Chia sẻ

Tre Làng

KHI CÁC THÀY CŨNG "HỌC GIẢ, BẰNG THẬT"

Trelangblog xin chép nguyên văn một bài trên mục Lăng kính của báo Nông Nghiệp Việt Nam để bạn đọc và các cơ quan hữu quan có thái độ với hiện tượng tiêu cực này (nếu có). Bài viết có tựa "Khi các thày cũng 'học giả, bằng thật" của nhà văn Vũ Hữu Sự

Khi các thày cũng 'học giả, bằng thật'

Nhà Văn Vũ Hữu Sự 

Lâu nay, nạn “học giả, bằng thật”, tức là chỉ đến trường “ghi danh” để theo học cho có, còn học hành thì buổi đực buổi cái, thậm chí chẳng cần phải đến trường. Nhưng điểm thi các học kỳ, điểm thi các tín chỉ đều đạt, thậm chí đạt cả loại khá và giỏi. Bởi tất cả đều được đổi bằng... tiền.

Rồi đến kỳ thi tốt nghiệp, tất cả đều đỗ và đều được cấp những tấm bằng thật, bằng “xịn”, đã diễn ra ở rất nhiều trường đại học, thậm chí có những trường danh tiếng, thuộc tốp đầu của nền đại học Việt Nam.

Những đối tượng “học giả, bằng thật” đó thường là những quan chức đã được giữ hoặc chuẩn bị được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo ở các cơ quan, họ cần một tấm bằng đại học để “hợp lý hóa hồ sơ”.

Thế nhưng gần đây, dư luận hết sức xôn xao khi theo điều tra của một số cơ quan thông tin đại chúng, thì đến các thày giáo cũng “học giả” để lấy “bằng thật”.

Theo phản ánh trên báo Lao động Oline, thì đó là những thày đang giảng dạy ở các trường đại học, nhiều trường rất nổi tiếng, thậm chí có cả những tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài như Mỹ, Anh...

Những người đó muốn được công nhận là giảng viên trong các trường đại học thì bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Thế là quá trình “học giả” để lấy “chứng chỉ thật” của trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu.

Công ty cổ phần giáo dục Việt Nam (trụ sở tại A3P2 khu tập thể giáo viên đại học ngoại ngữ, Cầu Giấy, Hà Nội) đã đứng ra thu tiền của các thày muốn có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm rồi hướng dẫn họ ký khống vào tờ danh sách điểm danh các môn học. Chỉ ký vào bảng điểm danh thôi chứ không cần đến lớp, không cần nghe giảng (có đến lớp đâu mà nghe giảng?).

Đến ngày thi, các thí sinh bậc... thày này đều được phát sẵn tài liệu, mang vào phòng thi để chép. Tất nhiên, sản phẩm của kỳ thi là những bài làm cực kỳ hoàn hảo, những bài làm đẹp “y như sách”. Và kết quả là các thày được cấp những tấm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thật, thật 100%.

“Các bạn yên tâm, chứng chỉ có dấu đỏ, có chữ ký của lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Công ty chúng tôi đã có thâm niên trong lĩnh vực đào tạo với mạng lưới phủ khắp cả nước.

Không chỉ liên kết với trường đại học sư phạm mà còn với rất nhiều trường khác. Các bạn cần loại chứng chỉ nào cũng có” - lời nhân viên Công ty cổ phần giáo dục Việt Nam nói với các học viên - không cần nói gì thêm.

Chỉ một câu nói đó thôi, đã phơi bày chân tướng của cái gọi là Công ty cổ phần giáo dục Việt Nam: Đây đích thực là một tổ chức chuyên buôn bán bằng cấp.

Người xưa có câu “dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo" (lấy lời nói để dạy người nhưng còn phải lấy chính tấm thân mình làm gương để dạy người).

Những ông thày”học giả, bằng thật” này, khi trở về nơi mình dạy học để dạy người, liệu có sẵn sàng ăn tiền để bán điểm thi cho những kẻ “học giả” để lấy “bằng thật” của trường mình không?

Bạn đang đọc bài viết Khi các thày cũng 'học giả, bằng thật' tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.





P/s: Để tránh kiện cáo, tôi chụp toàn bộ bài báo:

Vũ Hữu Sự

2 nhận xét:

  1. Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp "học giả, bằng thật" xảy ra; khi những trường hợp này lại đứng trên bục giảng thì chắc chắn chất lượng đào tạo không cao và nạn "học giả, bằng thật" lại tiếp diễn. Cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không có tình trạng đó nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất chính xác, tôi cũng nghĩ như bạn

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog