Chia sẻ

Tre Làng

Bộ trưởng Công thương thừa nhận chỉ chủ động được 30% nguồn cung xăng dầu

“Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói về nguyên nhân xảy ra "cú sốc" xăng dầu hiện nay.

"Cú sốc" xăng dầu bộc lộ khiếm khuyết trong quy định hiện hành

Liên quan đến việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh tái diễn tình trạng đóng cửa, thông báo hết hàng hôm 1/11 (có xảy ra cục bộ ở Hà Nội), chiều muộn 2/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước để bàn cách tháo gỡ.

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng nói rằng, thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu mà Bộ đã phân giao.

Bộ trưởng kêu gọi, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình để đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.

Các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu phải khẳng định ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình còn phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.

"Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này và cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”, Bộ trưởng nói.

Nói về nguyên nhân xảy ra khan hiếm xăng dầu, người đứng đầu ngành Công thương nói rằng ông đã có giải trình trước Quốc hội cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Cho đến giờ, tỉ giá vẫn tiếp tục biến động, sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt. Trong khi đó, xăng dầu trong nước vẫn phải lệ thuộc vào thị trường thế giới do nhập 20% xăng dầu thành phẩm và nhập khoảng 50% dầu thô (xăng dầu nguyên liệu) cho quá trình hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn sản xuất 80% nguồn cung còn lại.

“Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các đại diện doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Nhà nước chiều 2/11.

Bộ trưởng cũng thông tin, đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có 22 doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch phân giao, còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.

Bộ trưởng nói rằng “cú sốc vừa rồi đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành của chúng ta" và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cũng như các bộ, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương xem xét, xử lý các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.

“Chúng ta phải công bằng với nhau, nếu không công bằng thì không thể chấp nhận được. Quyền lợi thì doanh nghiệp hưởng nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là không được”, Bộ trưởng nói.
Cú sốc vừa rồi đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành của chúng ta.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên
Sẽ có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu

Tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, đến hết tháng 10/2022, PVOil đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực thực hiện pha chế xăng, bổ sung thêm nguồn cung trong nước.

Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Đào Nam Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh Chính phủ và các bộ ngành vào cuộc quyết liệt để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Petrolimex đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chỉ đạo, thậm chí chấp nhận “thiệt thòi” về hiệu quả kinh tế khi phải mua hàng với giá cao để đảm bảo nguồn..

"Sản lượng Bộ Công thương phân giao cho Petrolimex trong quý IV/2022 là 2,145 triệu m3/tấn, bình quân 715 nghìn m3/tháng. Riêng tháng 10, Tập đoàn đã tạo nguồn và xuất bán 879 nghìn m3/tấn. Tháng 11 đã lên kế hoạch tạo nguồn tháng cao nhất trong lịch sử Tập đoàn là 1,156 triệu m3/tấn, tương đương 140% kế hoạch được giao. Tháng 12 đặt mục tiêu tạo nguồn khoảng 1 triệu m3/tấn", ông Hải thông tin.

Trong tháng 10, sản lượng bán của Công ty Xăng dầu Khu vực II đã tăng mạnh 38% so với bình quân 9 tháng đầu năm, có những ngày lượng xuất bán tăng tới 2,4 lần so với ngày thường. Thị phần của Tập đoàn tại TP HCM vốn đạt 22% và 25-35% tại các tỉnh phía Nam, nhưng đã chạm mức 40-45% vào giai đoạn “nóng” nhất về nguồn cung.

Tuy vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng: “Sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại”.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Công thương đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch phân giao; những doanh nghiệp có điều kiện hơn sẵn sàng bù đắp sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đốc thúc hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối.

Lãnh đạo Bộ Công thương nói thêm, hiện đơn vị này đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83, Nghị định 95 và sẽ sửa theo điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn.

"Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, cũng phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp”, ông Diên nhấn mạnh.

***
Giao Bộ Công thương quản lý toàn bộ về xăng dầu là hợp lý

Trước đó, ngày 1/11, Sở Công thương TP.HCM cho biết, tính đến 12h cùng ngày, có 108 cửa hàng thiếu xăng trên tổng số 550 cửa hàng trên toàn địa bàn, trong đó 137 cửa hàng hoạt động nhưng không có xăng để bán.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (ảnh: M.Minh)

Tại Hà Nội, sau thời điểm tăng giá, chiều tối 1/11, một số cây xăng vẫn treo biển "hết xăng", một số nơi khác hạn chế lượng bán 30.000-50.000 đồng với mỗi lần đổ cho xe máy.

Bên hành lang Quốc hội chiều 2/11, trao đổi với PV báo Đầu tư Chứng khoán, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, vấn đề cốt yếu của "cơn sốt" xăng dầu là cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu chưa bắt trúng bệnh, chưa nắm sát tình hình, căn nguyên cơ bản của thị trường.

Ông Lâm cho rằng cần có sự điều tra, đánh giá lại một cách tổng thể để xác định số liệu báo cáo nguồn cung với nhu cầu thực tế của thị trường, từ đó có các biện pháp kinh tế để đảm bảo nguồn cung.

"Giá dầu thô thế giới đang ở mức hài hoà, không phải quá cao, song lại để xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung một cách bất thường như vậy thì phải xem xét, làm rõ lý do", ông Lâm nói và cho rằng, trách nhiệm cuối cùng vẫn phải là của cơ quan quản lý Nhà nước, đề xuất của Bộ Tài chính về việc giao cho Bộ Công thương quản lý tất cả về mặt xăng dầu là hợp lý, cũng như việc giao cho Bộ Y tế quản lý giá thuốc.

7 nhận xét:

  1. Đọc đoạn này : "thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. " thì cá nhân tôi cho rằng quy định này đã không tính toán đúng số lượng cần dự trữ tồn kho của các thương nhân đầu mối nên đã xảy ra tình trang thiếu trong mấy ngày qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mùa Xuân22:12 3/11/22

      Có hàng tồn kho nhưng không đủ để tồn kho quá lâu bạn ơi khí giá bị đẩy lên cao trong thời gian dài mà không có dấu hiệu hạ nhiệt thì không có hàng tồn kho nào trụ được, việc chênh lệch giữa giá mua bán làm cho doanh nghiệp cùng các bên liên quan chịu thiệt khá nhiều, này là khách quan chứ không đến từ quy định.

      Xóa
  2. Vấn đề hết xăng ở đây là các doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh do vi phạm .nhưng bộ công thương và bộ tài chính lại không có giải pháp thay thế các doanh nghiệp nhập khẩu này dẫn tới thiếu cung cho thị trường, hy vọng các nhà quản lý xử lý nhanh và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, đặc biệt là xăng dầu

    Trả lờiXóa
  3. Qua đợt này các bác đừng cố tư nhân hóa nhé, nên song song cả tư nhân và nhà nc để kiểm soát về an ninh năng lượng như điện, nc, xăng, mạng... có thể cho quân đội triển khai luôn để tiết kiệm kết hợp nguồn nhân lực, quỹ đất cũng giống như hệ thống viễn thông, VN đã làm rất tốt, lọt top thế giới về chất lượng dịch vụ và giá. Đó là 1 điểm sáng nhất của VN trong điều tiết vĩ mô.

    Trả lờiXóa
  4. Giá xăng bây giờ vẫn do nhà nước định giá nên mới có giá hai mấy ngàn 1 lít. Để tư nhân tự định giá theo ý của bạn thì giá xăng VN ko dưới 40k/lít. Lúc đó mấy ông lại lên hỏi nhà nước đâu, sao để giá xăng cao vậy. Giống như SGK đấy, lúc chỉ có 1 bộ SGK thì mấy ông đòi tư nhân hóa cho tư nhân vào làm SGK, giờ tư nhân làm SGK thì giá tăng mấy ông lại đòi NN phải định giá sách. Nói chung khó chiều lắm

    Trả lờiXóa
  5. Siết giá năng lượng thấp để khống chế tăng giá cả trên thị trường vào cuối năm, tết đến nhưng thị trường năng lượng đang bị biến động khó lường nên dẫn đến các DN thua lỗ, âm vốn nên phải bắt buộc bảo toàn vốn nên phản ứng dây chuyền đã xảy ra. Thị trường không có xăng cho người tiêu dùng. Ai sẽ chia sẻ gánh nặng này cho các DN đây ?

    Trả lờiXóa
  6. Đọc câu slogan "Thiền am bên bờ vũ trụ" mà phì cười. Có cần phải viễn tưởng đến độ viễn vông như vậy lắm không?
    Phải xử lý nghiêm vụ này, phải bắt những kẻ mượn danh Phật pháp làm những điều xằng bậy, mất hết luân thường đạo lý và pháp luật và nhất là làm ảnh hưởng Phật pháp. Nam Mô A Di Đà Phật!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog