Chia sẻ

Tre Làng

Về "cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh"

Khoai@

Bài không dành cho những người cảm tính. 

Ngày hôm qua, báo chí và mạng xã hội sôi nổi với thông tin ông Đoàn Ngọc Hải tự bỏ tiền túi, mua hẳn một chiếc xe cứu thương từ Hàn Quốc để chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí. Đây là nghĩa cử cao đẹp của ông và xã hội cần động viên và khuyến khích ông. Bản thân người viết bài này với cảm nhận ban đầu đã dành cho ông những lời khen ngợi, nể phục. Xem bài "Đoàn Ngọc Hải - Người tử tế" theo link dưới:


Nghiêm túc nhìn nhận, việc ông Đoàn Ngọc Hải tự bỏ tiền mua xe cứu thương để tự lái, giúp người nghèo là điều cực kỳ đáng khen. Tuy nhiên, việc gì cũng vậy đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên quan để đảm bảo rằng công việc đó đi đúng hướng, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Đơn cử như việc "ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng" như làm Hiệp sĩ, nếu không có pháp luật điều chỉnh thì hàng loạt vấn đề mới sẽ nảy sinh, chẳng hạn như quyền bắt người, quyền chế tài và câu chuyện lạm dụng cũng sẽ nảy sinh. Với việc chạy xe cứu thương cũng vậy, không phải cứ mua một chiếc xe rồi dán chữ cứu thương lên là thành xe cứu thương. 

Lưu ý rằng, trên xe của ông Hải dán đề can với dòng chữ XE CHỞ BỆNH NHÂN NGHÈO VỀ QUÊ MIỄN PHÍ chứ không phải là CỨU THƯƠNG cho dù trên cánh xe của ông có hình chữ thập là một biểu tượng của ngành y tế. Điều này có nghĩa là ông chỉ chuyên chở bệnh nhân về quê chứ ông không hành nghề cứu thương. Sự khác nhau về ngữ nghĩa như nói ở trên có lẽ là điều mà ông Hải đã tính đến. 

Nội dung dưới đây không bàn đến chuyện ông chuyên chở người bệnh miễn phí mà chỉ bàn đến chuyện ông hoặc ai đó muốn hành nghề "cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh".

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh là quá trình hỗ trợ di chuyển người bệnh từ các địa điểm gặp nạn không phải cơ sở y tế đến cơ sở y tế hoặc từ cơ sở y tế này đến cơ sở y tế khác trong từng trường hợp cụ thể. Đơn vị thực hiện hỗ trợ có thể là một đơn vị độc lập hoặc là một bộ phận của cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân. Đơn vị thực hiện phải được cấp phép hoạt động bởi cơ quan nhà nước thẩm quyền theo quy định pháp luật. Như vậy giấy phép cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh là một loại giấy tờ pháp lý ghi nhận cho một đơn vị, tổ chức được phép thực hiện hoạt động cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh. Không có giấy phép này thì cá nhân, tổ chức đó sẽ không được phép hoạt động.

Nghề "cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh" chịu sự điều chỉnh của (1) Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; (2) Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (3) Nghị định 155/2018/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; (4) Thông tư 03/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện; thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề y, dược; lệ phí cấp giấy phép xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế, dược phẩm; cấp chứng chỉ hành nghề y; cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Do đó, muốn hành nghề này phải xin giấy phép hoạt động.

Muốn được cấp giấy phép cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh thì cần các điều kiện sau:

Điều kiện về thiết bị, phương tiện vận chuyển y tế: Phải có xe ô tô cứu thương đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 27/2017 của Bộ Y tế; có các thiết bị, dụng cụ y tế, hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu bảo đảm an toàn cho người bệnh, có vali thuốc cấp cứu trang bị trên xe ô tô cứu thương cho một kíp cấp cứu ngoại viện; có đủ phương tiện vận chuyển bảo đảm vệ sinh môi trường khi chuyển người bệnh.

Điều kiện về nhân sự: Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề, có văn bằng chuyên môn hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã được học về chuyên ngành hồi sức cấp cứu; có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng và phải là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở. Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật nêu trên, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Điều kiện về việc hợp tác vận chuyển: Cơ sở cần có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với một bệnh viện hoặc phòng khám trong nước. Ngoài ra, nếu cơ sở đăng ký vận chuyển người bệnh ra nước ngoài thì cần có hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không và ít nhất một hợp đồng hợp tác với bệnh viện nước ngoài.

Điều kiện về phạm vi hoạt động chuyên môn: Cơ sở dịch vụ cấp cứu, vận chuyển người bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn: Cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

Hồ sơ xin giấy phép cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (theo mẫu); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực trong 6 tháng); Chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề (bản sao chứng thực); Danh sách người đăng ký hành nghề của cơ sở (theo mẫu); Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, của cơ sở (theo mẫu); Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề; Tài liệu chứng minh cơ sở đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê (nếu thuê) địa điểm đặt trụ sở, giấy tờ đăng ký xe, các biên lai, chứng từ về việc mua các trang thiết bị cần thiết,…; Hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài; Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở (trên cơ sở danh mục kỹ thuật chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành). 

Hồ sơ nói trên nộp tại bộ phận một cửa của Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở. Nếu thỏa mãn các điều kiện nêu trên sẽ được cấp phép hoạt động và ngược lại.

Xin nhắc lại, ông Đoàn Ngọc Hải sẽ KHÔNG CẦN XIN PHÉP các cơ quan chức năng nếu như ông không dán đề can có chữ CỨU THƯƠNG lên xe của mình, mà chỉ sử dụng nó như xe riêng của gia đình.

4 nhận xét:

  1. Ôi cái thời buổi làm việc tốt thì chẳng mấy ai khen mà ngược lại còn bị soi mói, bắt bẻ. Cái gì cũng mang ra soi xem có đúng quy định, đúng pháp luật hay không thế nhưng lại không xem kĩ lại đặc điểm sự việc rồi đối chiếu với luật xem sao mà cứ phải lên mạng gõ phím như những anh hùng bàn phím ở trên mạng. Chán thật ấy

    Trả lờiXóa
  2. Đây là hành động nhân đạo đáng được tuyên dương, đưa ra làm gương thì lại bọn rận chủ, chống đối mang ra bới móc, nói xấu. Nếu các ông lo cho đất nước, xã hội như vậy thì có tự mang tiền ra đóng góp như ông Hải được không

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài này mà hiểu được nhiều vấn đề. Việc làm của ông Hải là trên tinh thần tự nguyện có tính nhân văn cao cả. Hành động này nên được tôn trọng, khuyến khích trong cộng đồng chứ không phải đi soi mói, chỉ trích, nói xấu bịa đặt chuyện người khác.

    Trả lờiXóa
  4. mặc dù Bác Hải có thể sử dụng xe này như xe riêng nhưng để làm việc chung và có tính nhân văn cao cả. Việc làm này hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chân thành mà bác dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chứ không phải như lời bịa đặt của một số kẻ ghen ăn tức ở, chuyên đi soi mói người khác.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog