Chia sẻ

Tre Làng

'Đào, phở và piano mà doanh thu càng cao, rạp phim càng lỗ'

Trong buổi giao lưu với đạo diễn Phi Tiến Sơn, đạo diễn Đặng Nhật Minh về các bộ phim lịch sử được tổ chức sáng 3/3, cha đẻ của "Đào, phở và piano" cảm ơn tình cảm của khán giả dành cho bộ phim. Tuy nhiên ông khẳng định "Đào, phở và piano" càng bán được nhiều vé, Trung tâm chiếu phim Quốc gia càng lỗ.

Bất ngờ nhận được nhiều lời mời làm phim tư nhân

Với sức nóng của Đào, phở và piano, rất đông khán giả, người hâm mộ phim có mặt tại buổi gặp gỡ hai đạo diễn Phi Tiến Sơn và Đặng Nhật Minh với tên gọi Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano được tổ chức ngày 3/3.

Buổi giao lưu do nhạc sĩ Dương Thụ dẫn dắt. Đạo diễn Phi Tiến Sơn đang ở nước ngoài nên tham gia buổi giao lưu bằng hình thức trực tuyến.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn xúc động trước sự quan tâm rất lớn của khán giả dành cho Đào, phở và piano. Ông khẳng định sự thành công, lan tỏa của bộ phim đến từ tiềm thức dân tộc sẵn có của người dân Việt Nam mà ông và đoàn làm phim chỉ là chất xúc tác để công tắc đó bật lên.

Buổi giao lưu gặp mặt đạo diễn Phi Tiến Sơn và Đặng Nhật Minh được tổ chức sáng 3/3 tại Hà Nội.

Cha đẻ Đào, phở và piano vui mừng khi dòng phim lịch sử, phim nhà nước đặt hàng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, con đường phát triển dòng phim này còn khó khăn.

"Sau sự bùng nổ của Đào, phở và piano tôi nhận được nhiều lời mời của các hãng sản xuất phim tư nhân nhưng tôi không nhận lời, bởi con đường này khó đi. Tôi tin tưởng các đồng nghiệp của tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường làm phim lịch sử dẫu nhiều chông gai", đạo diễn Phi Tiến Sơn nêu.

Buổi giao lưu thu hút đông khán giả, người hâm mộ dòng phim lịch sử.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn nêu điều khó khi làm về đề tài phim lịch sử là bắt buộc phải tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên thực tế nhiều việc ghi nhận lịch sử không hoàn toàn chính xác gây khó khăn cho đội ngũ sáng tạo của phim lịch sử.

"Điều quan trọng là chúng ta thể hiện được thái độ tôn trọng không khí lịch sử và tạo dựng nên không khí đó. Lịch sử là điểm tựa để thể hiện quan điểm của tác giả, thái độ tôn vinh các bậc tiền nhân. Nếu có thái độ xúc phạm bậc tiền nhân chắc chắn phim sẽ thất bại. Bộ phim từ đó cũng nhận cơn sóng phẫn nộ của nhân dân, cộng đồng", đạo diễn Phi Tiến Sơn nhấn mạnh.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên phim trường Đào, phở và piano. Ảnh: Nguyên Khánh.

Bất cập nhà rạp không được hưởng lợi từ phát hành phim đặt hàng

Vai trò của các cấp quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển dòng phim lịch sử. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng đã đến lúc chúng ta nghĩ đến phong cách làm phim lịch sử của Việt Nam.

"Nhiều bộ phim lịch sử Việt Nam bị đánh giá giống phim Trung Quốc bởi chúng ta chưa xây dựng được phong cách riêng, nổi bật lên văn hóa Việt thông qua các bộ phim điện ảnh. Đây không chỉ là câu chuyện của nhà làm phim phải suy nghĩ mà tất cả người dân, cộng đồng cần chung tay", đạo diễn Phi Tiến Sơn nêu.

Bàn về những khó khăn khi sản xuất, phát hành phim lịch sử do nhà nước đặt hàng, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết phim Đào, phở và piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ.

Điều này xảy ra bởi Đào, phở và piano là phim nhà nước đặt hàng, mọi doanh thu của phim sau đó sẽ được nộp hết về ngân sách nhà nước và chủ rạp không được chia phần trăm doanh thu.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết phim Đào, phở và piano càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ

Đây là lý do Đào, phở và piano khó được chiếu trên toàn quốc, chỉ đến khi các rạp tư nhân chủ động làm đơn xin chiếu phim và nộp hết doanh thu vé phim về ngân sách nhà nước, phim này mới được phát hành rộng rãi tại nhiều cụm rạp.

Cùng bàn về phát hành phim nhà nước đặt hàng, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết trước đây vào thời kỳ bao cấp, các phim đặt hàng được đầu tư toàn bộ từ khâu sản xuất cho đến phát hành.

Tuy nhiên, sau này chỉ còn chi phí sản xuất khiến nhiều bộ phim ít được biết đến, thậm chí biến mất trên thị trường sau khi sản xuất xong. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, trong thời gian tới nhà nước cần quan tâm hơn đến khâu phát hành đối với dòng phim đặc biệt này.

Tại buổi giao lưu, đề tài về phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa, sự khó khăn khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của phim, xây dựng bối cảnh, phục trang trong phim... cũng được các diễn giả đề cập, phân tích.
***
03/03/2024
An Khánh/Tiền phong Online

10 nhận xét:

  1. vốn dĩ phim này được Nhà nước sản xuất để tranh giải thôi, chứ đâu có để công chiếu hay vì mục đích lợi nhuận. Cũng may qua tiktok nhờ một bạn trẻ quay lén mà bộ phim mới nổi lên như vậy thôi. Các rạp tư nhân xin chiếu phim cũng chủ yếu để PR rạp mình thôi, bởi hiếm khi có một phim Việt nào nổi lên như vậy, lại còn là phim do Nhà nước đặt làm nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng chính là lý do các rạp phim xin chiếu phim cũng là lý do dẫn đến các rạp đó bị lỗ đấy. Vì là phim được nhà nước tài trợ, sản xuất, nên giá vé sẽ rẻ hơn so với mặt bằng chung. Việc này kéo đến nhiều người đổ xô đi xem phim, tuy nhiên rạp cũng không hưởng lợi gì nhiều từ sự việc này. Nói chung là nhiều mâu thuẫn lắm

      Xóa
    2. nếu phim này thuộc quyền quản lý của Nhà nước, thì đúng là doanh thu của phim sẽ phải nộp về cho Ngân sách Nhà nước và rạp chiếu sẽ lỗ, rạp chiếu phim nên được chia phần trăm doanh thu để đảm bảo công bằng, vì nếu không có rạp chiếu thì phim cũng không có cơ hội phát triển rộng rãi như vậy

      Xóa
  2. Vụ việc này là một vấn đề gây ảnh hưởng khá nặng nề đối với các rạp phim, sở dĩ vì doanh thu của phim chủ yếu sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước và các vấn đề khác khiến cho rạp phim không thu được đủ doanh thu để bù đắp chi phí. Và nếu tình trạng cứ tiếp diễn, rạp phim có thể không muốn tiếp tục chiếu phim nữa, dẫn tới việc khán giả không có cơ hội đc xem và thưởng thức phim

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chỉ trung tâm chiếu phim quốc gia mới chiếu phim này, có thể các cụm rạp tư nhân biết rằng phim này của Nhà nước và họ chiếu phim này sẽ không có lợi cho doanh thu nên họ đã quyết định không xin chiếu phim này tại rạp, vấn đề này cần được giải quyết một cách ôn hoà

      Xóa
  3. Hi vọng là sau khi đem bộ phim này ra ngoài đấu trường quốc tế xong thì nhà nước sẽ có phương án chiếu rộng rãi để quần chúng nhân dân cùng được thưởng thức bộ phim. Không mấy khi lại có một bộ phim lịch sử chiếu rạp được quan tâm như thế, nên tranh thủ quảng bá thêm tới nhân dân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nếu chiếu ở rạp mà lại thu hết doanh thu của phim về cho Ngân sách Nhà nước thì có lẽ rạp chiếu phim không có lợi ích gì cho hoạt động này, chiếu trên tivi thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được sự nổi tiếng như ngày hôm nay, đó là một phần công sức trình chiếu của rạp chiếu phim

      Xóa
  4. đây là một lỗ hổng mà có lẽ đến bây giờ mới nhận ra trong thực tế, nếu như này thì tôi nghĩ rằng rạp chiếu phim quốc gia nên được hưởng một phần nào đó từ doanh thu của phim, vì nếu không có rạp chiếu phim thì làm sao có phương tiện để đưa phim đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay

    Trả lờiXóa
  5. Thực tế đây là bộ phim do Nhà nước đặt hàng để chiếu trong Dịp Tết nguyên đán, phim làm ra không phải vì mục đích thương mại nên vé được bán ra đều được đưa vào ngân sách Nhà nước hết. Vì vậy việc càng đông người đến rạp xem thì vận hành 1 phòng chiếu phim cũng tốn rất nhiều tiền, đồng nghĩa với việc rạp phim càng lỗ là điều đương nhiên

    Trả lờiXóa
  6. Hy vọng sau này Nhà nước sẽ chiếu rộng rãi bộ phim này trên nhiều kênh, phương tiện để người dân có cơ hội tiếp cận với bộ phim có yếu tố lịch sử hay như vậy. Mặc dù bộ phim chỉ lột tả một phần sự khốc liệt của cuộc chiến thôi vì thực tế nó còn kinh khủng và man rợ hơn nhưng cũng đã khiến chúng ta cảm thấy cay sống mũi và nghẹn trong tim. Khi bạn xem phim với một cảm xúc muốn tìm hiểu thêm về trang sử hào hùng của thế hệ cha ông thì chắc chắn bạn sẽ không bình luận và đánh giá phim như những phim giải trí thị trường đâu

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog