Chia sẻ

Tre Làng

Từ thiện và những vấn đề pháp lý

Bài chép từ mạng xã hội cho anh em tham khảo

CÂU CHUYỆN TỪ THIỆN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ

Giả sử như đang lái xe đâu đó vào lúc 1g sáng thì gặp đèn đỏ, trên đường lúc này không có ai thì việc vượt đèn đỏ có sai không? Câu trả lời tất yếu là CÓ, nhưng số đông sẽ thêm vào một câu khác “nhưng-có-thể-thông-cảm-được”. Câu nói đầy cảm tính này vô tình sẽ phá vỡ đi tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng mình luôn nói với nhau về một nhà nước pháp quyền nơi mà pháp trị sẽ điều chỉnh mọi mặt trong đời sống nhưng rồi hằng ngày chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng những “thông cảm”, “bỏ qua” hoặc “xin nốt lần này”.

Phải thừa nhận với nhau rằng tinh thần tương thân tương ái lá lành đùm lá rách khi thiên tai xảy ra là một nét đẹp trong văn hóa người Việt, 500 triệu của TH Milk thông qua Trung ương Mặt Trận Tổ quốc (MTTQ) hay 500 triệu gửi vào tài khoản của một nghệ sĩ đều có giá trị như nhau nếu chúng được dùng đúng mục đích đến tay được người cần đến. Nhưng một sự thật rõ rằng ai cũng có quyền được đóng góp nhưng không phải bất cứ ai cũng có quyền tiếp nhận, đơn giản, một tổ chức hoặc cá nhân ngay cả người nổi tiếng cũng không có đủ chức năng, quy chế và nguồn lực để thực hiện công việc thu nhận và phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện, ngoài ra còn để tránh tiêu cực và thiệt hại cho người đóng góp.

Nói một cách đơn giản hơn, từ rất lâu nay người nổi tiếng nói chung cùng các mạnh thường quân khác đang làm một công việc mà pháp-luật-không-cho-phép với động cơ mang tên TÌNH NGƯỜI.

Chúng mình bị cuốn theo con số 177 tỷ trong tài khoản của Thủy Tiên cùng vô số các clip livestream khác mà vô tình bỏ qua con số 256 tỷ ủng hộ đồng bào miền Trung thông qua kênh MTTQ chỉ trong 2 tuần chưa kể hàng trăm các tổ chức ở trung ương và địa phương khác. Chúng mình hô hào sự cần thiết của người nổi tiếng làm từ thiện nhưng lại không nhận ra rằng rất nhiều người đã bị lừa đảo từ lời kêu cứu từ thiện mùa lũ, mà ngay cả Thủy Tiên cũng đã là nạn nhân của chúng thông qua việc bị mạo danh. Nói như vậy, mới thấy được sự cần thiết của quy định chỉ một số tổ chức nhất định mới được tiếp nhận tiền từ thiện, ít nhất, nó bảo vệ được tấm lòng hảo tâm không bị lòng tham của kẻ khác làm cho xói mòn.

Tiền là tài sản, khi anh chuyển cho người khác thì anh cần ủy quyền, ủy quyền không chỉ quyền chiếm hữu mà còn cần phải có cả quyền định đoạt. Tôi chuyển cho Thủy Tiên 200k đôi khi tôi chỉ muốn 200k đó biến thành một thùng mì gói thay vì góp phần vào 200 triệu để trả món nợ vay ngân hàng cho một trang trại gà. Chúng ta đang tặc lưỡi cho qua khi chuyển tiền cho một người nổi tiếng để họ định đoạt tùy ý định đoạt tài sản đại điện cho tấm lòng của chúng ta thậm chí bằng những cách chúng ta không mong muốn nhất, thay vì đó nếu chúng mình đến một tổ chức được phép tiếp nhận, câu đầu tiên họ sẽ hỏi chúng mình là muốn sử dụng tiền đó vào chương trình nào.

Sự minh bạch của nghệ sĩ khi làm từ thiện là điều xa xỉ, đơn giản, họ còn không thể đáp ứng đầy đủ các nội dung công khai tiếp nhận và sử dụng tiền từ thiện như quy định hiện tại với các cơ quan truyền thông chứ đừng nói đến những vấn đề kỹ thuật tài chính phức tạp hơn như tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán tại chuẩn mực VSA 500. Quỹ Trái Tim Đồng Cảm của Lý Hải Minh Hà nhận được hơn 6,3 tỷ từ mạnh thường quân (MTQ), nỗ lực truy cầu minh bạch thể hiện qua sao kê tài khoản đã lên tận 219 trang, trong khi đó một tài khoản cá nhân khác với 177 tỷ thì việc minh bạch hóa chỉ thể hiện qua 1 mặt tờ A4. Một nguồn tiền từ thiện muốn được xem là mình bạch toàn bộ cần ít nhất trả lời được những câu hỏi sau:

(a) Thu bao nhiêu? Đến từ cụ thể những ai?
(b) Thu có đúng mục đích?
(c) Chi bao nhiêu? Cho cụ thể những ai?
(d) Chi có đúng mục đích?

Nếu không, mọi lý luận về tính minh bạch đều là VÔ NGHĨA.

Có một điểm khá thú vị rằng thay vì công khai sao kê tài khoản cũng như chi tiết khoản chi thì Thủy Tiên lại xin xác nhận của các cơ quan đơn vị về việc làm từ thiện của mình. Xét về mặt lập luận, ngay từ đầu Thủy Tiên đưa ra phương châm là trực-tiếp-trao-cho-người-dân nhưng đến cuối cùng lại nhờ một chủ thể khác xác nhận cho hành vi được thực hiện bởi chính bản thân mình chưa kể tiếng thơm thì Tiên lấy hết, còn chính quyền địa phương thì lại bị fan Tiên hạ nhục không thương tiếc. Nói thật, khôn thế này quê tôi, à mà thôi.

Trong các văn bản Thủy Tiên đăng lên fanpage, rất nhiều văn bản phạm lỗi sai về mặt nội dung cũng như thể thức trình bày văn bản. Đáng lưu ý, căn cứ theo quyết định 260/QD-MTTW-BTTY về việc ban hành Quy định thể loại, thẩm quyền ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của UB MTTQ Việt Nam các cấp, tại điều 10 về thẩm quyền ban hành văn bản của UB MTTQ cấp xã KHÔNG có văn bản nào được quy định là BÁO CÁO XÁC NHẬN cả, chỉ có BÁO CÁO mà thôi mà BÁO CÁO được định nghĩa tại khoản 17 điều 5 chỉ dành cho hoạt động của UB MTTQ Việt Nam chứ không phải của cá nhân khác. Việc này có 2 trường hợp:

(1) Là Thủy Tiên đã thực hiện việc tài trợ thông qua MTTQ Việt Nam mà cụ thể là chuyển tiền vào tài khoản hoặc tiền mặt. Điều này chắc chắn không thể xảy ra vì phương châm từ đầu của Thủy Tiên là không qua một tổ chức nào.
(2) Báo cáo không có giá trị xác nhận. Đơn giản anh không thể xác nhận thứ anh không thực hiện hoặc không có thẩm quyền xác nhận.

Đúng hay sai xin dành lại cho anh em MTTQ địa phương và em Tiên trả lời.

Cuối cùng một vấn đề khác là việc fanclub của Thủy Tiên và cử-nhân-luật-học Lê Công Vinh dọa kiện anti fan. Trường hợp này, nếu kiện theo luật hình sự sẽ chỉ có khả năng với 2 tội: tội làm nhục người khác (điều 155) và tội vu khống (điều 156). Các anh chị học luật trên mạng hoặc học chung lớp với anh Lê Công Vinh lưu ý một vấn đề sau, không phải cứ nêu ra tội là có thể khép người khác vào tội đó mà cần thiết nhất phải xét xem hành vi người đó có cấu thành tội hay không. Ví dụ như với tội vu khống thì cấu thành hành vi phạm tội về mặt khách quan phải bao gồm (1) Bịa đặt hoặc loan truyền thông tin + (2) biết rõ các thông tin đó sai sự thật, thiếu mất (1) hoặc (2) thì không thể cấu thành tội.

Còn đối với tội làm nhục người khác trong thực tiễn còn khó hơn nữa, đơn giản vì tác động của lời nói đến mỗi người là khác nhau, một câu chửi thề trên bàn nhậu có thể gây ra một trận cười nhưng cùng câu đó với một người xa lạ lại trở thành một lời xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự người đó, chứng minh việc bị làm nhục là không hề đơn giản.

Trend nào cũng vậy thôi, mua vui cũng được một vài trống canh. Người nổi tiếng xuất hiện trên phương tiện truyền thông là lẽ hiển nhiên nhưng cùng lúc lại được xuất hiện trên truyền hình quốc phòng, tờ báo danh giá Nhân Dân và cả trong chương trình Đối diện của VTV1 thì hẳn đã ở cái tầm tài năng hiếm có. Thôi thì cũng thân chúc vợ chồng Vinh – Tiên mãi mãi luôn mạnh khỏe, sự nghiệp thăng hoa rực rỡ, hợp đồng quảng cáo nhiều như nước lũ, MV ra đều đặn như cách các các đơn vị xác nhận tiền từ thiện.

4 nhận xét:

  1. Việc kêu gọi từ thiện và đứng ra đi từ thiện của Thủy Tiên là một việc tốt và cần tôn vinh. Theo tôi việc tự định đoạt khoản tiền của các mạnh thường quân để gửi tặng đến người dân là quyền của Thủy Tiên và chắc hẳn những người ủng hộ cũng đồng ý nhưng có một điểm mà Thủy Tiên cùng đội ngũ nên xem lại là các vấn đề lợi dụng ủng hộ để gây hạ uy tín người khác hay là so sánh với các cơ quan làm chức năng thiện nguyện của Đảng và Nhà nước sẽ là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, hơn nữa các cơ quan này không rầm rộ không phải là không có hoạt động mà nếu để ý thì chúng ta thấy các cơ quan này đang làm rất tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi chưa hiểu rõ động cơ, mục đích của cái cô ca sỹ này là sẽ làm cái gì đây, có thể cô ta đánh bóng tên tuổi, có thể vào mục đích khác. Việc cô cầm cả chục, cả trăm tỷ thì chẳng hà cớ gì, nhưng nói gì thì nói, một người quản lý cả một khoản như vậy quả là không đơn giản, việc cô làm tạo nên một cuộc khủng hoảng truyền thông trong nước, để các thế lực đánh thẳng vào hình ảnh việt nam...Khuyến khích nhưng tôi chưa chấp nhận cách làm này.

    Trả lờiXóa
  3. Quyên góp; tiếp nhận; phân phối tiền hàng, rất cần sự công tâm, minh bạch, công khai về tài chính. Bên cạnh đó, phải có những chế tài, kịp thời xử lý những hành vi lạm dụng thiên tai, địch họa để quyên góp trục lợi, gây bất ổn cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta hãy góp ý để nhà nước ra những văn bản pháp luật cụ thể về việc làm từ thiện để những tổ chức, cá nhân có tâm và có tầm (ngoài các tổ chức của nhà nước như: Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ..) có thể thực hiện công tác thiện nguyện của mình một cách đúng đắn nhất.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog