Chia sẻ

Tre Làng

Hư danh

Ba hay khoác lác với các con: “Ba giỏi chữ nghĩa lắm. Từ nào cô giáo giảng con không hiểu, về hỏi ba. Ba giảng, con hiểu liề.”

Một hôm thằng bé học lớp 3 bất chợt hỏi: “Hư danh là gì vậy ba, cô giáo giảng con không hiểu”

Ba hào hứng: “Này nghe, con thấy rõ ràng nhà mình trong hộ khẩu ba là chủ hộ, ba đứng tên chủ sở hữu nhà, ba đứng tên chủ xe,… nhiều người còn gọi mẹ bằng tên ba nữa, như vậy ba chủ gia đình mình, đúng không? Thằng bé: "Dạ, đúng”. Ba tiếp: “Nhưng con thấy đó ba đâu phải là chủ gia đình, mẹ con mới là chủ gia đình, mọi chuyện trong nhà nằm trong quyền hành của mẹ hết, đúng không?. Thằng bé lại: “Dạ, đúng“. "Như vậy cái việc ba là chủ gia đình là hư danh. Con hiểu thế nào hư danh chưa?". "Dạ...."

Trên đây là câu chuyện vui khi bạn bè kháo nhau lúc "trà dư tửu hậu", nhưng cũng cho chúng ta hiểu được khái niệm về hư danh , để chúng ta tìm hiểu về một vấn nạn của xã hội hiện nay. Sống hư danh.

Hư danh là một kiểu sống tiêu cực tồn tại từ xưa đến nay, trên khắp hành tinh, từ khi con người ý thức được mình là con người. Nó luôn bị phê phán, lên án, nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển thiên biến vạn hoá, nhất là ở những quốc gia nền kinh tế kém phát triển và đạo đức xã hội chưa ổn định.

Nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy rằng hư danh diễn ra hàng ngày, trong xã hội chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong mỗi chúng ta ….

Đua đòi là một dạng của hư danh. Nhiều em học sinh gia đình khó khăn đòi cha mẹ phải may cho mình những bộ thời trang, những chiếc điện thoại di động đắt tiền cho bằng bạn bằng bè. Cha mẹ vì sĩ diện phải vay mượn mua sắm cho con. 

Phong trào thi đua, làm động lực cho mọi người tích cực làm việc, nhưng là môi trường tốt cho hư danh phát triển, mà chúng ta hay gọi là bệnh thành tích. Khổ nỗi, biết là bệnh mà ai cũng muốn bị bệnh.

Ai cũng có một thời gian bóng, cũng có thời gian rực rỡ nhất của cuộc đời. Khi ánh hào quang mờ dần hoặc tắt lụi theo năm tháng, rất nhiều người vẫn níu kéo thời kỳ hoàn kim của mình. Nhiều phụ nữ giàu có, qua biến động xã hội, gia đình, không còn của cải nữa, mỗi lần đi dự đám tiệc phải đến tiệm kim hoàn nhuộm vàng thật vào những bộ nữ trang giả. 

Không ít người có thành tích trong quá khứ luôn “ăn mày dĩ vãng’, mà còn có rất nhiều kẻ “kế thừa vinh quang của người khác’, sống một cách rất lố bịch, hại dân, hại nước, hại chính mình . Những năm vừa qua có những đại án nhiều người phải lãnh án chung thân, tử hình vì tội làm nghèo đất nước đều là những người có lý lịch rất tốt. Nhiệm kỳ trước, thủ tướng xin lỗi nhân dân trước quốc hội. Tôi nghĩ thủ tướng và chính phủ chẳng có lỗi gì cho lắm. Tham nhũng, lãng phí, lạc hậu,... có nguyên nhân sâu xa. Phân biệt và ưu tiên theo đối tượng trong tuyển sinh và đào tạo, coi trọng lý lịch gia đình trong việc bổ nhiệm cán bộ mấy chục năm trước. Mấy chục năm sau, ngày càng nhiều những người hư danh thiếu tài, thiếu đức, ăn mày dĩ vãng, kế thừa vinh quang của thế hệ đi trước, nắm giữ trọng trách.

Chuẩn hoá cán bộ, xem trọng bằng cấp, nền giáo dục yếu kém, hiện tượng học giả -bằng giả, học giả- bằng thật, học thật- bằng giả,…. phát triển mạnh mẽ, hư danh không còn ở cá nhân, cộng đồng mà đã tạo nên một xã hội hư danh. Nhìn số lượng tiến sĩ, thạc sĩ trên đất nước kém phát triển, lạc hậu như đất nước chúng ta, những người có lòng yêu nước, trung thực không khỏi se lòng.

Tuổi hai mươi đang đứng trước thách thức lớn với hư danh, khi những luồng với tư tưởng mới, tư duy mới, theo sự phát triển của công nghệ thông tin, tấn công vào ý thức muốn sớm thành đạt, sớm giàu có. “Học theo người thành công”, “Phát triển thương hiệu cá nhân”,” xây dựng hình ảnh”, “kỹ năng đàm phán“, v.v ..dễ dàng đưa các bạn trẻ đến với hư danh. Không ít, các bạn sinh viên vừa mới ra trường dùng tiền của cha mẹ, có trường hợp cha mẹ phải bán nhà, bán ruộng để sắm xe sang, thời trang thượng hạng,…để chứng tỏ mình là người thành công. 

Ở những quốc gia nền kinh tế kém phát triển và đạo đức xã hội chưa ổn định như nước ta, một số giá trị chưa được xác định, đúng sai, tốt xấu,.. lẫn lộn, nhiều tệ nạn xã hội xuất phát từ hư danh như "đạo Văn", "chạy chức, chạy quyền", "mua điểm",... tồn tại nhan nhản. Bởi vì trên thực tế nhiều trường hợp hư danh mà được thực lợi. Còn thực danh thì chẳng được lợi lộc gì, mà bị người đời cho là lạc hậu, là ngu ngốc. 

Sống hư danh bắt nguồn từ tính hám danh, tham lợi, ngu xuẩn của con người, được tạo dựng bằng sự dối trá, gây ra lãng phí, tiêu tốn tài sản vật chất cá nhân và tài nguyên của đất nước, làm cho đạo đức xã hội càng bất ổn,… Hư danh đem lại tai họa cho bản thân và những người xung quanh. Người hư danh mà giữ trọng trách thì đại hoạ cho thiên hạ.

Mỗi chúng ta phải hết sức thận trọng, sáng suốt, phân biệt, cố công học tập, rèn luyện, phát triển bản thân sao cho xứng đáng với học vị, địa vị mà xã hội ban tặng, trung thực với mình, trung thực với người, cùng chung tay xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh . Có như thế chúng ta mới thành công thật sự, giàu có bền vững và hạnh phúc viên mãn.

PHẠM QUANG TÂN.

2 nhận xét:

  1. Đúng vậy, sống hư danh hư ảo như khiến cho con người ta mất đi chính mình,khiến cho con người ta quên đi lẽ sống, nên sống phải làm gì, làm như thế nào cho phải đạo cuộc sống. Đối với con người mà nói thì việc sống đúng với chính mình thì đó là điều tuyệt vời nhất, Hãy là chính mình, đừng hư danh hư ảo mà mất đi bản thân

    Trả lờiXóa
  2. Danh mà không có thực thì chẳng có nghĩa gì

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog