Lâm Trực@
Có những thứ từng được xem là bất khả xâm phạm trong đời sống một con người - như nhân thân, như quá khứ. Nhưng ở đây, giữa thủ đô, giữa một trung tâm cấp phát lý lịch tư pháp quốc gia, những thứ ấy đã bị biến thành món hàng. Không phải bán đất, bán rừng. Mà bán ký ức, bán nhân dạng, bán sự trong sạch được in bằng mực đen trên nền giấy trắng.
Chúng tôi - những công dân bình thường, mỗi sáng xếp hàng chờ xin tờ phiếu lý lịch tư pháp, mỗi chiều ghé chợ mua nắm rau muống héo - nào có ngờ rằng trên cao, những kẻ có chức có quyền lại đang âm thầm giao dịch nhân phẩm đồng loại như mớ cá cuối ngày.
Không phải bán đất, bán rừng. Mà bán ký ức, bán nhân thân. Bán luôn cả sự trong sạch trên giấy tờ - thứ lẽ ra phải được nhà nước bảo hộ bằng luật pháp, chứ không phải được đẩy lên bàn cân như mớ cá rô đồng ngày cuối chợ.
Hoàng Quốc Hùng - cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Một chức danh nghe lạnh lẽo như phòng hồ sơ tử thi. Trên giấy, ông là người có quyền quyết định sinh mệnh giấy tờ của hàng triệu người. Trên thực tế, ông là trùm của một mạng lưới ngầm buôn bán lý lịch sống. Hơn 43 tỉ đồng đổi lấy 55.713 tờ phiếu tư pháp. Một tờ giấy trắng mực đen, tưởng để phân định ranh giới giữa kẻ từng có tội và người chưa từng vấy bẩn. Vậy mà ông - kẻ có quyền chạm tay vào pháp luật - lại bôi nhọ nó bằng những cọc tiền gập đôi, nhét phong bì, đặt lên mặt bàn học viện.
Và kẻ đồng hành - Phạm Quang Hậu - lái xe cũ, tay chân từng mở cửa xe, giờ mở cửa địa ngục. Hắn biết quá rõ mọi lối đi tắt. Chúng ngồi với nhau, uống rượu hay uống máu đồng bào? Định kỳ mỗi chiều thứ sáu, hắn đếm số hồ sơ, quy đổi thành tiền, rồi chuyển khoản hoặc dúi vào tay ông giám đốc - như thể đang thanh toán cho một bữa nhậu bẩn.
Ai đã từng bị từ chối việc làm, mất cơ hội học tập, thậm chí không được định cư vì thiếu một tờ phiếu LLTP - chắc sẽ bật khóc khi biết, có hàng ngàn kẻ khác đã mua được nó chỉ với vài trăm nghìn cho người trung gian, thêm khoản “lót tay” cho ông Hùng. Thủ đoạn thì cũ mèm: bỏ trống nơi cư trú, giấu nhẹm tiền án, tiền sự - những thứ lẽ ra phải được tra cứu như hồ sơ bệnh án quốc gia.
Và ai biết được trong số 55.000 người ấy, có bao nhiêu kẻ đang làm giáo viên, bác sĩ, luật sư - mang danh phục vụ xã hội nhưng nhân thân là bản photo đã bị dập xóa? Họ sống trong vỏ bọc hợp pháp do đồng tiền mua được, nhờ một cú điện thoại của “cộng tác viên luật” - thực chất là tay buôn lý lịch từng làm tài xế riêng cho giám đốc.
Chúng ta không thể đổ hết tội cho hai, ba cái tên được đưa ra ánh sáng. Vụ án này giống như vết chọc kim vào da thịt một cái xác phình to vì thối rữa. Nó không chỉ là một vết thương, mà là biểu hiện của căn bệnh suy tạng hệ thống.
Sự im lặng của các phòng ban, sự làm ngơ của đồng nghiệp, sự tắc trách của những người có chức năng kiểm tra - tất cả là chất dinh dưỡng cho cái u ác mang tên “móc ngoặc - lợi ích - bán rẻ công lý”.
Và đằng sau mỗi tờ phiếu lý lịch sai lệch là một cánh cửa mở ra cho rủi ro xã hội: tội phạm tiềm ẩn được tẩy sạch vết nhơ, nhập vai người tử tế. Những người nghèo lương thiện bị bỏ lại, bởi họ không có tiền lót tay để vào cửa “thủ tục nhanh gọn”.
Chúng ta từng lên án những kẻ đào trộm mộ bán xương. Nhưng bây giờ, có cả một tầng lớp mặc sơ mi trắng, ngồi ghế bọc nệm, đào bới thân phận người sống, bán công khai trên mạng xã hội. Từng lý lịch được cắt gọt, chắp vá, rồi bán với giá thị trường, như thể đạo đức là món hàng đã khan hiếm và hạ giá.
Phải viết ra điều này với tất cả đắng cay: xã hội này không chỉ cần chống tham nhũng, mà cần thanh lọc lại cả sự thật. Cần nhìn vào từng vị trí ngồi của các ông cán bộ mà hỏi: chiếc ghế đó kê trên nền gì - luật pháp hay phong bì?
Tôi không quan tâm bản án của ông Hùng sẽ là bao nhiêu năm tù. Vì dẫu có bị kết án đi chăng nữa, cái đau lớn nhất không phải của ông, mà là của dân - những người đã từng tin vào một tờ phiếu sạch, một quá khứ minh bạch.
Nhưng nay, niềm tin cũng đã được đem bán.
Giống như lý lịch của họ – bị đem rao như một món hàng rẻ tiền.
thật tiếc cho những người thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này. Mất chức, mất quyền hành và mất lòng tin của nhân dân. Thực sự cái giá phải trả quá đắt. Có lẽ nhận thức của các đối tượng trong vụ án chưa đầy đủ nên mới dẫn đên cơ sự đó. Thôi thì biết làm sao giờ. Cuộc sống mà làm sai thì phải chấp nhận hậu quả thôi
Trả lờiXóa