Lâm Trực@
Ông Hoàng Quốc Hùng từng là Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Một chức danh nghe nặng trịch, gợi cảm giác trật tự, kỷ cương, sự thấu hiểu các quy phạm điều chỉnh hành vi con người. Nhưng thực chất, ông là một tay chơi. Không phải kiểu chơi gái, chơi ngông. Mà chơi thứ sâu hơn, đậm đặc hơn: luật pháp.
Khi người ta biết luật, họ thường tránh né luật. Nhưng khi người ta sở hữu luật, họ bẻ cong nó. Bẻ cong không cần sức mạnh, chỉ cần một cái liếc mắt - một tiếng “ừ” trong phòng họp, một dòng tin nhắn không dấu, hoặc một lần gật đầu đầy ngụ ý sau ly rượu chiều thứ sáu.
Từ năm 2015 đến năm 2023, ông Hùng sống giữa trung tâm dữ liệu của quá khứ con người. Ông biết ai từng trộm cắp, ai từng giết người, ai từng là ma cô hay gái điếm. Ông biết, và ông có thể làm sạch họ bằng một dấu mộc đỏ. Lý lịch - thứ vốn là dây xích trói buộc một đời người - được ông cắt bỏ như cắt móng tay. Trắng bóc. Vô tội. Sạch sẽ như một miếng giấy đã qua tay chủ tiệm.
Người lái xe và chiếc hộp đen của quyền lực
Phạm Quang Hậu, tài xế cũ của ông Hùng, là kẻ không biết nhiều luật nhưng biết cách đánh hơi mùi tiền. Hắn là kiểu người hiểu rõ đường tắt, biết cách cúi chào, biết khi nào nên im lặng và khi nào nên làm ầm lên để mặc cả. Hắn là mắt xích giữa những kẻ có nhu cầu và người nắm quyền lực.
Tôi không trách hắn. Những kẻ như hắn đầy rẫy ngoài kia. Những người bị loại khỏi cuộc chơi lớn, nhưng vẫn nhặt nhạnh được những mảnh vụn từ bàn tiệc. Chúng thường là tài xế, thư ký, bảo vệ, người giữ cửa. Chúng không viết luật, không ký quyết định, nhưng chúng giữ hộp đen của người quyền lực. Và một ngày kia, khi “ông chủ” ngửa tay, chúng đưa ra con dao găm.
Hậu đã kiếm hơn 4 tỉ đồng. Không nhiều, nhưng đủ để hắn sống như một ông trùm nhỏ. Đủ để hắn có vài người “kính nể” gọi điện mỗi ngày. Đủ để hắn, một người không có chức vụ gì, móc nối với cả hệ thống công chứng, công ty luật, và dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Cái hệ thống ấy không cần được tổ chức - nó tự mọc ra, như nấm sau mưa. Ẩm ướt. Thối rữa.
Đằng sau mỗi con số là một gương mặt đã bị bán
43 tỉ đồng. 55.713 tờ phiếu LLTP. Một phép chia đơn giản cho thấy: mỗi tờ giấy đổi được vài trăm ngàn đồng. Nhưng có ai đếm được có bao nhiêu gương mặt thật đã bị thay thế bằng một bản sao sạch sẽ? Có bao nhiêu kẻ lẽ ra không thể đi làm bảo vệ, giáo viên, công chức, nay đã đứng đấy, mặc áo sơ mi trắng, cười với camera?
Luật pháp Việt Nam, nhiều khi giống như một vở chèo. Người ta diễn. Có vai hề, vai nịnh, vai quan. Diễn xong, ai về nhà nấy. Nhưng cái hậu trường, nơi ánh đèn không chiếu tới, là chỗ người ta chia chác - tiền, lợi ích, danh dự. Và tệ hơn cả: lý lịch của những con người không quen biết.
Tôi không lạ. Không bất ngờ. Vì đất nước này, cái gì cũng có thể trở thành dịch vụ. Cấp đất trái phép có dịch vụ. Thi hộ có dịch vụ. Làm bằng giả có dịch vụ. Nay, đến cả việc cấp phiếu lý lịch tư pháp – thứ vốn là ranh giới giữa thiện và ác – cũng có dịch vụ. Một cái click chuột, một cú điện thoại, một cái bắt tay. Xong!
Trò chơi đã kết thúc. Những người biết luật thua vì lộ bài.
Người ta sẽ xét xử. Tòa án sẽ đọc bản án. Báo chí sẽ đăng lên, dân chúng sẽ xì xào vài ngày rồi quên. Nhưng cái vết sẹo để lại trong hệ thống tư pháp thì sẽ không lành nhanh như thế. Nó là một cái rễ cây đen ngòm, cắm sâu vào tâm thức những kẻ từng tin rằng: “Nếu mình trong sạch, mình sẽ được cấp một phiếu trong sạch.” Giờ thì họ biết: Sự trong sạch cũng phải có giá.
Nhà văn của Mỹ mà tôi quên tên từng viết: “Chúng ta đang sống trong một thế giới không có tình yêu và không có chân lý.”
Có thể ông nói hơi quá. Nhưng với vụ án này - tôi không thấy tình yêu. Cũng chẳng thấy chân lý. Chỉ thấy tiền. Và quyền lực. Và những bản sao của những con người không rõ mặt.
thế mới có câu nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ, năm mặc kệ. Giờ đồng tiền quyết định nhiều thứ quá, người không có tiền bị xem như vô hình, cố gắng sao cũng chẳng ngóc lên nổi; người có tiền bất chấp đạo lý vẫn được tung hô, người có tiền thậm chí có thể “mua được”: quyền lực, luật pháp, truyền thông, học thuật
Trả lờiXóaxã hội này càng ngày càng trở nên nguội lạnh, người với người chỉ còn là công cụ hoặc đối thủ, không còn mối liên hệ nào ngoài lợi ích; không còn sự công bằng, không còn niềm tin vào luật pháp hay đạo lý. Người mạnh áp bức kẻ yếu, kẻ gian lận lên ngôi, người tử tế bị nghiền nát.
Trả lờiXóaMột xã hội như vậy không thể bền vững. Nó có thể giàu có về vật chất, nhưng lại nghèo khổ về tinh thần và mục tiêu. Nó có thể mạnh về quyền lực, nhưng yếu về sự gắn kết. Đó là xã hội thiếu linh hồn, nơi con người chết dần trong lúc vẫn đang sống. Nó bắt nguồn từ những kẻ nắm giữ quyền lực và luật pháp như thằng Hoàng Quốc Hùng này đây
Trả lờiXóa