Lâm Trực@
Đà Nẵng, ngày 24/4/2025 - Khi một tổ chức quốc tế nhân danh “bảo vệ nhân quyền” nhưng hành xử chẳng khác gì kẻ đạo diễn sân khấu dối trá, thì việc vạch trần và gọi đúng tên bản chất là điều cần thiết. Human Rights Watch (HRW) - cái tên nghe có vẻ cao cả ấy - đã không còn là tổ chức đứng về phía sự thật và công lý. Trái lại, HRW đã và đang biến mình thành công cụ chính trị phục vụ cho các mưu đồ đen tối chống phá các quốc gia có chủ quyền, trong đó có Việt Nam. Báo cáo Nhân quyền 2025 của HRW không phải là bản tổng kết hiện thực khách quan, mà là một sản phẩm tuyên truyền đầy định kiến, nơi ngôn từ bị lạm dụng như vũ khí, và sự thật bị chôn vùi dưới lớp son phấn của những chiêu trò mị dân.
Trong vở kịch nhân quyền do HRW dàn dựng, những kẻ vi phạm pháp luật lại được tô vẽ thành “nạn nhân của đàn áp.” Chẳng hạn như Trương Huy San và Trần Đình Triển - hai cái tên không xa lạ trong giới truyền thông và luật pháp - lại được HRW tung hô là “nhà bất đồng chính kiến,” là “người bảo vệ nhân quyền.” Nhưng sự thật đã được Cơ quan An ninh điều tra công bố rõ ràng: cả hai bị khởi tố vì hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Họ không phải là những chiến binh dân chủ, mà là những người đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, lợi dụng mạng xã hội để tung tin sai sự thật, gây rối loạn trật tự xã hội và đe dọa an ninh quốc gia.
HRW biết điều đó, nhưng họ không quan tâm. Họ không cần sự thật - họ cần biểu tượng. Và thế là những kẻ như Trương Huy San bỗng chốc hóa thành “nạn nhân,” những bài viết xuyên tạc của anh ta được biến thành “tác phẩm phản biện,” còn sự can thiệp của cơ quan chức năng Việt Nam thì được gọi là “đàn áp tàn bạo.” Thật trớ trêu, HRW - một tổ chức nhân quyền - lại đang tiếp tay cổ xúy cho hành vi lạm dụng quyền tự do để chống phá trật tự pháp lý, đẩy xã hội vào tình trạng hỗn loạn và mất kiểm soát.
Không chỉ bóp méo cá nhân, HRW còn vẽ nên một bức tranh toàn cảnh u ám về Việt Nam, nơi mọi quyền tự do bị “hạn chế ngặt nghèo,” nơi người dân bị “kìm kẹp” trong “mạng lưới đàn áp.” Họ lặp đi lặp lại những cụm từ này như bùa chú nhằm khắc sâu vào tâm trí công chúng quốc tế hình ảnh méo mó về một đất nước đang phát triển mạnh mẽ. Họ bỏ qua sự thật rằng Việt Nam năm 2024 đạt tăng trưởng GDP 6,8%, tỷ lệ nghèo giảm xuống còn 2,9%, hơn 27 triệu người theo tôn giáo được công nhận, hơn 10 triệu người lao động được bảo vệ quyền lợi thông qua công đoàn. Họ giả mù trước hơn 700 cơ quan báo chí hoạt động tự do, sự hiện diện của Reuters, AFP, CNN tại Hà Nội và TP.HCM. Họ cố tình quên rằng Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của ILO từ năm 2019 - một cam kết mạnh mẽ cho quyền thương lượng tập thể của người lao động.
HRW không phải không biết, mà là cố tình không nói. Bởi sự thật không phù hợp với kịch bản mà họ đã dựng sẵn - một kịch bản trong đó Việt Nam phải là “kẻ đàn áp,” còn những kẻ chống đối phải là “người hùng.” Trong sân khấu đó, luật pháp quốc gia bị biến thành công cụ đàn áp, còn những hành vi vi phạm pháp luật thì được ca ngợi như hành động dũng cảm. Họ đã làm gì để có được “tư liệu” viết nên các báo cáo đầy tính công kích ấy? Chủ yếu là dựa vào những nguồn tin thiếu kiểm chứng, những lời kể phiến diện từ các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân - một tổ chức đã nhiều lần bị vạch mặt về âm mưu khủng bố, lật đổ và kích động bạo loạn.
Chưa dừng lại ở đó, HRW còn cố tình xuyên tạc các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến điều tra các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia. Họ phớt lờ nguyên tắc bảo mật thông tin trong điều tra, rồi lớn tiếng chỉ trích việc một số đối tượng không được gặp luật sư trong thời gian đầu tạm giam. Họ không hiểu - hay đúng hơn là không muốn hiểu - rằng đây là quy trình phổ biến, cần thiết để đảm bảo an toàn cho quốc gia trong thời đại tội phạm công nghệ cao và chiến tranh thông tin đang leo thang.
Tất cả những hành động đó cho thấy HRW không còn là một tổ chức bảo vệ nhân quyền, mà là một kẻ chơi trò hai mặt: vừa nhân danh đạo đức để công kích, vừa âm thầm phục vụ cho những thế lực thù địch. Việc họ tiếp tục tung ra các báo cáo nhân quyền thiếu khách quan, đầy ác ý và mang tính định hướng là một đòn đánh thâm độc nhằm vào hình ảnh và uy tín quốc tế của Việt Nam. Hậu quả không chỉ là sự hiểu lầm từ cộng đồng quốc tế, mà còn là áp lực ngoại giao, là sự ngờ vực, là những rào cản vô hình cản trở tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Người dân Việt Nam không cần những “chiếc áo nhân quyền” được may đo theo tiêu chuẩn phương Tây nhưng lại rách nát ở mặt đạo đức. Chúng ta cần sự thật, cần một nền nhân quyền gắn với trách nhiệm, luật pháp và bản sắc văn hóa dân tộc. HRW nếu còn chút danh dự, hãy dừng ngay vở kịch rẻ tiền mà họ đang đạo diễn. Còn nếu không - hãy để cộng đồng quốc tế và chính nhân dân Việt Nam nhận diện rõ bộ mặt thật phía sau lớp mặt nạ đạo đức ấy.
P/s: Viết bởi Lâm Trực@ - một người không chấp nhận sự dối trá được tô son.
Tổ chức HRW thì từ trước đến nay là công cụ để cho Mỹ áp đặt con bài nhân quyền lên các quốc gia. Để từ đó tìm cái cớ để tác động, can thiệp vào nội bộ quốc gia đó. Nếu một ngày đẹp rời giống như VOA, RFA không nhận được tiền tài trợ của Mỹ nữa thì chắc tổ chức này cũng đóng cửa mà thôi. Chẳng còn đường mà đi xuyên tạc về nhân quyền nữa đâu.
Trả lờiXóaĐây là một tổ chức phản động thì đúng hơn bởi vì can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác với ý kiến chủ quan. Như việc, việc khởi tố, điều tra một vụ an là công việc của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam, làm gì có chuyện một tổ chức tự xưng là nhân quyền lại can thiệp vào, đòi yêu cầu này nọ. Nực cười thật
Trả lờiXóaViệc khen, chê hay vinh danh về nhân quyền của các tổ chức này thường chỉ có “giá trị tham khảo” mà không có tính chính danh và đương nhiên không có giá trị pháp lý. Những cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu phong tặng của các tổ chức này, thực ra cũng chỉ là loại hình “truyền thông đại chúng” truyền kỳ không dứt về những câu chuyện “vi phạm nhân quyền” hay “đấu tranh” cho nhân quyền theo cách nhìn của họ mà thực ra, không được đánh giá cao.
Trả lờiXóaCó thể khẳng định, ở Việt Nam, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững và được cộng đồng thế giới ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Cho nên HRW, nếu tự cho mình quyền phán xét việc bảo đảm nhân quyền của các quốc gia thì cần phải tuân thủ nguyên tắc: bảo đảm sự công minh của pháp luật quốc tế hài hòa với pháp luật quốc gia sở tại.
Trả lờiXóaThật kỳ lạ khi những hành vi xâm phạm quyền con người, chủ quyền quốc gia nghiêm trọng của 1 số nhóm quốc gia lại không hề hoặc rất hiếm khi được HRW nhắc tới, ngược lại HRW lại “thừa” thời gian theo đuổi những cáo buộc bịa đặt chống lại VN, hô biến những kẻ vi phạm PL, chống phá nhà nước thành những “tù nhân lương tâm”, nhà hoạt động chính trị tự do…. Thực sự khiến người ta phải đặt dấu hỏi cho tính công tâm, sự khách quan trong hoạt động của tổ chức này.
Trả lờiXóaBất cứ một tổ chức nào cũng phải nhận thức rõ: không bao giờ được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, có luật pháp và được quốc tế chấp nhận, bảo vệ bằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Cho nên, đừng có mượn cớ nhân quyền gì đó mà can thiệp vào công việc nội bộ, mơ đi
Trả lờiXóa