Chia sẻ

Tre Làng

Bước đi nguy hiểm của Mỹ có thể khiến chiến tranh Nga-Ukraine lan rộng

Khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định, Mỹ đã quyết định hồi sinh một đạo luật có từ Thế chiến 2, nhằm viện trợ nguồn lực quân sự khổng lồ cho Kiev.

Loại bỏ nhiều rào cản trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ngày 2/5, Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Cho vay - Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022, để tăng cường viện trợ cho Ukraine và giúp nước này đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.

Quân đội Ukraine tiếp nhận lô tên lửa chống tăng FGM-148 Javelins do Mỹ cung cấp. Ảnh: AFP

Dự luật này tương tự như Đạo luật Cho vay - Cho thuê mà cựu Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt phê duyệt vào tháng 3/1941 từng tạo điều kiện cho Mỹ chuyển giao một số lượng lớn khí tài cho các nước đồng minh như Anh, Trung Quốc, Hy Lạp để chống lại quân phát xít.

Dự luật do Thượng nghị sĩ Mỹ John Cornyn đề xuất cho phép Nhà Trắng cho Ukraine hoặc bất cứ quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng” để giúp gia tăng khả năng phòng thủ của các nước đó.

Dự luật giúp Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí đến Kiev dễ dàng hơn bằng cách đình chỉ các giới hạn do hai luật hiện hành áp đặt, một trong số đó giới hạn thời gian viện trợ là 5 năm. Điều kiện đặt ra là Ukraine phải trả tiền cho việc “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng”.

Jordan Cohen, một nhà phân tích chính sách tại Viện Cato cho biết, thông thường nếu Ukraine muốn thuê thiết bị quân sự, nước này sẽ phải đáp ứng chấp nhận trả lại thiết bị trong vòng 5 năm và bồi thường cho Mỹ nếu trang thiết bị hỏng hóc. Dự luật mới sẽ xóa bỏ những hạn chế đó, đồng thời loại bỏ yêu cầu buộc Tổng thống Biden phải trình bày trước Quốc hội về những gì ông muốn viện trợ cho Ukraine trong trường hợp khẩn cấp.

Số tiền mà Washington dự chi rất lớn, ước tính khoảng 47 tỷ USD - tương đương với 1/3 GDP của Ukraine trước chiến tranh. Giới phân tích cho rằng, nếu khoản chi tiêu này được Quốc hội Mỹ thông qua thì điều đó không khác gì việc Washington đang tài trợ cho một cuộc chiến tổng lực.

Chuyên gia Thomas Warrick, thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Cho vay - Cho thuê được coi là hành động trấn an Kiev và củng cố vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

“Dự luật gửi thông điệp tới cả Ukraine và Nga rằng sẽ có rất nhiều vũ khí và đạn dược được chuyển tới chiến trường. Các cuộc đàm phán hòa bình không chỉ dựa trên những điều kiện ở thời điểm hiện tại mà còn dựa vào đánh giá của các bên về việc cuộc chiến sẽ tiếp tục diễn ra thế nào nếu không có hòa bình”.

Điều đáng chú ý là tại thời điểm Đạo luật Cho vay - Cho thuê bắt đầu được thực thi vào tháng 3/1941, Mỹ chưa tham gia Thế chiến 2. Đạo luật đánh dấu thời điểm quyết định khi Mỹ từ bỏ vị thế trung lập dù nước này không phải là một bên tham chiến. Nhìn nhận một cách sâu rộng, Đạo luật đánh dấu sự nổi lên của Mỹ với tư cách là một cường quốc có ảnh hưởng lớn và vị trí này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Vậy sự hồi sinh đạo luật từ thời chiến này thể hiện điều gì trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ? Ông Adam Tooze, giáo sư lịch sử tại Đại học Columbia, Mỹ nhận định: “Câu chuyện được duy trì bởi lời hứa rằng một cuộc chiến chống lại một nhân tố xấu sẽ giành được thắng lợi thông qua sự tài trợ hào phóng của Mỹ”.

Nhưng để hiểu toàn bộ câu chuyện cần phải quay ngược kim đồng hồ từ Đạo luật Cho vay - Cho thuê vào tháng 3/1941 đến Hiến chương Đại Tây Dương tháng 8/1941, từ trận Trân Châu cảng cho đến khi Mỹ chính thức tham chiến. Với việc viện trợ vũ khí cho Trung Quốc và Anh, Đạo luật Cho vay - Cho thuê là một trong những yếu tố biến một cuộc chiến riêng rẽ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và cuộc chiến tranh của Đức ở châu Âu thành một cuộc chiến tranh thế giới.

Không thể đoán trước được phản ứng của Nga

Chuyên gia Tooze lo ngại việc Mỹ hồi sinh một chương trình Cho vay - Cho thuê mới sẽ khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang và lan rộng hơn. Sau khi Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt với ngân hàng trung ương Nga ngày 28/2, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động.

Nếu Tổng thống Biden ban hành luật Cho vay - Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022, không ai có thể đoán được Tổng thống Nga Putin sẽ phản ứng như thế nào? Chưa kể, còn rất nhiều câu hỏi khác về giới hạn viện trợ của Mỹ: Liệu Mỹ chỉ cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí đủ để đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi quốc gia này hay họ sẽ trang bị cho Kiev để tấn công trở lại nước Nga?

Nhiều chuyên gia tại Nga tỏ ra hết sức lo ngại về quyết định của Quốc hội Mỹ. Họ cho rằng, dự luật cùng với việc tổng thống Biden công bố gói viện trợ bổ sung dành cho Ukraine trị giá hơn 20 tỷ USD sẽ khiến cuộc chiến leo thang và biến Ukraine thành một “Afghanistan mới” đối với Nga. Với những loại vũ khí tiên tiến mà Mỹ sắp chuyển giao cho Ukraine, nhiều người dự đoán “toàn bộ lãnh thổ châu Âu sẽ trở thành không gian cho một cuộc đối đầu vũ trang lớn với Nga trong nhiều năm tới”.

Theo giới phân tích, dự luật chắc chắn sẽ khiến Nga lo ngại vì nó cho phép Mỹ và châu Âu cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine. Đối với Nga, kịch bản tồi tệ nhất là việc phương Tây sẽ sử dụng dự luật như một công cụ mới để chuyển giao vũ khí nhanh hơn và nhiều hơn cho Kiev.

Một số phương tiện truyền thông Nga đã chỉ trích dự luật này, cho rằng “Mỹ đã bắt đầu thực hiện việc biến Ukraine thành một mặt trận đối kháng quân sự lâu dài với Nga” và sẵn sàng “lợi dụng Ukraine để làm suy yếu Moscow”. Theo truyền thông Nga, chương trình này được Mỹ thiết kế để phát triển nền kinh tế của họ thông qua việc tài trợ ngân sách cho các công ty sản xuất vũ khí.

Còn Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo dự luật mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua về cho mượn, cho thuê vũ khí sẽ khiến nhiều thế hệ người Ukraine phải gánh nợ nần. Ông Volodin lưu ý dự luật không miễn phí và Ukraine sẽ phải trả tiền cho những vũ khí sẽ được Mỹ cung cấp trong khuôn khổ chương trình. Tuy nhiên, khả năng Kiev thực hiện các khoản thanh toán như vậy khó khả thi, vì chính phủ Ukraine đang kêu gọi phương Tây viện trợ 7 tỷ USD mỗi tháng chỉ để tiếp tục trả lương và lương hưu.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

7 nhận xét:

  1. Chính phủ Mỹ đang cố gắng truy vết số lượng lớn vũ khí sát thương được chuyển cho các lực lượng vũ trang Ukraina trong những tháng gần đây - các quan chức được cho là đã tiết lộ cho CNN, lưu ý rằng các cơ quan tình báo "gần như không có" khả năng theo dõi các lô vũ khí gửi đến người dùng cuối.

    Trả lờiXóa
  2. Mặc dù vũ khí được vận chuyển tới Ukraina chiếm số lượng đáng kể trong nguồn cung lớn nhất gần đây cho một quốc gia đối tác đang trong xung đột, Nhà Trắng ngày càng lo ngại khoản viện trợ “có thể rơi vào tay các quân đội và dân quân khác mà Mỹ không có ý định trang bị

    Trả lờiXóa
  3. Ngày 19.4, Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc một gói viện trợ sát thương lớn khác cho Ukraina để chuẩn bị cho cuộc tấn công của Nga vào Donbass, sau khi tuần trước vừa thông qua gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD gồm pháo hạng nặng, máy bay không người lái, xe bọc thép, trực thăng quân sự và các loại thiết bị khác. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ chi tiết về gói vũ khí tiếp theo sẽ bao gồm những gì.

    Trả lờiXóa
  4. Các ước tính của phương Tây về thương vong của Ukraina và các chi tiết chiến trường khác cũng “mù mờ”, có nghĩa là Mỹ và các đồng minh NATO thường buộc phải phụ thuộc vào thông tin từ chính phủ Ukraina, mà họ cho rằng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh11:11 7/5/22

    Ukraine bắn cháy thêm một tàu hải quân Nga nữa trên Biển đen, theo các bản tin chưa được xác minh.

    Tàu khu trục nhỏ dài 409 foot mang tên Admiral Makarov đang di chuyển gần Đảo Rắn – Snake Island – trên Biển Đen, ngoài khơi thành phố cảng Odessa, thì bị trúng hoản tiễn chống hạm Neptune R-360 từ đất liền Ukraine.

    Theo tờ Kyiv Post, Dân biểu Ukraine Oleksiy Goncharenko cho biết, chiếc tàu bị Ukraine bắn. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ thông tin này. Hiện chưa rõ liệu Admiral Makarov có tham gia giao tranh với các lực lượng Ukraine hay không trước khi bị trúng hoả tiễn.

    Một số trương mục Twitter theo dõi dữ liệu được thu thập từ vệ tinh và hệ thống tiếp sóng loan tin, những chiếc tàu và phi cơ cứu hộ được biết đến của Nga đã nhanh chóng đến khu vực này ngay sau khi có thông tin Makarov bị trúng hoả tiễn.

    Những trương mục này cũng loan tin, phi cơ không người lái giám sát RQ-4 Global Hawk không vũ trang của Mỹ bay lượn trên khu vực này, cho thấy vụ tấn công có thể đã xảy ra. Hình một chiếc tàu đang bốc cháy, được cho là Makarov, đang được lan truyền trên mạng xã hội, mặc dù những tấm hình này chưa được xác minh.

    Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài John Kirby vào thứ Sáu cho biết, Hoa Kỳ “không có thông tin về vụ tấn công.”

    Vụ tấn công Makarov, nếu có, diễn ra chỉ 3 tuần sau khi quân Ukraine đánh chìm tuần dương hàng đầu trong hạm đội Biển đen của Nga. Moskva cũng bị trúng hoả tiễn đối hạm Neptune, hệ thống hỏa tiễn đối hạm được phát triển trong nước. Đây được xem là một đòn mạnh giáng vào quân đội Nga.

    Tàu khu trục nhỏ lớp Admiral Grigorovich, Makarov là một trong những tàu hải quân mới nhất của Nga, bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2017, và được xem là một trong những tàu mạnh nhất trên Biển Đen. Hai tàu khác cùng lớp, Admiral Grigorovich và Admiral Essen, đang tham gia vào các cuộc chiến với quân Ukraine

    Trả lờiXóa
  6. Phương tiện truyền thông của Nga đã chỉ trích dự luật này, Mỹ đã bắt đầu thực hiện việc biến Ukraine thành một mặt trận đối kháng quân sự lâu dìa với Nga và sẵn sàng lơi dụng Ukraine để suy yếu moscow. Theo đó chương trình này được Mỹ thiết kế phát triển kinh tế của họ thông qua việc tài trợ ngân sách cho các công ty sản xuất vũ khí.

    Trả lờiXóa
  7. Kết luận rằng việc phương Tây tuyên bố rằng Nga đang bị cô lập trên thế giới, do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine có thể đúng ở Châu Âu, nhưng xét về tổng thể tren thê giới và trong số các nền kinh tế đang nổi lên thì dường như Mỹ đang bị cô lập hơn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog