Chia sẻ

Tre Làng

Một góc nhìn khác về Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp.

Đây là bài viết của Fb Nguyễn Đức Hiển. Tre làng xin phép bê về cho anh chị em đọc tham khảo. Xin nhắc lại là đọc tham khảo. Dưới đây là nguyên văn bài viết.

***
- Một “hiện tượng” mới của Quốc hội Việt Nam vừa lộ diện, đó là nữ đại biểu, trung tá công an Ksor H’Bơ Khăp (con ông Ksor Phước, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Việt Nam).

- Màn đối đáp của nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp với bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà ngày 6.11.2020 được tung hô của mạng xã hội, nào là “thẳng thắn”, “dám nói”, “vì dân”....vân vân, được chia sẻ rầm rộ trên Facebook.

- Đương nhiên là đại biểu Ksor H’Bơ Khăp “thẳng thắn”, “dám nói”, “vì dân”, nhất là trước tình trạng thiên tai, mất rừng, sạt lở đất...đã thực sự gây nên thảm họa cho người dân miền Trung.

- Nhưng, từ tâm huyết đến mục tiêu chất vấn có hiệu quả, thành công, là một quãng đường dài, khoảng cách quá xa vời, nhiều khi không thể với tới!

- Nhiều người vẫn nghĩ chất vấn thành công là người bị hỏi “bí”, “lúng túng”, “tẽn tò”, “xin khất”...Đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm, chỉ là thỏa mãn những người bốc đồng, cảm tính.

- Quốc hội là cơ quan lập pháp, mục đích của chất vấn, tranh luận, phát biểu...không phải để “xả” bức xúc cá nhân hay của cử tri, mà cần hướng tới sự thay đổi về chính sách, pháp luật.

- Muốn thế, người chất vấn phải có kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành, có kiến thức hàn lâm và thực tiễn sâu sắc, có đầy đủ số liệu, cơ sở pháp lý về vấn đề chất vấn. Tóm lại anh phải ở “tầm” cao hơn người bị chất vấn thì mới có cơ hội thành công.

- Đương nhiên là vị đại biểu Trung tá, Trưởng Công an không có kiến thức chuyên sâu về địa chất, tài nguyên môi trường, lại không có điều kiện nghiên cứu về vấn đề này nên “vũ khí” để đấu tranh nghị trường của bà, ngoài sự tâm huyết ra, là một con số không tròn trĩnh.

- Đại biểu chất vấn: “Bộ trưởng nói bão lũ, sạt ở ở miền Trung trong những ngày qua là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?".

- Nữ đại biểu không có số liệu, căn cứ chứng minh giữa việc bão lũ, sạt lở đất và thủy điện nhỏ có mối quan hệ với nhau như thế nào, đó là sự non kém về kiến thức. Sau đó lại “chốt” một câu rất cảm tính, hỏi về quan điểm cá nhân Bộ trưởng “ủng hộ thủy điện nhỏ phải không?”.

- Bộ trưởng, đương nhiên là cá nhân, nhưng khi ông đứng trước Quốc hội, thì ông đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, quan điểm cá nhân không còn ý nghĩa. Câu đó ông không trả lời là đúng, vì nó quá ‘trẻ con” và cảm tính, không đúng chức trách, nhiệm vụ của Bộ trưởng khi trả lời đại biểu quốc hội.

- Một câu hỏi nữa, mang tính chất “văn chương, đánh đố” nhiều hơn là một câu chất vấn, và không hiểu ông Bộ trưởng có hiểu không, chứ tôi là chịu chết, không biết đại biểu hỏi cái gì?. Đây ạ: “Theo bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?".

- Thưa đại biểu, Bộ trưởng chỉ có thể xử lý cán bộ cấp dưới, trong cơ quan của ông, nếu họ vi phạm các quy định của pháp luật, chứ với ông trời, mẹ thiên nhiên thì ông, và cả ông Thủ tướng, cũng bó tay.

- Có thể hiểu câu hỏi của nữ đại biểu là về trách nhiệm bảo vệ rừng của ông Bộ trưởng TNMT. Nếu vậy, thì cần hiểu chức năng, nhiệm vụ của ông Bộ trưởng này là gì, bao gồm những việc gì? Ông có thiếu sót, tắc trách, yếu kém nào trong các công việc, nhiệm vụ mà ông được giao. Khi đó mới có thể chất vấn.
(Hoặc giả sử, đặt vấn đề: Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ làm gì)

- Và, quan trọng là, đại biểu phải chỉ ra được trong hệ thống pháp luật bảo vệ rừng hiện nay, chỗ nào sơ hở, bất cập, sai lầm; hệ thống các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng hiện nay, khâu nào, ai là yếu kém, tắc trách, tệ hại...khi đó mới có thể truy vấn.

- Mục tiêu của chất vấn là làm rõ thực trạng và thay đổi về chính sách, pháp luật theo hướng hoàn thiện, chặt chẽ, văn minh, vì sự phát triển.

- Muốn vậy, đại biểu phải nâng tầm lên, rất cao, rất sâu, phải tranh thủ từng giây trên hội trường QH, đấu tranh ở nhiều phương diện, nhiều "chiến trường".

- Bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đúng khi quyết định kết thúc màn “đấu tay đôi” lãng xẹt, mang tính chất đôi co giữa nữ đại biểu và nam bộ trưởng.

Fb Nguyễn Đức Hiển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog