Chia sẻ

Tre Làng

Nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền sẽ bị xử lý theo quy định

Khoai@

Một tin vui cho cuộc chiến chống tham nhũng: Yêu cầu thu hồi nhà, đất ông Trần Văn Truyền. 

Ngày 21-11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Toàn văn Thông cáo như sau: 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau khi báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo: 

Tại kỳ họp lần thứ 26, ngày 02-03/10/2014 và kỳ 27, ngày 29-30/10/2014 qua xem xét, thảo luận báo cáo kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ông Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất như sau:

1. Về thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Tháng 12-1992, ông Trần Văn Truyền được Quân khu 9 cấp thửa đất tại lô số 61 thuộc Khu C, địa chỉ 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre do đơn vị Quân y thuộc Tỉnh đội Bến Tre quản lý với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2).

Việc ông Trần Văn Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi đồng chí không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác. 

Sau khi được cấp đất, gia đình có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm.

Đến năm 2002, khi được chính quyền địa phương thông báo nộp 16 triệu đồng tiền sử dụng đất để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trần Văn Truyền làm đơn đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách với gia đình người có công và được Cục Thuế tỉnh Bến Tre quyết định miễn giảm theo Nghị định số 38/CP, ngày 23-8-2000 của Chính phủ đúng với số tiền là 16 triệu đồng.

Năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về nhà ở, đất ở.

Qua kiểm tra cho thấy, năm 1992, ông Trần Văn Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 đồng chí lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP của Chính phủ; do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên cho Tỉnh đội Bến Tre quản lý; ông Trần Văn Truyền cũng đã có đơn trả lại.

Nhưng từ năm 2007 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình ông Trần Văn Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào.

Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, thì đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.

Như vậy, ông Trần Văn Truyền biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận. Sau khi đã được mua nhà theo Nghị định số 61/CP và sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trả lại, ông đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng.

Việc làm trên của ông Trần Văn Truyền thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với bản thân.

Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương. 

2. Về căn nhà tại số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre

Năm 2002, UBND tỉnh đồng ý cho gia đình ông Trần Văn Truyền, được thuê căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, Phường 1, thành phố Bến Tre với diện tích: nhà chính 118,22 m2, nhà phụ 24,48 m2, khuôn viên đất 117,69 m2.

Trước khi ông nhận nhà, Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã tiến hành sửa chữa, cải tạo mới căn nhà trên với tổng chi phí là 413,385 triệu đồng. 

Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, ông Trần Văn Truyền có đơn xin mua căn nhà số 06 Lê Quý Đôn và đã được UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định chuyển quyền sử dụng đất và bán cho đồng chí căn nhà trên theo Nghị định 61/CP.

Trong đơn xin mua nhà, ông Truyền cam kết chưa được cấp đất theo chính sách nhà, đất của Nhà nước. UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà trên theo Nghị định 61/CP, với số tiền miễn giảm là 76,291 triệu đồng; số tiền còn phải nộp cho Nhà nước là 277,969 triệu đồng.

Như vậy, thời điểm mua căn nhà trên, ông Trần Văn Truyền đã được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định trước đó vào năm 2002.

Bản thân ông Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ "Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”. 

Việc UBND tỉnh chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm;

3. Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Trần Văn Truyền có đơn gửi UBND TP.HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP.HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà tại thành phố và đã được UBND TP.HCM giải quyết cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận. 

Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết, ông có làm đơn và được Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà TP.HCM đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ làm việc tại Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Sài Gòn, tiếp tục được thuê căn nhà trên. 

Đến tháng 3-2011, ông làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TP.HCM bán căn nhà này cho ông và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên.

Sau đó các cơ quan chức năng của TP.HCM đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Trần Thị Ngọc Huệ theo hình thức thu 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá do Thành phố quy định hàng năm và thực hiện quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, nhưng không tính miễn, giảm các khoản được hỗ trợ theo chính sách.

Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Trần Văn Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng. 

Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, Quận 9, TP.HCM là nhà được tặng; con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại Quận 5, TP.HCM.

Như vậy, ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất; đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TP.HCM không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước.

Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của ông là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.

4. Về nhà công vụ tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội

Năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị Trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, Khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 95m2... 

Tháng 10-2011, ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5-2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.

Như vậy, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho Nhà nước. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông có khuyết điểm khi chưa thực sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.

5. Về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre

Từ năm 2009 - 2010, con trai ông Trần Văn Truyền là Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh mua gom đất của 4 hộ dân (với 08 thửa liền kề), diện tích 16.567,4m2, tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng (ngoài ra còn 01 lô đất gần 8.000 m2 của con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ mua, nhưng chưa sử dụng). 

Tháng 12-2012, căn cứ đơn đề nghị của ông Trần Hoàng Anh, UBND thành phố Bến Tre cấp phép xây dựng nhà cho ông Trần Hoàng Anh với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; công trình có 03 tầng với chiều cao là 19,96m.

Tháng 5-2014, UBND Thành phố Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh.

Ông Trần Văn Truyền có báo cáo giải trình về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này..

Như vậy, việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.

Việc làm trên của ông thể hiện sự thiếu cân nhắc thận trọng và thiếu gương mẫu trong thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân ông và tổ chức đảng; vi phạm mục C, khoản 1, Điều 1, Hướng dẫn số 03, ngày 15-3-2012 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-01-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm: “Làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.

6. Về căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM

Nguồn gốc căn nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM là từ việc ông Trần Văn Truyền có quen biết gia đình bà Trần Thị Lý, sinh năm 1930, trú tại Quận 9.

Bà Lý có nhận ông Trần Văn Truyền làm con nuôi. Tháng 7-2000, bà Lý có lập di chúc để lại cho con gái là Phạm Thị Kim Anh, sinh năm 1967.

Trong di chúc của bà Lý có nội dung để lại toàn bộ tài sản cho con gái là bà Kim Anh, do bà Kim Anh toàn quyền quyết định khi bà mất, trong đó đồng ý việc chia tài sản cho các con đỡ đầu và các cháu. 

Sau khi bà Lý mất, bà Kim Anh đã mở di chúc để chia số tài sản thừa kế cho một số người, trong đó có ông Truyền. Năm 2008, bà Kim Anh tặng cho vợ ông Trần Văn Truyền là bà Phạm Thị Thuỷ 1 căn nhà 3 tầng, diện tích xây dựng 211,8m2, tổng diện tích sàn là 505,1m2 tại số 465/48C khu phố Phước Hậu.

Từ khi được tặng căn nhà, ông Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý, đồng chí nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre. 

Tóm lại, từ 6 trường hợp cụ thể về nhà, đất nói trên, qua kiểm tra cho thấy:

Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan Trung ương và khi đã về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm: thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những việc làm của đồng chí gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân đồng chí và tổ chức đảng; 

Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre có khuyết điểm, vi phạm trong việc còn nể nang, không chỉ đạo thu hồi dứt điểm lô đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre; trong việc sửa chữa, cải tạo mới và bán cho đồng chí Trần Văn Truyền nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre theo Nghị định 61/CP. 

UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng của thành phố đồng ý bán cho con gái ông Trần Văn Truyền căn nhà tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận là không đúng đối tượng, thiếu căn cứ pháp lý, có sự nể nang, vi phạm Quyết định số 118/TTg, ngày 27-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2527/BXD-VP, ngày 18-12-2008 của Bộ Xây dựng và Công văn số 76/UBND-ĐTMT, ngày 20-02-2009 của UBND TP.HCM.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo và được Ban Bí thư đồng ý (như nêu tại Công văn số 9161-CV/VPTW, ngày 20-11-2014 của Văn phòng Trung ương Đảng), theo đó Ban Bí thư yêu cầu:

- Đối với ông Trần Văn Truyền:

+ Kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

+ Yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre:

+ Thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đồng chí Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật. 

+ Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.

- Đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM

+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND TP.HCM tại Công văn số 685/UBND-ĐTMT-M, ngày 30-9-2014. 

+ Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105-Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.

Thông tin từ TTXVN

30 nhận xét:

  1. Ông Trần Văn Truyền và những câu nói chống tham nhũng nổi bật
    Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ từ năm 2007 đến năm 2011. Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
    Vì vậy, với cương vị là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã có rất nhiều lần phát biểu trước báo giới liên quan đến các vấn đề, trường hợp tham nhũng, chống tham nhũng, chống tiêu cực tại Việt Nam.
    Mời bạn đọc cùng Một Thế Giới điểm lại một số câu nói nổi bật nhất của ông Truyền trong thời gian đảm nhiệm các trọng trách quan trọng.
    Xử lý tham nhũng cán bộ nghỉ hưu dễ hơn
    Năm 2005, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Truyền từng khẳng định rằng: Hiện nay tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Mức độ tổn thất do tham nhũng cũng lớn hơn.
    "Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi", ông nói.
    Bên cạnh đó, cách thức tham nhũng cũng rất đa dạng; có thể là vi phạm pháp luật để tham nhũng, cũng có thể bằng những cách rất hợp pháp như mua bán, đầu cơ đất đai.
    "Song hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó".
    "Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy (chức) rất dữ".
    Cũng trong bài báo đó, khi nói về vấn đề cán bộ kê khai tài sản, ông Truyền chắc nịch: "là cần thiết để giám sát, quản lý cán bộ... Trong nền kinh tế 2 mặt của chúng ta thì kê khai tài sản cũng chỉ mang tính tương đối. Có phải cái gì cũng thể hiện bằng nhà, đất. Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu; tiền cho con du học thì họ khai là cô dì, chú bác... cho (Pháp Luật TP.HCM, 5.7.2005).

    Trả lờiXóa
  2. Cái chính là do phẩm chất đạo đức
    "Vị trí trách nhiệm của mình đang được người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm.
    Đúng là có những việc vượt ngoài khả năng của mình, thậm chí có việc trong khả năng nhưng không thể làm khác nữa được thì cũng phải chấp nhận, vì không thể một mình giải quyết được. Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ chức".
    "Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc". "Cái chính là do phẩm chất đạo đức, họ không tự giữ mình" - (TTO, 30.3.2007).
    Càng công khai, càng minh bạch, càng dễ kiểm soát
    Bên lề cuộc đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng, ông Truyền cho biết Chính phủ đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
    Trong đó, theo ông công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi nhất, xương sống nhất.
    "Càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình; nhất là công khai các hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai các việc mà công chức nhà nước phải làm; từ đây công khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức" - (TTO, 4.12.2007).
    Chỉ có báo chí chùng, cơ quan tham nhũng không chùng
    Về những vụ án tham nhũng được coi là “đầu voi đuôi chuột”, ông Truyền giải thích: "Có những vụ bản chất không nghiêm trọng nhưng do cách xử lý của các cơ quan chức năng chưa thật rõ ràng, dứt khoát đã dẫn đến hiểu lầm... Việc “chùng” xuống là do cách thông tin".
    "Nếu được nói trên diễn đàn Quốc hội, tôi sẽ nói công tác chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng".
    Đối với vấn đề cán bộ liệt kê - công khai tài sản, ông nói: “Luật không quy định công khai mà chỉ yêu cầu thẩm tra khi bị tố cáo, hay trước khi bổ nhiệm. Nếu thẩm tra thấy không đúng mới công khai.
    Hiến pháp đã quy định người dân có quyền giữ bí mật tài sản của mình. Nên chúng tôi không thể kiến nghị sửa hiến pháp được. Hiến pháp chưa sửa thì chưa thể công khai" - (TTO, 31.10.2008).

    Trả lờiXóa
  3. Phải theo dõi cả hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ nghỉ hưu
    Giải thích lý do vì sao đợt kê khai tài sản của các bộ đầu tiên đầu tiên (31.12.2007) Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, thì ông Truyền cho hay đây là nghĩa vụ và thực hiện theo pháp luật quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức.
    Ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức.
    Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật về tội không trung thực.
    Cũng theo ông, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý - (VnEconomy 10.2.2009).
    Đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh
    Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội trước phiên đối thoại với Tổ chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng trong giáo dục (sáng 28.5.2010), Tổng thanh tra Chính phủ khi còn đương chức cho biết tham nhũng trong giáo dục đang phức tạp và khuyên những người đấu tranh phải biết hy sinh. Bản thân ông cũng phải hi sinh nhiều.
    "Tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại nhiều. Nói chung dư luận xã hội có nhiều, nhưng đánh giá vấn đề phải có những bằng chứng cụ thể".
    "Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong" - (TTO 28.5.2010).

    Trả lờiXóa
  4. Khai là phải trung thực
    Sáng 14.6.2010 bên hành lang Quốc hội, ông Truyền đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ðặng Hạnh Thu, người vừa bị cho thôi chức tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào thời gian đó.
    Cụ thể, dư luận và báo chí phản ánh ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
    Ông nói: "Thứ nhất, về đất mua như vậy là đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Thứ hai là có kê khai tài sản, và nói chung trong việc này nếu xét trên nhiều góc độ cũng không có vấn đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng. Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà mua quá nhiều đất.
    "Bây giờ tiền thì thiếu gì nguồn, chứ đâu phải mình hỏi lấy tiền đâu chung chung vậy. Hơn nữa vì gia đình vợ anh Thu làm doanh nghiệp, làm ăn kinh tế, có khả năng thì mua cũng là điều bình thường. Chỉ có chuyện trong thời điểm đó mà mua nhiều nền đất như thế thì người ta không đồng tình thôi. Chứ còn về tiền nong thì không có vấn đề gì khuất tất".
    "Kê khai tài sản thì nhiều hay ít là do tài sản, khai phải trung thực chứ không lo khai nhiều thì sẽ có ý kiến này ý kiến khác", ông nói thêm - (TTO, 15.6.2010).
    Thi Anh tổng hợp
    ____________

    Trả lờiXóa
  5. Lão Truyền này chỉ được cái nói đằng mồm.
    Mk, ăn thì như ranh. Còn hơn ăn cắp.

    Trả lờiXóa
  6. Đất đai sở hữu toàn dân
    Để cho quan chức cắt phần chia nhau
    Dân oan khiếu kiện vì đâu
    Mà đảng đánh đập vỡ đầu xẻ tai
    - Đảng này là đảng của ai ?
    - Của lũ bán nước, tay sai giặc Tầu !

    Trả lờiXóa
  7. Vương Phi00:03 22/11/14

    ông truyền này cũng không khỏi ăn quá dày đi? thật là nhiều nhà nha. chính phủ ta phải làm thật dứt khoát và mạnh tay các trường hợp vi phạm như thế này, đừng nên câu nệ ông này bà này từng giữ chức vụ cao, có công vs cách mạng hay gì gì hết. yêu cầu thôi chưa đủ, quan trọng là có thể hoàn thành được yêu cầu đó hay không. cần phải làm mạnh tay để cảnh tỉnh những kẻ định lợi dụng chức vụ quyền hạn đầu cơ trục lợi cho bản thân!

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh10:24 22/11/14

    Phải xử nghiêm, mạnh tay để không làm ảnh hưởng đến cơ quan chính phủ, con sâu là rầu nồi canh.

    Trả lờiXóa
  9. Chẳng biết xử theo quy định ở đây là gì nhỉ? chắc chỉ là kiểm điểm, phê và tự phê. Hết
    nhưng câu hỏi quan trọng là , Số tài sản khổng lồ đó từ đâu mà có?

    Trả lờiXóa
  10. Càng ngày công cuộc chống tham nhũng càng quyết liệt. Mọi chuyện đều được xử lý và công khai kết quả.

    Trả lờiXóa
  11. Mình tin là những tiêu cực tham nhũng sẽ ngày càng bị hạn chế. Đây là cuộc đấu tranh gay go ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  12. Thế giới đối mặt với nạn tham nhũng, phức tạp nhất vẫn tập trung ở các nước châu Á. Trung Quốc gần đây xử lý cán bộ cao cấp liên tiếp. Phải trừ tham nhũng mới phát triển được.

    Trả lờiXóa
  13. Quyết định xử lý đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã làm người dân thấy thỏa mãn phần nào. Nhưng giá quy trình xem xét đẩy nhanh hơn, sớm có quyết định xử lý thì hiệu quả tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  14. Sức mạnh của truyền thông báo chí ngày càng lớn. Vai trò giám sát, phản biện xã hội ngày càng có hiệu quả.

    Trả lờiXóa
  15. Gia đình và người thân ông Trần Văn Truyền cũng phải chấp hành xử lý về đất đai. Cán bộ làm sai trong việc giải quyết nhà đất cũng bị xem xét hết.

    Trả lờiXóa
  16. Đây là bài học cho những cán bộ cấp cao đương chức.

    Trả lờiXóa
  17. Ông Truyền nhiều nhà đất quá! Nếu tự mua thì không bao giờ ông ta có được khối tài sản này.

    Trả lờiXóa
  18. Câu "hạ ánh an toàn" bi giờ không như ngày xưa nhể?

    Trả lờiXóa
  19. An toàn cái kít. Giờ đương chức hay hưu đều có thể bị đưa ra xem xét hết. Làm sai là sẽ có lúc phải trả giá.

    Trả lờiXóa
  20. Từ nay không còn chuyện hưu rồi vẫn đến cơ quan chỉ đạo như Bố già. Cũng phải thúc đậy sau kỳ nước hoa đâu?

    Trả lờiXóa
  21. không thể ngờ được một người có chức cao vọng trọng "nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ" mà cũng đi hủy hoại danh dự của mình vì tham nhũng một cách công khai đến như vậy, với chức vụ của ông tôi nghĩ tiền bạc đâu phải suy ngĩ gì đâu, ăn tham có mang theo xuống mồ được đâu, những cái nhục thì lại mau theo được đấy

    Trả lờiXóa
  22. chúng tôi vẫn biết gia đình ông Trần Văn Truyền và gia đình chính sách và bản thân ông cũng có công với đất nước nhưng cho dung ông có đong góp to lớn cho đất nước thì ông cũng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước như mọi người khác ông không thể lợi dụng chức vụ để có những hành vi sai trái vì vậy ông cũng phải chịu trác nhiệm về những hành động mà ông đã làm và nhà nước ta phải nghiêm trị với ông để dăn đe với những trường hợp khác.

    Trả lờiXóa
  23. tôi thấy rằng vụ thu hồi tài sản này là tin vui cho mọi người tin vào sự công bằng, thế nhưng tôi và nhiều người vẫn không hài lòng về sự chậm chễ này, ông ta đã chiếm được bao nhiêu đất, mua được bao nhiêu nhà mà đến khi cử tri ý kiến thì mới thực sự điều tra, thế có phải là các cơ quan có thẩm quyền quản lý làm việc hơi thiếu trách nhiều, mà không chất lượng năng xuất phải không?

    Trả lờiXóa
  24. các bạn cũng phải thông cảm cho cơ quan điều tra, tại sao có sự chậm chễ như vậy cũng là nguyên nhân khách quan mà thôi, ông truyền nguyên là nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, trong thời gian công tác khó có thể phát hiện cho được khi ai kiểm tra ông đây? ông về hưu rồi thì mới có cái lộ lọt những sai phạm của ông ra mới bắt được chứ, không có nhà cửa thì ai có chứng cớ mà điều tra?

    Trả lờiXóa
  25. một vụ tham nhũng to như thế này lại của một quan chức to nữa, dù đã là về hưu cũng là hồi chuông cảnh báo cho sự quản lý những cán bộ cấp cao, việc cả nể là không thể không có trong cơ quan, thế nên mới cần có 1 cơ quan riêng biệt chuyên giám sát các cán bộ cấp cao mà không thuộc vào bộ phận nào, hoạt động độc lập thì mới tránh được tình trạng cả nể làm việc không kiên quyết để lọt những sai phạm được

    Trả lờiXóa
  26. Từ vụ tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cho thấy trong thời gian cán bộ đang đương chức thì chúng ta không phát hiện được tài sản lớn bất thường, nhưng đến khi họ về nghỉ hưu thì mới lộ ra những khối tài sản khổng lồ. Phải chăng vấn đề tài sản của những cán bộ do Trung ương quản lý bị né tránh?

    Trả lờiXóa
  27. Nặc danh13:37 23/11/14

    Qua vụ việc này, các cơ quan lãnh đạo Đảng và nhà nước cần mạnh tay hơn nữa trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Và nó cũng đã lộ rõ dần những điểm yếu trong công tác thanh, kiểm tra của Cac cơ quan công quyền vừa qua. Công tác kê khai tài sản của các cá nhân đang chỉ là hình thức, chưa đúng thực tế.

    Trả lờiXóa
  28. Mong chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng các cấp. Chính phủ cần kiên quyết hơn trong tinh giản bộ máy lãnh đạo, các bộ ngành nên giảm mạnh các cấp phó, các phòng ban không cần thiết. Hiện nay bộ máy lãnh đạo các cấp quá cồng kềnh, hiệu quả làm việc thấp. Bộ máy lãnh đạo càng gọn, hiệu quả thì càng tránh được tham nhũng, nạn nhũng nhiễu hách dịch, nịnh bợ. Mong rằng đất nước ngày một tươi dẹp, phồn vinh, công bằng.

    Trả lờiXóa
  29. Kết quả xử lý như vậy đã thể hiện sự nghiêm minh của Đảng đối với cán bộ. Tôi rất đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Trần Văn Truyền, điều này khẳng định sự nghiêm minh của tổ chức đối với cán bộ cao cấp, bất luận anh đang đương chức hay đã về hưu, khi có những sai sót, sai lầm thì phải làm đến cùng

    Trả lờiXóa
  30. bản thân làm một người thanh tra chính phủ mà không thanh liêm thì làm sao cấp dưới noi theo được, làm sao cấp trên có thể tin tưởng mà giao phó nhiệm vụ, cần phải nghiêm trị những trường hợp tham ô này.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog