Lâm Trực@
Giữa trưa Huế, gió Lào thổi quắt quay như lưỡi lửa quét qua bờ thành xưa cũ. Trong khoảng sân đá nung dưới cái nắng rát rạt, có một bóng đàn ông thất thểu đi vào Đại Nội - nơi trăm năm trước còn tràn ngập âm thanh của lễ nhạc cung đình, giờ là di tích, là hàng rào sắt lạnh, là camera soi chiếu từng hơi thở.
Hắn tên là Hồ Văn Phương Tâm. Một cái tên như bao cái tên xứ Huế, chậm rãi, buồn bã và không có gì nổi bật. Hắn sinh ra nơi đây, lớn lên trong lặng lẽ chồng chất. Người ta bảo hắn từng vào Nam, rồi sống chui rúc như một loài thú. Bị đuổi, bị bỏ, bị nhốt vào trại cai nghiện - cái lồng sắt rỉ của những linh hồn lạc lối mỏi mòn. Giữa tháng 5, hắn lại quay về Huế - không kèn, không trống, không ai chờ đợi.
Ngày 24 tháng 5 năm 2025, lúc kim đồng hồ nhích về 11 giờ 55 phút, hắn mua vé, đường hoàng như mọi lữ hành, bước qua cổng Đại Nội. Không ai hỏi, không ai cản. Bảo vệ có thấy hắn "không bình thường" - nhưng có ai trong cõi đời này bình thường? Kẻ điên hay người tỉnh, có ranh giới rõ ràng đâu.
Hắn vào Điện Thái Hòa - nơi đặt chiếc ngai vàng của các vua Nguyễn. Ngai ấy, người ta gọi là bảo vật quốc gia – vật thiêng truyền qua 13 đời đế vương, là biểu tượng của quyền lực, của trật tự, của cái trật tự mà hắn cả đời không có phần.
Ngai làm bằng gỗ, thếp vàng, trang trí pháp lam tinh xảo. Rồng chầu, mây cuộn, mặt sơn son chói lòa như chính cái dĩ vãng rực rỡ đã bỏ rơi hắn từ lâu. Giữa cái thế giới vàng son giả lập, gã đàn ông lang thang bước tới, hét lên như một con thú bị xé toạc, rồi nhảy lên cái tượng đài của lịch sử ấy và chỉ một cú đập đánh rắc, phần tựa tay bên trái gãy rời, rồng gỗ rơi xuống, đầu rồng ngẩng lên, chết lặng.
Người ta vội vã đổ tới. Bảo vệ thì thào điện thoại. Công an tới. Đưa hắn đi. Hắn không trả lời, chỉ la hét, miệng đầy những âm thanh không đầu không cuối - những tiếng người méo mó vì đã quá lâu không được làm người.
Lập biên bản. Giám định tâm thần. Rà soát trách nhiệm. Những từ ngữ lạnh lẽo như đơn thuốc kê cho một cơn đau không rõ nguyên nhân.
Người ta lôi ra hồ sơ: từng bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Từng sống lang thang. Từng bị đuổi khỏi chính nhà người thân. Nhưng có ai từng hỏi: tại sao hắn thành ra như thế?
Còn ngai vàng - cái di tích của một thời quyền lực - giờ được đưa vào kho. Người ta sẽ mời nghệ nhân, sẽ trùng tu, sẽ vàng lại như xưa. Một cái tay ngai gãy có thể gắn lại. Nhưng một đời người gãy thì sao?
Sẽ chẳng ai phục chế linh hồn hắn. Sẽ chẳng có chuyên gia nào hàn gắn nổi một thân phận mục ruỗng từ trong trứng nước.
Người ta gọi vụ việc là “hi hữu” - bởi ngai vàng là vật thiêng. Nhưng bi kịch của Hồ Văn Phương Tâm thì không hi hữu. Hắn chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn mảnh vỡ đi trên hè phố, không chạm nổi vào ký ức của bất kỳ ai.
Chiếc ngai vàng gãy một phần. Nhưng có thể gắn lại.
Còn hắn - gã đàn ông sinh ra ở Huế, chết từ lâu trong lòng người thân và cả thành phố này - liệu còn có thể được cứu rỗi?
Hay cũng sẽ như bao mảnh đời khác, bị quét đi như bụi trên bậc thềm Thái Hòa?
Việc một bảo vật quốc gia quý giá bị hư hại là tổn thất không thể đong đếm. Nhiều ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối và xót xa cho một hiện vật mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn, bảo vệ các di sản quý giá của đất nước, không chỉ về mặt vật chất mà còn về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và các đơn vị quản lý.
Trả lờiXóagiám định tâm thần mà có vấn đề thì phải xử lí như thế nào trong tình huống này đây, người đàn ông kia có những hành vi ngông cuồng như này chắc là vừa "chơi thuốc" hoặc phê đá rồi, chứ người bình thường không bao giờ nghĩ đến những hành động như này
Trả lờiXóaVụ ngai vàng triều Nguyễn bị hư hại là tiếng chuông báo động về lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản quốc gia. Cần xử lý nghiêm minh thủ phạm và khẩn trương rà soát, tăng cường an ninh tại các điểm di tích để tránh lặp lại những sự việc đáng tiếc tương tự. Việc một bảo vật lịch sử vô giá bị xâm phạm ngay tại Điện Thái Hòa là điều không thể chấp nhận.
Trả lờiXóathiệt hại tài sản, vật chất, tiền của và công sức tu sửa của địa danh đó là một phần, quan trọng là hắn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử của những bảo vật ở đó, mất bao công sức để có thể bảo tồn và giữ gìn được, mà bị phá phách như thế
Trả lờiXóatrách nhiệm biết quy về cho cá nhân nào đây khi mà chính đối tượng gây án lại không có đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự, sự việc không ai mong muốn xảy ra, cái ảnh hưởng nhất vẫn là giá trị lịch sử của những bảo vật bị phá hoại
Trả lờiXóaXem video lan truyền trên mạng xã hội mà thấy căm phẫn vô cùng. Nhà nước và các nhà hảo tâm phải mất bao thời gian, công sức đi săn lùng các bảo vật quốc gia ở nước ngoài, đem về cho nhân dân tham quan. Ấy vậy mà có những kẻ lại phá hoại những di sản của dân tộc một các vô ý thức như vậy
Trả lờiXóaChúng ta dù có một lịch sử hào hùng kéo dài 4000 năm nhưng có phần thiệt thòi khi các di sản, di vật đã bị chiến tranh tàn phá, nhiều di tích lịch sử cũng mất mát do những biến động lịch sử. Mong mọi người hãy chung tay bảo vệ những di sản, di vật của đất nước.
Trả lờiXóaMột câu chuyện đáng buồn cho hai thân phận: thân phận của chiếc ngai vàng bị hư hỏng và thân phận của một con người cố chứng minh mình nổi tiếng bằng cách phá thân phận thứ nhất. Lỗi ở đây rất rõ nhưng đáng buồn là người Huế lại đi phá hoại di tích của Huế, điều mà chưa một người dân Huế nào thực hiện. Tôi thấy thật lạ kì cho hành động nêu trên.
Trả lờiXóaHành vi phá hoại này không chỉ gây tổn thất vật chất mà còn là sự xúc phạm đến giá trị tinh thần và văn hóa của cả cộng đồng. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về nhận thức và thái độ của một bộ phận người dân đối với di sản. Bảo tồn di tích không phải là trách nhiệm riêng của ngành văn hóa hay ban quản lý di tích, mà là nghĩa vụ chung của toàn xã hội.
Trả lờiXóaChúng ta cần tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về việc tôn trọng và gìn giữ các giá trị lịch sử. Đồng thời, cần siết chặt công tác quản lý, giám sát tại các điểm di tích – không chỉ để bảo vệ hiện vật, mà còn để bảo vệ lòng tự trọng và di sản tinh thần của cả một dân tộc.
Trả lờiXóacái ngai vàng chỉ vừa mới được phục chế lại không lâu thôi, vậy mà giờ lại bị một kẻ "tâm thần" làm gãy. Cả đội bảo vệ lẫn những người dân xung quanh cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán, đây chẳng biết là "hi hữu" hay đen đủi nữa, đối với những con người không có năng lực trách nhiệm hình sự này, họ ngoài vòng pháp luật
Trả lờiXóamột kẻ ngáo đá, tâm thần thì chúng ta làm gì được đây? Cản hắn lại không cho hắn tham quan thì bị cho là vi phạm nhân quyền, mà thực chất thì ai biết hắn là kẻ điên đâu? Và sự việc lần này trách nhiệm thuộc về ai? Có lẽ người bị đổ trách nhiệm sẽ rất bức xúc bởi chẳng ai có thể cản một thằng điên làm theo ý nó được cả
Trả lờiXóaNgười đàn ông – Hồ Văn Phương Tâm – từng là một người lính, một người con xứ Huế, nhưng lại có một cuộc đời trôi dạt, bị ruồng bỏ, từng lang thang, bị đưa vào cơ sở cai nghiện. Câu chuyện của ông là hình ảnh điển hình cho số phận của những con người từng có cống hiến nhưng bị xã hội lãng quên, bị đẩy ra bên lề. Ông chết trong cô đơn, không trống, không kèn, không ai đợi, như một dấu chấm lặng lẽ giữa một thành phố đang vận hành vội vã.
Trả lờiXóaHồ Văn Phương Tâm và chiếc ngai vàng gãy được đặt song song như hai biểu tượng của một thời vàng son đã lùi vào dĩ vãng. Ông – như chiếc ngai gãy – từng có giá trị, từng có vị trí, nhưng rồi bị phai mờ, bị phá vỡ trong dòng chảy vô cảm của hiện thực. Hình ảnh ông trở về Huế lặng lẽ như lời nhắc nhở đầy ám ảnh về việc cần nhìn lại cách mà xã hội đối xử với con người và những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống
Trả lờiXóa