Chia sẻ

Tre Làng

Có CCCD gắn chip rồi, vì sao vẫn cần tài khoản định danh điện tử?

Thẻ CCCD gắn chip được đánh giá có nhiều tính năng ưu việt, vậy vì sao vẫn cần phải có tài khoản định danh điện tử?

Bộ Công an đang tích cực triển khai cấp, phê duyệt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tính đến ngày 20-10, cả nước đã có gần 11,2 triệu tài khoản định danh điện tử được phê duyệt (trong đó mức 1 là gần 153.000 tài khoản, mức 2 là hơn 11 triệu tài khoản).

Một số bạn đọc thắc mắc thẻ CCCD gắn chip được đánh giá có nhiều tính năng ưu việt, vậy vì sao vẫn cần phải có tài khoản định danh điện tử?

Người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tương đương như thẻ CCCD khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD. Ảnh: TP

Bộ Công an cho biết, hiện nay định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực vẫn chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân như CMND, CCCD hoặc hộ chiếu.

Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng nhằm bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng.

Với tài khoản định danh điện tử, mỗi cá nhân sẽ có một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng, nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm…

Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay.

Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.

Vẫn theo Bộ Công an, công dân có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…

Theo Nghị định 59/2022, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử, nếu chưa đủ 14 tuổi hoặc được giám hộ thì được đăng ký theo tài khoản của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Quy định này cũng áp dụng tương tự với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin: số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay.

Đối với mức độ 1, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để chứng minh các thông tin cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản.

Đối với mức độ 2, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD (hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài) khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.

Tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Tuyến Phan

3 nhận xét:

  1. Định danh điện tử là một tài khoản được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Người dân sẽ dùng mã số định danh cá nhân (chính là mã số trên Căn cước công dân gắn chíp) và số điện thoại hoặc email để đăng ký. Người chưa có Căn cước công dân sẽ đăng ký tài khoản định danh điện tử khi làm căn cước mới. Điều này sẽ giúp rút gọn, giảm thủ tục hành chính cho người dân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Định danh điện tử bản chất là hiển thị thông tin của người dân một cách tập trung trên hệ thống của các đơn vị công để phục vụ nhu cầu cho người dân trong các nhu cầu sau này chứ đơn vị nào cũng được sắm đầu đọc thẻ gắn chíp đâu

      Xóa
  2. Ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hạn sử dụng. Thay thế cho 2 loại giấy tờ này là 7 phương thức khác, trong đó có sử dụng ứng dụng VNEID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử. Do đó, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 sẽ rất cần thiết với người dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng. sau này ra đường không cần mang theo gplx với căn cược công dân đi làm gì, chỉ cần chiếc điện thoại di động là đủ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog