Chia sẻ

Tre Làng

Chọn sự sống thay vì cái chết: Cải cách hình phạt và lương tri pháp luật Việt Nam

Lâm Trực@

Cái chết không bao giờ là một kết thúc nhẹ nhàng. Nó là vạch ngăn cuối cùng giữa luật pháp và nhân đạo, giữa cái lý và cái tình. Và ở một đất nước mang trong mình mạch đạo lý ngàn năm như Việt Nam, sự dịch chuyển từ hình phạt tử hình sang án chung thân không giảm án không chỉ là một bước cải cách luật pháp, mà còn là biểu hiện rõ nét của một tiến trình nhân văn hóa pháp lý, một bản tuyên ngôn thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa về quyền được sống.

Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Ảnh: Trang TT ĐT phổ biến, giáo dục pháp luật

Bộ Công an, trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, đã đề xuất bỏ án tử đối với tám tội danh từng được coi là "đặc biệt nghiêm trọng", thay thế bằng án tù chung thân không xét giảm án. Đó là những tội danh như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, phá hoại cơ sở vật chất quốc gia, tham nhũng nghiêm trọng, vận chuyển trái phép chất ma túy... Những tội vốn từ lâu được xem như “gạch đỏ” trong bản đồ hình phạt pháp luật.

Việc chuyển từ tử hình sang tù chung thân không đơn thuần là giảm nhẹ – đó là sự lựa chọn có cân nhắc giữa công lý và tính răn đe, giữa tiến bộ quốc tế và hoàn cảnh Việt Nam. Bởi, như một vị đại biểu từng nói, “chúng ta không thể mãi là ốc đảo của hình phạt tử hình giữa dòng chảy chung của thế giới văn minh.”

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 đã đặt viên gạch đầu tiên cho chiến lược cải cách tư pháp hướng tới việc hạn chế án tử. Đến nay, bước đi ấy đang được tiếp nối một cách dứt khoát. Không phải vì sức ép của các tổ chức quốc tế, không phải vì những chỉ trích trên các diễn đàn nhân quyền mà vì chính chúng ta, vì tư duy pháp lý cần lớn lên cùng với lòng nhân ái của một dân tộc từng đi qua chiến tranh, đói nghèo nhưng chưa từng đánh mất tình người.

Thế giới đã có hơn 130 quốc gia không còn thi hành án tử. Không ít trong số đó từng là những nước có hệ thống pháp luật khắt khe. Họ thay đổi không vì buông lỏng luật pháp, mà vì hiểu rằng: án tử không làm xã hội tốt đẹp hơn, nó chỉ dừng lại ở sự kết thúc sinh học, còn hệ quả xã hội, lương tri cộng đồng, vẫn còn đó những ám ảnh dài lâu.

Chính bởi thế, Việt Nam lựa chọn một lối đi cẩn trọng: không xóa bỏ hoàn toàn, nhưng giới hạn chặt chẽ; không nhân nhượng với tội phạm, nhưng cũng không tuyệt diệt con người bằng hình thức cực đoan.

Một người phạm tội tham nhũng, buôn ma túy hay lật đổ chính quyền có thể bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội – đó là điều cần thiết. Nhưng liệu sự chết có giải quyết được gốc rễ của cái ác? Hay nó chỉ là một phương thức “dọn dẹp” để làm nhẹ lòng xã hội mà bỏ qua bản chất sâu xa của giáo dục, phòng ngừa và phục hồi? Bởi, như một triết gia pháp lý từng viết: “Luật pháp không chỉ để trừng phạt mà còn để nhắc nhở xã hội về giới hạn, và cho phép con người dù thấp kém hay lỗi lầm còn cơ hội sám hối.”

Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm 55 quốc gia còn duy trì án tử. Nhưng trên bàn cân của thực tiễn và quốc tế, cái nhìn về hình phạt cao nhất này đang dịch chuyển. Một trong những lý do là sự bất cập trong hợp tác tư pháp quốc tế. Nhiều quốc gia từ chối dẫn độ hay cung cấp bằng chứng cho Việt Nam nếu nghi phạm có thể đối diện với án tử. Đó là một thực tế, và là thách thức.

Nhưng không chỉ vì lý do đối ngoại, sự thay đổi còn đến từ chính nhu cầu nội tại của xã hội ta. Trong bối cảnh mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng lộ diện, với các loại tội phạm mới, tinh vi và mang tính hệ thống, việc mở rộng tư duy hình phạt trở nên cấp thiết. Một bản án nghiêm khắc nhưng vẫn đặt trọng tâm vào cách ly, phòng ngừa và trách nhiệm xã hội, sẽ phù hợp hơn là một bản án tử vội vàng, dứt điểm mà để lại khoảng trống về nhân đạo.

Tất nhiên, có người sẽ đặt câu hỏi: vậy còn công lý cho nạn nhân? Phải chăng người gây ra đau thương lại được “ưu ái”? Câu trả lời là không. Pháp luật mới vẫn giữ nguyên tính nghiêm minh. Án chung thân không giảm án là một loại hình “tử hình trong đời sống”, người phạm tội bị cách ly hoàn toàn khỏi xã hội, không còn cơ hội trở lại, không có “vé về”. Nhưng đồng thời, nó vẫn giữ lại cho họ quyền tối thiểu nhất của một con người – quyền tồn tại.

Trong các trường hợp đặc biệt như tử tù mắc bệnh hiểm nghèo, pháp luật còn mở một cánh cửa nhân đạo. Không thi hành án tử không phải vì khoan nhượng, mà vì hiểu rằng: người ấy đã không còn là mối nguy. Cái chết lúc này không còn ý nghĩa răn đe, mà chỉ là hình thức tàn nhẫn của một xã hội chưa trưởng thành trong tư duy hình sự.

Đổi hình phạt tử hình thành tù chung thân không giảm án, là thể hiện bản lĩnh của một nền pháp lý dám đi từ trừng phạt sang cảm hóa, từ cực đoan sang dung hòa. Đó không chỉ là chuyện luật, mà là chuyện về đạo lý, về cách con người cư xử với nhau trong một cộng đồng văn minh.

Và hơn hết, đó là bước đi khẳng định một điều: pháp luật Việt Nam không chỉ biết phán xét, mà còn biết lắng nghe. Không chỉ biết trừng trị, mà còn biết tha thứ nếu tha thứ ấy giúp con người sống tốt hơn, và xã hội yên ổn hơn.

Theo Lâm Trực: Dưới ánh sáng của pháp luật, lòng nhân đạo không phải là sự yếu mềm, mà là dấu hiệu của một nền văn minh đủ mạnh để bao dung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog