Lâm Trực@
Xứ này, từ khi còn ăn lông ở lỗ, đã có máu tôn thờ. Hễ ai nhắm mắt đi chân đất, cười nhạt giữa chợ đời, là người ta vái rạp. Hễ ai bỏ vợ con, vác bị gậy đi khất thực, là thiên hạ sụp lạy như thể thấy hóa thân của Phật. Cái nghèo, cái bụi, cái cô độc bỗng hóa thành chứng chỉ tâm linh. Thế là trò đánh tráo bắt đầu.
Lê Anh Tú - một người như bao người khác - bỗng mặc chiếc y phấn tảo, tự đặt pháp danh “Thích Minh Tuệ”, rồi đi bộ xuyên đất nước. Không giấy tờ, không chùa, không thầy, không pháp giới. Một kẻ lặng lẽ bước giữa phố đông, nhưng đằng sau là cả đoàn người gào lên “Thầy ơi!”. Họ đi theo như lũ thiêu thân lao vào chiếc bóng đèn chập chờn.
Ở cái đất từng đội bùa ngải lên đầu và gọi đó là thiên mệnh, thì một chiếc bình bát phi truyền thống cũng có thể làm nên quyền uy. Họ nhìn đôi chân trần rớm máu mà tưởng lối đi đến Niết bàn. Họ không biết rằng, có những kẻ mặc áo tu hành để đóng vai thánh, và có những đám đông đi xem trò tuồng mà tưởng mình đang lễ Phật.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nói thẳng: ông ta không phải tu sĩ, không thuộc bất kỳ tự viện nào. Nhưng đâu ai nghe. Người ta chỉ tin vào cái họ muốn tin. Cái gọi là “Minh Tuệ” ấy - thực ra là một vở tuồng được đạo diễn khéo léo, giữa thời đại mà mạng xã hội là sân khấu, và ai cũng có thể trở thành diễn viên chính chỉ sau một đêm livestream.
Sự nguy hiểm không nằm ở một người đi bộ. Sự nguy hiểm nằm ở việc ông ta được những bàn tay lạ đứng sau đỡ lưng. Những tổ chức từng bị coi là bất hợp pháp, những kẻ đội lốt đấu tranh dân chủ, những nhóm chống phá đội mũ tôn giáo - bỗng vỗ tay, ca tụng ông như một “niềm hy vọng của dân tộc”. Một kẻ chưa từng thọ giới, chưa từng tu tập, lại được phong thành biểu tượng của giác ngộ. Đó là một trò đùa độc ác với trí tuệ cộng đồng.
Người viết từng thấy: ở vùng quê nghèo, người ta bỏ cả buổi gặt để ra đường vái lạy ông. Có bà cụ khóc nức nở, gọi ông là Phật sống. Có thanh niên cạo đầu, đi theo ông như bóng với hình. Trong mắt họ, ông là phép màu cuối cùng còn sót lại giữa đời thực đầy dối trá. Và chính niềm tin mù quáng đó là mảnh đất màu mỡ nhất cho sự dối lừa nảy mầm.
Sự thật không có ánh hào quang. Nó đơn giản, đôi khi phũ phàng. Nhưng người ta không thích sự thật. Người ta thích ảo ảnh. Và khi ảo ảnh được vẽ bằng mùi nhang trầm, bằng dáng đi khắc khổ, bằng vài câu vô ngôn triết lý… thì nó dễ được gọi là “Phật pháp” hơn bao giờ hết.
Cái đáng sợ là sự trơ lì của nhận thức. Khi người ta sùng bái một hình tượng giả, thì kẻ giả ấy bỗng trở thành thật. Và khi chiếc áo cà sa rách được nâng lên thành cờ hiệu, thì kẻ khoác nó nghiễm nhiên được phép đứng trên pháp luật, đứng trên giáo lý, đứng trên cả lẽ phải.
Lê Anh Tú không còn là một người. Ông ta là cái gương phản chiếu sự hỗn loạn niềm tin. Là lời cảnh báo rằng, chỉ một vở kịch khéo dựng, là đủ khiến xã hội ngộ nhận, lầm đường, lạc lối. Và mỗi người cổ vũ cho vở tuồng ấy - dù là trong vô thức - đều góp phần nhấn mạnh thêm bi kịch.
Xưa kia, dân gian có câu: “Đừng tưởng cứ khoác áo thầy chùa là thành Phật.” Câu ấy, giờ phải treo ngay trước cổng các tài khoản Facebook, TikTok. Kẻ lang thang giữa đời không phải là Phật. Và một xã hội tỉnh táo không thể để niềm tin biến thành món hàng bị dắt mũi bởi trò diễn xuất của lòng mê tín.
Thời buổi này, điều cần hơn hết không phải là thêm một “Minh Tuệ” nữa, mà là bớt đi một vạn người cuồng tín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét