Chia sẻ

Tre Làng

Một giống cây lạ mọc từ đất Nghệ

Ong Bắp Cày

Ở xứ Nghệ có gió Lào, có cháo lươn, có giọng nói nặng như đục đá. Người xứ Nghệ, không rõ vì gió, vì cát hay vì lửa của lịch sử mà từ lâu vốn nổi danh là thông minh, nhưng cứng đầu, cứng cổ. Họ đi đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh luôn cả đói nghèo và ngu dốt. Thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, người ta chém đầu không cúi, bị cùm vẫn đọc thơ yêu nước. Ấy là giống dân của Trần Phú, của Lê Hồng Phong, của bà mẹ chít khăn nâu mà lòng đỏ như son.

Ấy vậy mà, mới hôm rồi, ở tận London - một thành phố có sương mù, có đồng bảng và có đủ mọi thứ xa lạ - mọc lên vài ba mống nhỏ xíu, tay giương khẩu hiệu phản đối, miệng hô loạn xạ chống phá đất nước. Họ bảo họ là “du học sinh Việt Nam”, quê Nghệ An. Thật lạ! Nghệ An bây giờ đẻ ra cả những đứa con có học mà không có não, có miệng mà thiếu tim.

Tôi tự hỏi:

Họ ăn gì lớn lên?

Ai dạy họ gọi thứ đang nuôi sống mình là “độc tài”?

Ai bày cho họ cái trò ném đá về phía Tổ quốc mà tay vẫn cầm hộ chiếu Việt Nam?

Tôi không tin mấy đứa đó là “phản động chuyên nghiệp”. Chúng chỉ là những đứa trẻ non dạ, hám danh, ngỡ rằng chỉ cần giơ khẩu hiệu và chụp ảnh là sẽ được nước ngoài dang tay cứu vớt như thánh tông đồ thời hiện đại. Nhưng trò đời, phản bội không khiến ai giàu lên. Nó chỉ làm người ta bớt người.

Bọn nó là thứ cây mọc lạc giống. Không phải từ hạt đỏ của cách mạng, mà từ giống cây lạ, ăn rễ ngoại bang, tắm mưa đô la.

Có đứa giải thích rằng: “Chúng em yêu nước theo cách của riêng mình”. Ừ thì yêu nước kiểu gì mà cha mẹ ở quê bị mời lên công an “làm việc”, hàng xóm nhìn mặt không dám chào, tổ trưởng dân phố buông câu: “Con thằng đó phản động đấy!”. Yêu nước kiểu ấy, tôi xin kiếu.

Có đứa lại bảo: “Ở Anh, tự do lắm, nói gì cũng được”. Nhưng thực tế, tự do không đồng nghĩa với vô luân. Người ta có thể tự do đi dép trái, mặc quần ngược, nhưng không được tự do chửi cha mắng mẹ, hay nhổ vào chính gốc rễ của mình.

Tôi nhớ một ông lão người Nghệ, râu bạc phơ, mắt quắc thước, từng đánh Pháp rồi đánh Mỹ, bảo: “Đất nước không chê tụi nó nghèo, nhưng không chịu nổi tụi nó vong ân”. Câu nói ấy đúng hơn cả ngàn bài xã luận.

Bọn trẻ này - chúng không nghèo. Chúng chỉ thiếu một thứ: Đạo làm người.

Người xứ Nghệ xưa nghèo nhưng biết nhịn ăn nuôi bộ đội, biết đạp xe cả trăm cây số đi xin thuốc cho cán bộ. Người Nghệ nay có đứa lại biết lấy thân mình làm cờ hiệu cho bọn vong bản.

Lịch sử có mắt, tổ tiên có tai. Những việc làm ấy không chìm đâu, nó sẽ theo bọn họ suốt đời, như cái bóng đêm không rửa sạch được.

Cái đáng buồn nhất không phải ở mấy tấm biểu ngữ, mà ở sự trống rỗng trong đầu chúng nó. Không hiểu quê hương, không biết lịch sử, không quý tự do đúng nghĩa. Chúng tưởng tụ tập là dũng cảm, chống phá là thức tỉnh. Nhưng thực chất là ảo giác của những kẻ mất gốc, ngỡ mình là cây cổ thụ giữa rừng người, trong khi thực ra là cỏ dại mọc ở rìa lề đô thị xa xứ.

Tôi viết những dòng này, không phải để chửi - mà để đau. Đau vì thấy giữa lòng dân tộc vĩ đại này, lại có những đứa con đẻ nhầm thời, lớn lệch hướng.

Làm người khó, làm người tử tế càng khó. Làm người Việt, giữa thế giới hỗn loạn này càng phải biết ngẩng đầu mà đi, cúi đầu mà nhớ.

Và nếu có ai đó trong bọn họ còn chút lương tri, xin hãy nhớ lấy câu này: “Khi phản bội Tổ quốc, các em không chỉ rời xa đất nước - mà là rời xa chính mình.”

1 nhận xét:

  1. Tuy khó có khả năng xảy ra, nhưng mong những cá nhân lầm đường lạc lối có thể sớm nhận ra sai trái, lệch lạc của bản thân để trở lại với tổ quốc, quê hương

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog