Chia sẻ

Tre Làng

Đặng Tiểu Bình đã sai lầm khi đánh Việt Nam

Quốc Phương
BBCVietnamese.com

Việt Nam bị bất ngờ nhưng đã giáng trả và cầm chân, đẩy lùi Trung Quốc

Tôi phải cảm ơn Internet vì nhờ nó bao lần tìm kiếm lại được bạn bè và những kỷ niệm xa xôi vài chục năm. Lần này cũng vậy, lại như một khám phá mới về bạn bè cũ mà người bạn học xưa "mới xuất hiện" lại gợi cho tôi kỷ niệm khó quên đúng vào ngày kỷ niệm 17/2/1979.

Đây là những gì người bạn viết trên Facebook của cô:

Bạn tôi đã nhớ không sai, kể cả khi cô nhắc lại lời bài hát trong ca khúc của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Trong gia đình tôi có hai người anh đang ở độ tuổi cuối cấp II, hay đầu cấp III, đã nộp đơn xung phong cùng với những người bạn học cùng trường lớp hoặc cùng phường xóm của họ. Một người được chấp nhận ngay, và người kia một thời gian sau cũng nhập ngũ, để tham gia mỗi người chừng 3-4 năm, trong suốt khoảng thời gian trên dưới 10 năm của cuộc chiến phía Bắc."Ngày này 34 năm trước, mình cứ tưởng phải đi sơ tán. Mình vẫn nhớ là mẹ chuẩn bị cả túi cứu thương cho 3 anh em. Rồi trên loa đài lúc nào cũng phát bài hát "Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương..." TV thì có mấy vở kịch bêu riếu mấy thàng lính khựa bê cột mốc nhảy sang đất ta để chôn trộm... Càng ngày càng ghét! Mình có thù dai ko nhỉ?"

Ông bố tôi lần tìm trong tủ ra một chiếc ba lô cũ mà nếu tôi nhớ không lầm là từ thời chống Pháp, hoặc có thể muộn hơn, đã bạc màu, và đưa cho một trong hai người anh, nhưng tôi đoán là sau đó, họ có quân trang khác. Hai người anh khác và một người chị trong gia đình lớn tuổi hơn nữa, từng có kinh nghiệm từ chiến trường, người thì ở bên Lào, người thì ở quân y, người thì trong thời đường sắt chiến tranh, cũng chuẩn bị tinh thần trở lại đội ngũ khi được động viên.

Còn người em út của họ, là tôi, thì ở trường, như người bạn của tôi ở trên gợi lại, chúng tôi được chỉ dẫn tập sơ cứu, tập sơ tán dưới các tầng hầm của ngôi trường nhà tu cũ từ thời Pháp để lại, tập ứng phó nếu chiến sự xảy ra.

Trẻ con nhưng trong nhà, quanh xóm còn dạy nhau những câu như "Tả-lớ", "Tả-xê-nản" hay "Tung-xí-xẩu-lai", mà tôi được dịch và hiểu đơn giản khi đó là "Đánh", "Đánh đi" hay "Giơ tay lên", đại khái thế.

Ngoài đường phố, trước vạt cỏ bên nhà, khu đất ven chùa, vỉa hè quanh tiểu khu là nơi nhiều chiếc hầm trú ẩn cá nhân được đào và người ta dần dần khiêng tới các khung bê tông cốt sắt hình tròn, màu trắng, và đặt chúng xuống, với tấm đậy bê tông ở bên trên.

Mẹ tôi bảo hệt như thời B52 ở Hà Nội ngày trước.

'Chiến tranh đảo lộn'

Việt Nam điều động nhanh lực lượng quân sự để ứng phó

Chúng tôi thấy người lớn có vẻ bộn chộn hơn, có cái gì đó khác thường, mà sau này chúng tôi làm quen qua những bản tin trên đài, các bài báo đưa tin trên các tờ như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới, hay những báo khác, mà may mắn, nhờ cha làm báo mà tôi được đọc như Tổ Quốc, Độc Lập, Đại Đoàn Kết... với những hình ảnh, tin tức chiến sự.

Trên đường, ngoài phố ở thủ đô, những người lính xuất hiện, những xe cộ và khí tài chiến tranh được di chuyển hàng ngày, và nhiều dòng người tản cư ở các tỉnh biên giới đổ về.

Tôi còn nhớ, nếu ký ức thời B52 còn loáng thoáng, thì ký ức và nhận thức thời 1979 đã rõ nét hơn rất nhiều, và chúng theo tôi tới ngày nay, từ những hình ảnh chiến trường, qua đài báo, tới các bài nhạc trên đài, loa phát thành, các bức biếm họa của Nguyễn Nghiêm và nhiều họa sỹ khác bài Trung Quốc xâm lược, hay cuộc "Bốn Hiện Đại hóa" khi đó...

Một người bạn của tôi nhớ lại: "Kỷ niệm rõ nét nhất còn lại trong em có lẽ là những bát cơm các chú bộ đội mỗi người bớt một xíu cho các cháu nhỏ ở nhà. Khi đó nhà em đầy bộ đội ở. Dưới tấm phản em nằm toàn đạn B40 và nửa gian buồng trong chứa đầy súng. Biết thế hồi đó xin các chú một khẩu để giờ chơi hoặc chuẩn bị đánh giặc thì hay biết mấy," anh bạn của tôi ở Hà Tây hài hước kể.

Còn một người bạn khác ở ngay gần Nhà thờ lớn Hà Nội khi đó, nói với tôi: "Lại nhớ tới tiếng còi hú giữa trưa từ phía Nhà hát lớn năm xưa và tiếng thở dài của ông bà nội, chắc Hà nội lại phải đi sơ tán như năm nào mất thôi. Ôi cái thời bình mà đâu có yên!"

'Ông Đặng sai lầm'

"Sai lầm ấy là đã luôn sử dụng bạo lực đi trước, như trong cách giải quyết vụ Thiên An Môn chỉ 10 năm sau sự kiện chiến tranh 1979 xâm lăng Việt Nam"

Bây giờ nhìn lại, có lẽ ai đó không tán thành, nhưng tôi cho rằng Đặng Tiểu Bình, tuy có công lao với Trung Quốc của ông ta thế nào đó, nhưng cuộc chiến tiến đánh Việt Nam, sau những mặc cả toan tính của Trung Quốc với các thế lực quốc tế khác từ trước thời ông, và từ khi ông lên nắm ghế lãnh đạo, là một sai lầm của ông.

Sai lầm bạo lực này, tuy đã cho thấy ông ta muốn "dạy Việt Nam một bài học" ra sao, hay muốn cảnh cáo Việt Nam về điều mà ông cho là "ăn cháo đá bát" gì đó, thì nó cũng đã giống như các cuộc chiến xâm lược của phong kiến phương Bắc của nước ông bao đời với các quốc gia láng giềng nhỏ bé hơn, trong đó có VN, đẩy hàng trăm thanh niên trai tráng, gia đình nông dân vốn còn cơ cực, trở thành nạn nhân của chết chóc, thành bia đỡ đạn.

Cả bên phía Trung Quốc với khoảng 7 quân đoàn với hơn hai chục sư đoàn tác chiến mà nhiều người tin là có một số đông quân số là thành phần nông dân, dân nghèo hoặc thuộc con em các dân tộc sát biên giới của Trung Quốc với Việt nam.

Trung Quốc của ông ta một lần nữa, sau sai lầm này, có thể đã tiếp tục hằn sâu trong tầng sâu tâm lý của một dân tộc khác, là một quốc gia bạo lực, khó tin cậy, mà ngày nay, họ vẫn "quả táo không lăn xa gốc lắm", khi mà vẫn mưu đồ trên Biển Đông, hay trên các khu vực biên giới với láng giềng, nơi mà họ luôn lấn tới, dùng áp lực lấy sức mạnh lợi thế, lấn từng bước, lấn tới đâu, củng cố chủ quyền, tuyên truyền kiểu 'kẻ cướp' tới đó, bê-tông hóa tới đó, lấn đủ thứ từ cột mốc xi măng cốt thép, tới dùng di cư dân số có tính toán sang các quốc gia lân bang dưới các chiêu xuất khẩu lao động, thuê đất, thuê chợ, mở khu thương xá, khai thác rừng đầu nguồn, thuê hợp tác khai thác khoáng sản v.v... nghĩa là đủ phương cách từ quân sự, chính trị, thương mại, kinh tế, tới di dân cơ học v.v...
Ông Đặng Tiểu Bình (ngoài cùng, bên phải) đã muốn dạy cho Việt Nam một bài học

Sai lầm của Đặng Tiểu Bình, nhưng có thể là một cơ hội cho loài người trong hai thế kỷ liên quan, nhận rõ tính chất bạo lực và tư duy bạo lực của họ, mặc dù về đối nội ông ta được coi là nhà cải cách tư duy kinh tế đem lại các cách nhìn "mèo trắng, mèo đen" thực dụng hơn cho Trung Quốc khi đó còn đang đói nghèo.

Có bạn có thể nghĩ nếu họ là Đặng, họ phải làm như vậy, vừa mở ra với phương Tây về vốn, quan hệ, công nghệ, vừa lấn lướt láng giềng, ngăn chặn mọi sự cạnh tranh, như với Việt Nam, để mở rộng cương vực, tìm giải pháp lâu dài cho tài nguyên, năng lượng và dân số... Nhưng đó là quyền của bạn khi cho là như vậy, và tôi xin tôn trọng quyền ấy.

Phần tôi vẫn cho ông Đặng đã sai lầm khi tiến hành chiến tranh xâm lược và thảo phạt kiểu đó, dù ông ta có mưu đồ kết hợp với Khmer Đỏ và các lực lượng nào đó kìm hãm, chế ước Việt Nam theo logic có lợi của ông ta. Sai lầm ấy là đã luôn sử dụng bạo lực đi trước, như trong cách giải quyết vụ Thiên An Môn chỉ 10 năm sau sự kiện chiến tranh 1979 xâm lăng Việt Nam.

Tư duy bạo lực cuả ông có thể đã làm gương xấu tới ngày nay cho những người lãnh đạo cấp cao và gây cảm hứng cứng rắn cho lớp cán bộ này ở Trung Quốc, trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Tư duy đó nếu còn, e rằng sẽ làm Trung Quốc mất bạn, thêm thù, mà có thể sẽ là "những mối cừu thù truyền kiếp", rất khó dùng PR chính trị hay tiền bạc mua chuộc để xóa hết ngay.
'Bất lợi cho Trung Quốc'


"Trung Quốc có thể sẽ đến một ngày cần xem lại xem liệu Đặng Tiểu Bình và chính quyền của ông ta có sai hay không, sai ra sao, khi sử dụng biện pháp chiến tranh trong cuộc xâm lược đầy bạo lực này, để thay đổi tư duy, não trạng của họ"

Tất nhiên, có người đặt vấn đề chính quyền của ông Lê Duẩn đã thiếu khôn ngoan, non tính toán, thiếu tỉnh táo thời cuộc cùng tầm nhìn chưa vượt qua màn hình địch ta, trắng đen thù - bạn, cái nhìn đặc trưng thời chiến tranh lạnh, hay ông và các đồng chí trong Ban lãnh đạo còn say sưa "chiến thắng", yếu về ngoại giao, để đưa Việt Nam tiếp tục bị cô lập trên bàn cờ khu vực và quốc tế, đối lập với Trung Quốc, như một cường quốc đang lên hoặc có tiềm năng lớn khi đó, đối lập thay vì tiếp tục đi dây với quốc gia đã hậu thuẫn nhiều mặt và có quan hệ tốt hơn song phương với lãnh đạo tiền nhiệm của ông Lê Duẩn thời chiến tranh với người Pháp, người Mỹ như ông Hồ Chí Minh v.v... và do đó đẩy Việt Nam vào một cuộc chiến nữa, bên cạnh sa lầy ở Campuchia, chuyện đó tôi xin hoàn toàn chia sẻ và không bình luận thêm.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc có thể sẽ đến một ngày cần xem lại xem liệu Đặng Tiểu Bình và chính quyền của ông ta có sai hay không, sai ra sao, khi sử dụng biện pháp chiến tranh trong cuộc xâm lược đầy bạo lực này, để thay đổi tư duy, não trạng của họ, bởi nếu Trung Quốc tiếp tục như vậy hiện nay và trong tương lai, họ có thể sẽ tự gieo gió gặt bão trong quan hệ quốc tế chăng, khi mà nhiều đối tác có thể sẽ cảnh giác với họ và không ngoại trừ sẽ tìm cơ hội để "chơi lại" Trung Quốc và đưa họ vào thế tan rã hoặc khốn đốn.

Nhưng đó là một viễn kiến mang tính giả thuyết xa xôi, quá khứ là quá khứ, lịch sử là lịch sử. Chỉ có điều rõ ràng với Hoàng Sa 1974, với Trường Sa 1988 và đặc biệt Chiến tranh Biên giới phía Bắc 17/2/1979, cùng các diễn biến gần đây, bộ mặt và não trạng 'xâm lược, bá quyền nước lớn' của Trung Quốc, bản chất được cho là 'hiếu chiến,' vẫn có vẻ là một đường hướng, chiến lược nhất quán, không thay đổi, đằng sau các thủ thuật 'đối ngoại, tuyên truyền' khác nhau của Bắc Kinh, không chỉ với Hà Nội mà với bất cứ ai khác mà Trung Quốc có thể 'nhăm nhe tiến chiếm, lấn sân'...

Và dù thế nào, thì cung cách 'hành xử bạo lực' của họ, nếu không thay đổi, thì e rằng sẽ còn có thể trong lâu dài dẫn đến sự cấu thành một nhân tố đằng sau tâm lý bài Trung Quốc, và cảnh giác cao độ mang tính tâm lý dân tộc bền vững ở nhiều quốc gia, dân tộc láng giềng, khu vực và trên thế giới trong quan hệ với Trung Quốc, mà trong đó có Việt Nam.

10 nhận xét:

  1. Bọn Trung Quốc không biết là ở điểm chiến tranh với Họ thì Việt Nam là nước có lực lượng quân sự đứng hàng đầu thế giới.

    Trả lờiXóa
  2. Dạy cho VN một bài học thì TQ cũng đc một bài học nhớ đời

    Trả lờiXóa
  3. Muốn dạy cho VN một bài học á. Sai lầm lớn rồi Mr.Đặng ah:D

    Trả lờiXóa
  4. Mai Nhi Hoàng10:42 21/2/13

    Vn thuộc top 10 nước có quân đội đông nhất thê giới đấy động vào

    Trả lờiXóa
  5. Chắc chắn là sai lầm lớn nhất của TQ rồi. Dám động đến nước Việt Nam anh hùng à

    Trả lờiXóa
  6. Trung Quốc nếm bao thất bại rồi mà giờ này vẫn chưa tỉnh ra sao? Việt Nam ta anh hùng bất khuất sẽ ko bao giờ chịu mất đi dù chỉ là 1 tấc đất!

    Trả lờiXóa
  7. Phong kiều20:23 21/2/13

    chúng k biết răng VN là một nước bất khả xâm phạm à

    Trả lờiXóa
  8. Trung kien20:40 21/2/13

    việt nam tuy nhỏ tuy ít nhưng nhân dân lại đoàn kết.TQ đông nhưng quân ai biết người lấy chỉ huy thì k giỏi thua là điều ương nhiên

    Trả lờiXóa
  9. nhon thanh20:47 21/2/13

    k phải là TQ yếu mà chúng thiếu sự thông minh khi chọn đánh một nước mạnh như VN

    Trả lờiXóa
  10. thật là lịch sử cũng vậy hiện tại cũng vậy TQ lúc nào cũng muốn bành trướng lãnh thổ nhưng chúng sẽ vấp phải sự chông chả quyết liệt của nhân dân VN ta và âm mưu của chúng sẽ mãi mãi k hoàn thành được

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog