Chia sẻ

Tre Làng

Mỹ cần đến xung đột thế giới để làm gì?

Trong bài viết đăng trên báo “Cộng hòa” của Belarus ngày 20/4, nhà phân tích kinh tế Vladimir Volchkov* cho rằng một trong những mục tiêu chính của Mỹ trong cuộc đối đầu toàn cầu là giành quyền kiểm soát thị trường toàn cầu của các nhà cung ứng năng lượng.

Theo chuyên gia, Mỹ không thể giữ được ưu thế về "chất xám" thì cần phải tìm cách giành lại quyền kiểm soát thị trường tài nguyên. (Nguồn: Getty)

Cách đây không lâu, Tổng thống Joe Biden thẳng thắn thừa nhận Mỹ đã mất đi vị thế dẫn đầu trong phát triển khoa học. Đầu tư vào lĩnh vực này đã giảm đi 2 lần và từ vị thế số 1, Mỹ đã rơi xuống thứ 9.

Xét trong tổng thể, chỉ có hai cách để dẫn dắt nền kinh tế thế giới: hoặc thống trị trong khoa học, hoặc kiểm soát thị trường năng lượng. Trong giai đoạn đề cao “chất xám”, Mỹ đã buông lỏng việc kiểm soát thị trường nhiên liệu hóa thạch (hydrocacbon) toàn cầu.

Nhưng một khi đã không thể giữ được ưu thế trí tuệ thì cần phải tìm cách để giành lại quyền kiểm soát thị trường tài nguyên. Nếu không, nước này sẽ tuột khỏi nhóm các nước hàng đầu chứ chưa nói chuyện là nước số 1.
Sự kết hợp giữa năng lượng và khoa học

Nếu phân tích tất cả các yếu tố và tìm hiểu đến gốc rễ vấn đề thì có thể thấy rằng toàn bộ nền văn minh hiện nay đang dựa trên sự cộng sinh của năng lượng (nói rộng ra là tài nguyên thiên nhiên) và tri thức.

Cho dù có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ thì một quốc gia vẫn chưa thể trở nên giàu có và hạnh phúc nếu không có các công nghệ do khoa học cung cấp. Một ví dụ về điều này là nhóm các nước châu Phi và Mỹ Latinh - nơi phát triển mạnh khai thác tài nguyên nhưng lại dành cho các quốc gia khác sử dụng.

Tuy nhiên, nếu đơn thuần kiến ​​thức, cho dù là tiên tiến nhất, thì cũng không đảm bảo rằng có sự tiến bộ và thịnh vượng. Một bằng chứng sống động là châu Âu hiện nay.

EU là một trong những người dẫn đầu công nghệ trên thế giới. Nhưng tự thân khoa học không thể chuyển hóa thành giá trị vật chất nếu không có tài nguyên. Và khi Brussels kích phát một cuộc khủng hoảng năng lượng và sau đó là một cuộc khủng hoảng nguyên liệu thì nền kinh tế của họ đã đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu.

Vào đầu thế kỷ trước, châu Âu đã đạt được sự thịnh vượng và động lực kinh tế lớn nhất khi có đủ than, quặng sắt và thậm chí cả dầu mỏ. Nhưng khi đó, nhu cầu về những thứ này thấp hơn nhiều so với bây giờ.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ nhận thấy Nga và Trung Quốc là các đối thủ cạnh tranh chủ chốt. Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ hai về phát triển khoa học song điểm yếu là phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng cũng như một số nguyên liệu thô khác từ bên ngoài.

Căn cứ vào loạt sáng kiến mà nước này đưa ra gần đây, có thể thấy Bắc Kinh đang tích cực làm việc để vượt qua rủi ro chiến lược này. Họ đang phát triển cả năng lượng hạt nhân và vận tải điện, đồng thời giảm nhu cầu về dầu mỏ.

Bên cạnh đó, họ cũng triển khai các chương trình hướng công nghiệp đến việc sử dụng tối đa các phương tiện tại chỗ, trong chừng mực công nghệ cho phép. Tất nhiên, Trung Quốc không thể từ bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu tài nguyên, nhưng giảm bớt sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Nga hiện nay vẫn chưa phải là cường quốc nghiên cứu hàng đầu, dù nền khoa học Nga đã vượt thoát đáy của cuộc khủng hoảng và đang dần hồi sinh.

Tuy nhiên, Moscow có một con át chủ bài mạnh mẽ khác, đó là nền tảng tài nguyên rộng lớn nhất. Nhìn từ góc độ này, Nga gần như có khả năng tự cung tự cấp hoàn toàn, chỉ thiếu một số khoáng chất đơn lẻ chẳng hạn như Lithium. Mặc dù ở thời Liên Xô, Lithium cũng đã được khai thác. Bởi vậy, chỉ cần khôi phục những gì đã làm.

Tóm lại, nếu đánh giá tổng thể theo công thức “văn minh = tài nguyên + khoa học" thì triển vọng kinh tế của nước Nga không phải là vô vọng. Moscow xứng đáng là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ.

Nhà máy điện hạt nhân ở thành phố St. Petersburg, Nga. (Nguồn: AFP)

Gói kiểm soát dầu mỏ

Trên thực tế, trong gần như toàn bộ nửa sau thế kỷ XX, Mỹ đã kiểm soát thị trường dầu mỏ. Tất nhiên, vẫn xảy ra những cuộc khủng hoảng năng lượng. Chẳng hạn, vào năm 1973 khi một loạt quốc gia Arab áp đặt lệnh cấm vận cung cấp dầu thô cho phương Tây do xung đột giữa Israel và Syria. Hay năm 1979, khủng hoảng bắt nguồn từ cuộc cách mạng ở Iran.

Song nhìn chung, Washington thông qua tổ hợp các cách thức vẫn khống chế được thị trường này.

Thứ nhất, các giao dịch dầu mỏ quan trọng được thực hiện trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ hoặc các sàn giao dịch do tư bản Mỹ kiểm soát. Ví dụ, Sở giao dịch chứng khoán London nổi tiếng từ lâu đã biến thành một chi nhánh của Sở giao dịch chứng khoán New York.

Thứ hai là thông qua hệ thống tài chính. Nhìn chung, đồng USD đã trở thành tiền tệ toàn cầu sau Thế chiến II. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch tài nguyên. Không phải vô cớ mà người ta thường thêm tiền tố "oil-" vào tiền tệ của Mỹ.

Thứ ba là người Mỹ, một cách gián tiếp, có thể và đã kiểm soát sản xuất thông qua việc cung cấp công nghệ. Trên lĩnh vực này, Mỹ trong nhiều năm vẫn là nước đi đầu.

Cuối cùng là thông qua kiểm soát chính trị của các khu vực khai thác. Ở một thời điểm nhất định, vị thế của Washington trong khu vực Vịnh Ba Tư là rất mạnh mẽ.

Tóm lại, phần lớn nếu không nói là tất cả các thông số của thị trường dầu mỏ toàn cầu đã bị Mỹ chi phối và ấn định thành công ở mức độ này hay mức độ khác, và vì lợi ích của chính họ.

Nhưng mọi thứ đã không suôn sẻ như vậy kể từ những năm 2000. Các yếu tố làm suy yếu sự độc quyền trên thực tế (de facto) của Washington đối với nguyên liệu hóa thạch xuất hiện ngày một nhiều.

Thứ nhất, một số quốc gia dầu mỏ đã trở nên độc lập hơn, phát triển và không còn chạy theo mong muốn chính trị của Nhà Trắng. Không có gì ngạc nhiên khi một ngày nọ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phải bay đến UAE để xin lỗi về vị thế bị động của Washington liên quan đến vụ pháo kích vào người Houthi ở Yemen.

Nhưng sự kiện này đã xảy ra từ tháng Giêng. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Thực chất, chuyến thăm UAE của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ là do UAE, Saudi Arabia cùng các đối tác khác của họ đã không tuân theo lệnh trừng phạt mà Mỹ khởi xướng đối với Nga.

Ngoài ra, khu vực dầu mỏ này lại có ý định tăng cường giao dịch với Trung Quốc và thanh khoản bằng đồng nhân dân tệ nên cũng cần phải cảnh báo. Và ông Blinken đã phải muối mặt mà đến đó.

Thứ hai, OPEC bắt đầu mạnh lên, năm 2016 đã chuyển thành OPEC+. Và nếu như OPEC cũ chiếm khoảng một phần ba sản lượng thế giới thì với "cộng" (+) họ đã chiếm hơn một nửa.

Như vậy, OPEC+ đã đạt được cổ phần kiểm soát và giai đoạn đại dịch vừa qua đã cho thấy tổ chức này kiểm soát thị trường dầu mỏ khá hiệu quả.

Kết quả là, không phải người Mỹ với cuộc cách mạng “đá phiến” giành vị trí thống trị, mà chính là OPEC+. Và "cuộc cách mạng" đã kết thúc (hoặc gần như thế) với một sự sụp đổ tài chính. Đại đa số công ty khai thác "phi truyền thống" của Mỹ đã không có lãi.

Yếu tố quan trọng thứ ba là sự suy giảm ảnh hưởng của dầu mỏ trong cán cân thế giới. Gần đây, một nửa châu Âu vẫn dùng dầu đốt để sưởi, nhưng giờ đây nó đang là một trong những mặt hàng gặp vấn đề nhất.

Việc bảo vệ môi trường đã khiến các nước phát triển chuyển trọng tâm năng lượng sang khí đốt. Và Nga không ngừng tăng cường xuất khẩu loại nhiên liệu sạch này.

Mặc dù khi thảo luận về chủ đề năng lượng sạch, nhiều ý tưởng đề xuất về sự chuyển đổi nhanh và hoàn toàn sang năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì khí đốt được coi là dạng “nhiên liệu chuyển tiếp” sang thời kỳ chấm dứt sử dụng các nhiên liệu carbon.

Với xu hướng đó, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành sản xuất than và dầu. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng EU mua khí đốt của Nga bằng đồng Euro (mà không phải USD).

Giá xăng được công bố vào ngày 7/3/2022 tại Tumwater, Washington, Mỹ. Đây là thời điểm chi phí xăng lên mức cao nhất mà những người lái xe Mỹ phải đối mặt kể từ tháng 7/2008. (Nguồn: AP)

“Chiếu tướng” hay “chiếu hết”

Nói tóm lại, vị thế của Mỹ với tư cách là nhà môi giới chính trên thị trường năng lượng thế giới đã sụp đổ. Cuộc chiến thương mại nổ ra chống lại Trung Quốc (trên thực tế là để giành quyền kiểm soát công nghệ) không mang lại thắng lợi cụ thể.

Khoa học vốn không thể tự sống và phát triển, mà cần đến sản xuất để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Việc người Mỹ chuyển sức mạnh công nghiệp sang châu Á cũng có nghĩa là biến khu vực này trở thành nguồn sức mạnh tiềm tàng.

Và khi ông Trump muốn tái công nghiệp hóa nước Mỹ, người ta mới vỡ lẽ ra rằng hóa ra hàng chục ngàn (nếu không muốn nói là hàng trăm ngàn) kỹ sư là không đủ.

Họ ở Trung Quốc chứ không còn ở Mỹ nữa! Nếu xét từ góc độ đầu tư cho nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc trước khi đối đầu và cho đến bây giờ thì sẽ rõ ai là người còn lại trên chiến trường.

Và Washington đã rút ra con bài cuối cùng của mình, đó là năng lượng. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát đối với nhiên liệu hóa thạch.

Nhà Trắng cần Ukraine ngay bây giờ chứ không phải 100 năm nữa. Mục tiêu chính là cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Nga sang châu Âu và thay thế bằng nguồn xuyên Đại Tây Dương.

EU là nơi tiêu thụ lớn nhất và việc thiết lập quyền kiểm soát đối với EU là một trong những chìa khóa khống chế thị trường năng lượng toàn cầu.

Ở cấp độ chính trị, Washington đang tích cực dàn xếp hợp đồng với các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt, kể cả với Venezuela và Iran. Mỹ có thể quên đi những tham vọng chính trị trong quá khứ, dù sao làm ăn vẫn quan trọng hơn.

Vì lý do này mà Washington đã nhúng tay vào khởi động hệ thống đường ống dẫn khí đốt ở EU, thúc đẩy các giao dịch ngay lập tức. Họ cần cung cấp các hợp đồng dài hạn, tiến hành giao dịch và đầu tư cho các công ty khai thác với mức giá ổn định.

Thị trường đầy biến động. Việc "nổ súng" vào Nga sẽ thực sự là một đòn giáng vào OPEC+, nơi mà Moscow được coi là thủ lĩnh.

Nếu như nhóm mở rộng này không sụp đổ hoàn toàn thì chí ít cũng rạn nứt và mất tính hiệu quả trong việc kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.

Nói một cách dễ hiểu, lúc này chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến không phải vì dân chủ, nhân quyền hay vì các giá trị trừu tượng nào khác.

Thực chất đây là cuộc chiến nghiêm trọng vì tài nguyên. Và nó sẽ kết thúc không phải trên chiến trường, như người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell tin tưởng mà là trên thị trường nguyên liệu.

* Vladimir Volchkov là nhà phân tích kinh tế. Với ông, mọi vấn đề phức tạp đều có thể tách thành các công thức cơ bản để phân tích. Ông cho rằng, “tính chuyên nghiệp của nghề báo chuyên phân tích kinh tế thể hiện ở chỗ nói về những điều phức tạp nhất của kinh tế một cách đơn giản và rõ ràng”.

3 nhận xét:

  1. Nhờ cuộc chiến ở Ukraine, Nhà Trắng đã giải quyết được những lo ngại của các đồng minh về sự tin cậy của tình báo Mỹ sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan năm ngoái, cũng như câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Washington trước các mối đe dọa của thế giới sau 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.

    Trả lờiXóa
  2. cuộc khủng hoảng đã làm tăng đáng kể lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang Châu Âu, nơi từng mua hơn 40% khí đốt từ Nga. Năm 2021, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang EU lên tới 192,6 tỉ m3, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Khí đốt chủ yếu được cung cấp bằng đường ống qua Ukraina và đường ống Nord Stream 1. Cả hai đều đã bị cắt sau khi xung đột nổ ra. Ngoài ra, thỏa thuận về đường ống Nord Stream 2 hiện đã kết thúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cuộc khủng hoảng sẽ củng cố đồng USD và thu hút dòng vốn toàn cầu. Tất cả các cuộc khủng hoảng địa chính trị do Mỹ thúc đẩy trong hai thập kỷ qua đã củng cố đồng tiền của họ. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraina, giá trị của đồng USD sẽ được nâng cao, khiến Mỹ trở thành một "thánh địa tài chính" vì Châu Âu không còn an toàn nữa.

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog