế nhìn anh như từ hành tinh khác đến. Vì anh ấy thực sự tin rằng, “lái xe ở Hà Nội mà không bấm còi chỉ có người điên”. Trong khi đó, cả thế giới đều được dạy rằng, người tham gia giao thông chỉ dùng còi khi cảnh báo nguy hiểm, cảnh sát sắp bắt xe nào thì sẽ huýt còi báo hiệu (Luật giao thông được Hội nghị Giao thông thế giới ban hành năm 1968 tại Vienna, Áo). Ở các nước, chỉ những người không biết lái xe, chỉ những người rất dốt luật mới bấm còi loạn xị ngậu.

Mặc dù hàng ngày không ít người Việt xúm đông, xúm đỏ quanh những vụ tai nạn giao thông, chứng kiến những đau đớn, mất mát mà tai nạn giao thông gây ra. Mặc dù hàng ngày, họ dành nhiều thời gian bình luận, comment khi bàn về những thói xấu xí của người Việt. Nhưng tôi cảm nhận, hàng ngày, chính không ít trong số những con người ấy đang thản nhiên tranh đường của người đi bộ, thản nhiên bóp còi, lấn làn, quẹo phải, rẻ trái tùy thích.

Khi bàn về hội nhập với thế giới, tôi còn nhớ VietnamNet từng có cuộc trò chuyện rất thú vị với bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt. Bà ấy đã góp ý thẳng thắn, “Đã hội nhập với thế giới, đã tham gia sân chơi chung toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn còn duy trì cách làm ăn không giống ai. Nếu cứ tiếp tục, Việt Nam chỉ có thể “chơi” với người Việt Nam mà thôi.”

Chục năm đã qua kể từ cuộc trò chuyện đó. Giờ nhìn lại, chỉ riêng mỗi chuyện khi tham gia giao thông cần ứng xử văn minh, lưu thông đúng luật mà chúng ta vẫn còn dẫm chân tại chỗ thì làm sao mơ tới những chuyện xa xôi.

Hiệu Minh

14 nhận xét:

  1. Thật lòng thì văn hóa tham gia giao thông của chúng ta còn kém quá, nguyên nhân chính là do tiền lệ để lại, nhiều người ra đường thấy người ta vượt mình cũng vượt, thấy người ta chen mình cũng chen, lúc đầu là bị động sau là chủ động cứ thế lây cho nhau cho đến ngày hôm nay, chỉ có một số ít là vẫn mặc cái sai của số đông mà chấp hành luật.

    Trả lờiXóa
  2. Tham gia giao thông theo kiểu điền vào chỗ trống thì gần như là đặc sản của mình rồi, nhiều khi nghe người ta suy nghĩ xấu về nước mình cũng bực cũng tự ái nhưng nhìn lại thì cũng thấy có cái đúng thặt, mong rằng tương lai những cái khuyết điểm này trong mỗi chúng ta sẽ góp phàn xóa bỏ đi, để làm đất nước trở nên tươi đẹp hơn

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn dân mình tham gia giao thông mà nhiều lúc cũng thấy ngại với bạn bè quốc tế quá, căn bản chế tài còn nhẹ, cũng như cảnh sát mình còn thoải mái, thông cảm cho người dân nhiều, chứ ý thức cao cộng thêm xử lý nặng thì đố đứa nào dám vi phạm đấy

    Trả lờiXóa
  4. Thì nó chen nhau thế không bấm còi đâu có đi nổi, đường xá người ta làn của ai xe nấy vào, đường nhà mình thì làn nào cũng đi miễn là lọt xe, đường rộng thì thôi chứ mà giờ tan tầm thì chả khác gì chè thập cẩm luôn

    Trả lờiXóa
  5. Tây sang Việt Nam có một nhận xét khá chuẩn, bên ta cái gì cũng bé, trừ cái còi xe kêu rất to. Có bạn còn bảo, lái xe dốt mới bấm còi, lãnh đạo kém mới toét còi những thứ vớ vẩn, không nắm luật cứ toét cho chắc “còi nhầm còn hơn bỏ sót” đặc biệt khi tắc đường mà vẫn còi thì k biết để làm gì?

    Trả lờiXóa
  6. Theo luật giao thông được Hội nghị Giao thông thế giới năm 1968 tại Vienna (Áo) còi chỉ được dùng khi cảnh báo nguy hiểm, cảnh sát sắp bắt xe nào thì dùng còi báo hiệu. Không nguy hiểm mà vẫn dùng còi nghĩa là dốt luật, nhát muốn đái ra quần khi lái xe mới bấm còi hoặc mua bằng gây ảnh hưởng đến người khác mà thôi

    Trả lờiXóa
  7. Còi xe vốn là thiết bị cảnh báo nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho xe cơ giới khi tham gia giao thông. Tuy nhiên hiện nay, còi xe đang trở thành nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm, là nỗi ám ảnh của không ít người tham gia giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn.

    Trả lờiXóa
  8. Lúc nào cũng bao biện bấm còi vì đang có việc gấp; nhằm mục đích lấn đường; giành quyền đi trước hoặc do đèn xanh đến mà phương tiện phía trước chưa kịp đi, người điều khiển phương tiện phía trước không đi đúng quy định...nhưng nói thẳng không phải Hà Nội đang ở mức báo động về ô nhiễm tiếng ồn ư?

    Trả lờiXóa
  9. Vào giờ tan tầm, tình trạng bấm còi xe bừa bãi xảy ra phổ biến ở hầu khắp các tuyến phố có lưu lượng người tham gia giao thông lớn, đường ùn tắc, các phương tiện tràn lên vỉa hè, nối đuôi nhau nhích từng bước nhưng người đi sau vẫn rú ga, bóp còi còi inh ỏi thúc giục người đi trước để di chuyển. Như thế này mà gọi là đúng luật ư?

    Trả lờiXóa
  10. Những tác hại đối với sức khỏe, tâm lí con người khi phải thường xuyên tiếp xúc với còi xe; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; khi ùn tắc giao thông, người điều khiển phương tiện cần kiên nhẫn, không bấm còi tùy tiện để vượt lên bằng mọi cách… để mọi người thấy được việc lạm dụng bấm còi trên đường là hành vi thiếu văn hóa, gây nhiều tác hại và nguy hiểm cho xã hội, từ đó nhận thức được việc sử dụng còi xe hợp lý là một nét văn hóa và là trách nhiệm của mỗi người. Chứ đừng có tự bao biện cho cái vô ý thức của mình đi

    Trả lờiXóa
  11. Việc nhiều người dùng còi không đạt chuẩn, các tiếng còi với âm thanh rùng rợn khác thường đã khiến nảy sinh rất nhiều hệ lụy từ ô nhiễm tiếng ồn đến những hậu quả đáng tiếc về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý đối với tình trạng này của các cơ quan chức năng xem ra còn lắm gian nan. Chứ tất nhiên còi là không thể thiếu, quan trọng là ý thức con người dùng nó thế nào thôi

    Trả lờiXóa
  12. Hiện nay có rất nhiều tuyến phố có biển báo cấm các phương tiện dùng còi. Việc bấm còi cũng được quy định rất cụ thể như không được bấm còi có âm thanh lớn từ 22h đêm đến 5h sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, bất kỳ ở tuyến phố nào trong Thủ đô người dân khi tham gia giao thông cũng có thể giật mình bởi những âm thanh từ tiếng còi xe chẳng giống ai. Hãy dùng còi đúng lúc, đúng chỗ chứ đừng lạm dụng nó

    Trả lờiXóa
  13. Giao thông Việt Nam như kiểu lưới nhện mà con nhện dệt không theo một quy luật nào ấy @@ Đi ra đường sợ bỏ mẹ mặc dù tôi đã ở Hà Nội được 3 4 năm rồi, đủ các thể loại đi xe, đi thì chả tuân luật giao thông gì cả, leo cả vỉa hè,... Nhìn và phát khiếp.

    Trả lờiXóa
  14. Không biết chừng nào vấn nạn giao thông mới chấm dứt được nhỉ ? Phần lớn nguyên nhân là do ý thức người đi đường mà thôi, nếu ai cũng nhường nhịn nhau đi một chút hẳn tình trạng này không còn gì đáng lo nữa .

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog