Lâm Trực@
Vạn Ninh, ngày 3/5/2025 - Tôi đã nhìn thấy những tấm hình với những gương mặt treo ngược lịch sử, mắt nhòa lệ nhưng không che nổi sự hằn học, cay cú... giăng khẩu hiệu "quốc hận", "tháng Tư đen". Lạ thật! Nửa thế kỷ trôi qua mà vết cắt của thời cuộc vẫn chưa liền da, máu của một thời chiến tranh đã khô từ lâu mà trái tim một số người vẫn rỉ máu. Cũng không trách họ được. Khi ký ức bị niêm phong bởi nỗi đau, thì mọi biểu hiện, dù kỳ khôi hay lạc điệu, cũng là tiếng kêu của một thế hệ bị lịch sử lỡ tay hất văng khỏi dòng chảy chính nghĩa.
Trong thế giới hiện đại, nơi mà cả nhân loại đang vật lộn với biến đổi khí hậu, chiến tranh cục bộ, và khủng hoảng di cư, thì vẫn có một nhóm người Việt lưu vong, mỗi độ tháng Tư lại dựng sân khấu tưởng niệm một quá khứ không còn. Họ khoác lên mình lá cờ vàng ba sọc như một chiếc áo chùng tang lễ cho một thể chế đã không còn mạch sống. Nhưng chính trong cái nỗ lực níu kéo đó, ta không thấy oai hùng, mà chỉ thấy bi thương, hài thảm. Một kiểu cải lương chính trị trên đất khách, không khán giả, không tiếng vỗ tay, chỉ có sự nhạt nhòa của thời gian và ánh nhìn ái ngại của thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Có thể thấy, đa phần họ - những người lính cũ, những viên chức miền Nam - không còn là những “kẻ phản bội”, hay "bè lũ tay sai"... như những năm đầu sau giải phóng bị gọi thế. Họ được gọi một cách bao dung rộng lượng hơn là nạn nhân của hoàn cảnh, của chia cắt, của một thời kỳ mà con người không thể chọn nơi mình đứng. Để rồi, nhiều người trong số họ, sau những năm tháng bị ruồng rẫy, kỳ thị, đã chọn cách lặng im sống phần đời còn lại nơi xứ lạ quê người.
Họ sống, nhưng ký ức thì dừng lại ở năm 1975. Với họ, lịch sử đã đóng băng ở đó, và họ mang nó theo, trưng bày như một bảo tàng tư nhân trong tâm hồn. Nhưng điều họ không hiểu - hoặc không chấp nhận - là thế giới đã đi xa. Đất nước Việt Nam, mà họ từng quay lưng lại, giờ đã bước vào hàng ngũ những quốc gia có tốc độ phát triển cao nhất khu vực. Người Việt Nam trẻ hôm nay không còn bận tâm về việc ai thắng ai thua, mà họ hỏi: "Chúng ta học được gì từ quá khứ?"
Giá như những người vẫn mỏi mòn trong nỗi "quốc hận" kia chịu một lần lắng nghe đất mẹ gọi, sẽ thấy quê hương không còn như họ từng ra đi. Không còn những bãi rác ngập đầy chiến tranh, không còn những ngày tem phiếu nhọc nhằn, mà là một Việt Nam tự tin trên bàn cờ khu vực, là nơi đón hàng triệu kiều bào về du lịch, đầu tư, cống hiến và thụ hưởng. Nhà nước không đòi hỏi họ "quay về nhận lỗi", mà chỉ mong họ thôi nguyền rủa, thôi dằn vặt một quá khứ mà chính họ cũng không thể đảo ngược.
Hãy để quá khứ yên nghỉ. Hãy để những người già sống những năm cuối đời trong thanh thản. Hận thù không cứu được một quá khứ đã mất, càng không cứu được tương lai của thế hệ F1, F2 đang lớn lên với một bản sắc Việt không rách rưới, không chia đôi, mà mạnh mẽ, hội nhập, và tử tế hơn.
Trong khi một số ít người Việt lưu vong vẫn khóc cho lá cờ đã xuống mồ từ năm 1975, thì tại Việt Nam, các thế hệ thanh niên đang hát quốc ca trong những sân vận động chật kín người, đang khởi nghiệp bằng trí tuệ số, đang làm chủ những công ty tầm cỡ châu Á. Thế hệ ấy không cần biết về "quốc hận", chỉ cần biết rằng đất nước này, dân tộc này, đã đủ bao dung để không hỏi bạn đến từ đâu - miễn là bạn thật lòng muốn cùng đi tiếp.
Có lẽ, như ai đó đã viết: “Chúng ta không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn cách mình sống tiếp.” Cuộc chiến đã kết thúc
Hòa hợp dân tộc để cùng phát triển, hướng đến những điều tốt đẹp hơn là điều cần thiết, quá khứ đã khép lại và cũng mở lòng khoan dung cho những kẻ lầm đường lạc lối nếu họ thực sự tỉnh ngộ và muốn đóng góp cho quê hương, muốn trở về đất mẹ để nhìn thấy nhiều sự đổi thay; muốn nhận lỗi với nhân dân. Người Việt Nam luôn bao dung, nhân hậu, không ai đánh kẻ chạy lại cả
Trả lờiXóaTrong mắt những người thuộc chế độ VNCH thì chính chúng ta là người cướp đất, cướp nhà của họ và truyền bá tư tưởng đến các thế hệ sau. Nhưng họ lại không biết rằng, khi Việt Nam bị xâm lược, chính chúng là người quay lưng lại với dân tộc, đồng bào để hương hư vinh từ bọn thực dân
Trả lờiXóaTội nghiệp cho những người mà cứ ôm mộng phục quốc trong bao nhiêu năm. Một đám người làm trò hề chẳng khiến cho người nước ngoài quan tâm mà lại còn trở thành trò cười của người dân trong nước. Đúng là một đám ngớ ngẩn và ô nhục
Trả lờiXóaXem một vài video trên mạng mà thấy ngại cho họ. Gần như chẳng có ai quan tâm, không một lời hỏi han, đứng co ro trong một góc lề đường, giữa tiếng còi xe linh tinh. Chẳng biết là bao lâu rồi họ khôg về Việt Nam. Họ đấu tranh cho cái gì?
Trả lờiXóa