Lâm Trực@
Đà Nẵng, ngày 15/5/2025 - Con người sống bằng hai thứ: ký ức và thói quen. Một thứ níu ta về quá khứ, một thứ dẫn dắt ta lặp lại chính mình. Và nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ sống cả đời trong vòng quay mù lòa của những điều từng thân thuộc. Một sự tự nguyện cúi đầu. Một kiểu chết trong tư thế đứng.
Tôi từng gặp một người đàn ông trung niên ở thị xã nhỏ ven sông, sống trong căn nhà lợp ngói xiêu vẹo, lúc nào cũng ăn cơm đúng ba bữa, đi ngủ đúng chín giờ, sáng nào cũng mặc một chiếc áo sơ mi đã sờn cổ ra đầu phố uống trà và chửi đổng. Hắn chửi từ cán bộ, chửi đến láng giềng, chửi cả vợ mình và chửi lây sang cái loa phường buổi sáng phát nhạc cách mạng. Nhưng hắn chẳng làm gì cả. Không một dòng đơn kiến nghị, không một lần ra huyện hỏi cho rõ ngọn ngành. Hắn chửi như một kiểu duy trì cuộc sống. Hắn cần những điều mình ghét để có cái mà chửi. Cũng như hắn cần chiếc áo cũ, cần cái quán trà cũ, cần ba bước chân ra đầu ngõ như một nghi thức thần thánh của một kẻ đã đánh mất khát vọng nhưng vẫn muốn cảm thấy mình đang sống.
Thói quen là cái kén. Nó mềm. Nó ấm. Và nó giết người bằng cách dỗ dành.
Con người, khi chưa đủ can đảm để thay đổi, sẽ dùng thói quen như một cái cớ. “Tôi quen thế rồi.” - câu nói ấy là mộ chí cho mọi nỗ lực. Đừng hỏi vì sao một cô gái thông minh lại lấy một gã vũ phu. Đừng ngạc nhiên khi một viên chức từng muốn cải tổ ngành nay cúi đầu trước bàn giấy. Đừng trông mong gì ở một tộc người yêu thích cái cũ nhưng không biết giữ gìn, chống lại cái mới nhưng không chịu hiểu.
Thói quen là kẻ cai trị hiền lành nhất và tàn nhẫn nhất.
Nó không tra tấn. Không đày ải. Không bỏ tù. Nó chỉ nhắc: “Hãy làm như hôm qua.” Thế là ta làm.
Không ai đánh thuế nỗi sợ. Nhưng nỗi sợ khiến người ta rẻ mạt đi từng ngày. Mọi cải cách, mọi đổi thay đều chết yểu không phải vì nó sai, mà vì nó đụng vào cái vòng an toàn của thói quen. Thậm chí, người ta sẽ lôi văn hoá, đạo đức, lịch sử ra để bênh cho chính sự lười biếng tư duy của mình. Chữ viết, trang phục, món ăn, lối sống - chỉ cần ai đó đặt câu hỏi khác, là bị ném đá. Cái đá đầu tiên bao giờ cũng đến từ một kẻ từng chịu thiệt vì tư duy, và kẻ đó không muốn ai khác dám vượt lên.
Tôi biết, xã hội này có hàng triệu người như ông già đầu phố: khinh bỉ cái họ quen, ghét bỏ cái họ mới gặp, nhưng lại chẳng làm gì để thay đổi số phận. Họ sinh con, dạy con như chính họ đã bị dạy. Họ yêu nước bằng cách chửi Mỹ, Trung Quốc và Hàn, nhưng chỉ cho con học tiếng Anh. Họ gọi làng xóm là quê cha đất tổ, nhưng khi có tiền thì bán ruộng mua nhà phố. Họ kêu trời vì ô nhiễm, nhưng vẫn thản nhiên xả rác ra ngõ. Họ là đại diện của những kẻ bảo thủ với chính mình và đạo đức với người khác.
Không ai trói tay họ, ngoài chính họ.
Có người hỏi tôi, “Chị nghĩ gì về cải cách ngôn ngữ, cải tiến chữ viết?” Tôi cười. Không phải vì đồng tình hay phản đối, mà vì cái thói quen đánh phủ đầu mọi tư tưởng khác biệt vẫn đang ngự trị. Một đề xuất không ai ép, không ai bắt buộc, cũng bị lôi ra chém tập thể như thể nó là tội đồ của quốc dân. Trong khi mỗi ngày, tiếng Việt vẫn bị xé nát bởi chính những người nhân danh bảo vệ nó - từ ngôn ngữ mạng xã hội đến văn bản hành chính vô hồn.
Không ai giết chết lý tưởng bằng súng đạn. Họ giết nó bằng thói quen.
Và nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống trong cái nhà tù vô hình ấy, lịch sử sẽ không viết tên chúng ta bằng chiến công hay thất bại. Lịch sử sẽ quên chúng ta. Vì không ai nhớ đến những người đã sống cả đời chỉ để lặp lại chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét