Lâm Trực@
Một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được ghi nhận vào sáng ngày 25/6/2025, khi Quốc hội khóa XV, trong phiên làm việc đầy trách nhiệm và tâm huyết, đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự với tỷ lệ áp đảo: 429 trong số 439 đại biểu tán thành. Một quyết định mang tính lịch sử đã được xác lập – hình phạt tử hình chính thức được bãi bỏ đối với 8 tội danh, đánh dấu bước chuyển lớn về tư duy lập pháp và tinh thần nhân đạo trong thi hành pháp luật hình sự ở nước ta.
Quyết định của Quốc hội không chỉ đơn thuần là kết quả của một phiên bỏ phiếu, mà là thành quả tích tụ từ một quá trình chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học và có sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị. Đó là biểu hiện sinh động của việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực cải cách tư pháp, đặc biệt là định hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình – một chủ trương lớn đã được khẳng định rõ ràng trong Thông báo số 13936-VPCP/TW ngày 25/3/2035 của Văn phòng Trung ương Đảng, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh không phải là quyết định vội vàng, càng không xuất phát từ bất kỳ áp lực bên ngoài nào, mà dựa trên quá trình nghiên cứu sâu sắc, thận trọng và toàn diện nhiều yếu tố pháp lý, xã hội, chính trị và quốc tế. Các tội danh được xem xét bỏ án tử hình bao gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của Nhà nước; tội sản xuất, buôn bán thuốc giả; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; và tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Đằng sau mỗi nội dung sửa đổi là một câu chuyện về sự thay đổi trong cách tiếp cận hình phạt, về sự trưởng thành của nền lập pháp nước nhà, về khát vọng hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, lấy cải tạo và giáo dục làm gốc trong xử lý người phạm tội.
Nếu như trong Bộ luật Hình sự năm 1985, Việt Nam quy định tới 44 tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình, thì sau gần 40 năm, con số này đã giảm còn 18 theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Và giờ đây, với việc bỏ thêm 8 tội danh, danh sách các tội có thể bị tử hình chỉ còn lại 10 – một bước tiến lớn thể hiện rõ tinh thần nhân đạo, tôn trọng quyền con người của Nhà nước ta, phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại.
Việc thu hẹp hình phạt tử hình không có nghĩa là khoan nhượng với tội phạm, mà là thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn và sự tự tin của một quốc gia đang ngày càng trưởng thành về thể chế. Điều đó còn cho thấy năng lực và trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc nhưng vẫn đảm bảo công lý và tính khả thi.
Những lý do được Chính phủ trình bày là hoàn toàn xác đáng. Trước hết, nhiều tội danh có tính chất nghiêm trọng nhưng thực tế nhiều năm qua không hề có vụ án nào bị tuyên tử hình, chứng tỏ việc giữ lại hình phạt này chỉ mang tính hình thức, không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đặc biệt là Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc, thì trách nhiệm nội luật hóa các nguyên tắc bảo vệ quyền con người là điều bắt buộc. Khoản 2 Điều 6 của Công ước này nêu rõ: "Chỉ được áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất." Việt Nam, với tư cách là một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế, phải đi tiên phong trong việc cụ thể hóa cam kết ấy bằng hành động lập pháp cụ thể.
Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, việc xây dựng một hệ thống pháp luật tương thích với chuẩn mực quốc tế chính là nền tảng để nâng cao vị thế quốc gia và tăng cường niềm tin giữa các đối tác.
Thứ tư, xét về mặt xã hội, việc thay đổi tư duy hình phạt còn góp phần thúc đẩy tinh thần nhân văn trong chính sách hình sự. Hình phạt tử hình là biện pháp đặc biệt nghiêm khắc, có tính chất không thể khắc phục nếu sai lầm xảy ra trong quá trình tố tụng. Việc giảm thiểu tối đa hình phạt này là cách để hệ thống pháp luật vận hành theo hướng thận trọng hơn, công bằng hơn, và cũng chính xác hơn.
Một điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là quy định chuyển đổi hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1/7/2025 sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp phạm các tội danh vừa được bãi bỏ hình phạt tử hình. Điều này không chỉ thể hiện tính nhất quán, logic trong lập pháp mà còn mở ra cơ hội sống – cơ hội cải tạo – cho những người từng đứng bên bờ vực của án tử.
Đặc biệt đối với hai tội danh liên quan đến tham nhũng là "tham ô tài sản" và "nhận hối lộ", luật sửa đổi đã có quy định chặt chẽ để bảo đảm yếu tố răn đe và khuyến khích thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, người bị kết án tù chung thân về hai tội này chỉ được xem xét giảm án khi đã chủ động nộp lại ít nhất 75% tài sản chiếm đoạt và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Đây là bước đi hợp lý, kết hợp giữa sự khoan hồng có điều kiện và nguyên tắc xử lý nghiêm minh nhằm thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.
Có thể thấy, quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh lần này là kết quả của sự vận động hài hòa giữa lý trí và tình cảm, giữa yêu cầu nghiêm trị tội phạm với khát vọng nhân đạo, bao dung và khơi dậy khả năng hoàn lương trong mỗi con người. Đó là biểu hiện rõ nét của bản lĩnh lập pháp Việt Nam – độc lập, tự chủ nhưng hội nhập; nghiêm khắc với cái ác nhưng không tuyệt diệt cơ hội phục thiện.
Pháp luật, về bản chất, không chỉ là công cụ để trừng trị mà còn là phương tiện để giáo dục và cải hóa. Mỗi điều luật được ban hành không chỉ là một dòng chữ trên giấy, mà là kết tinh của trí tuệ, đạo lý và cả lòng trắc ẩn. Và vì thế, mỗi bước cải cách như lần này, là một bước tiến trên con đường kiến tạo một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh – nơi con người không bị xét đoán bởi lỗi lầm vĩnh viễn, mà được tạo cơ hội để sửa sai, hoàn lương và đóng góp trở lại cho cộng đồng.
Trong tiến trình đổi mới và phát triển, Việt Nam đã và đang chứng minh rằng: cải cách pháp luật không nhất thiết phải gắn với những khẩu hiệu đao to búa lớn. Đôi khi, một quyết định về hình phạt, về phương pháp tiếp cận công lý cũng có thể nói lên được bản lĩnh quốc gia, phẩm chất chế độ và tính ưu việt của con đường mà dân tộc ta đang đi. Việc thu hẹp hình phạt tử hình không làm suy yếu luật pháp, mà làm cho luật pháp thêm thuyết phục và đáng tin hơn trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.
Quốc hội hôm nay đã không chỉ làm luật. Quốc hội hôm nay đã làm nên lịch sử – lịch sử của lòng nhân ái, trí tuệ và bản lĩnh của một dân tộc luôn biết đứng dậy, sửa mình và vươn tới điều tốt đẹp hơn.
P/s: Bài viết của tác giả Lâm Trực
Hoan nghênh các cải cách mang tính lịch sử đối với luật pháp hình sự VN, vừa thể hiện tính nhân văn, đề cao quyền con người, đồng thời phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại. Đồng thời, cần có nhiều bài báo, thông tin phản ánh trung thực, khách quan về cải cách luật này, đặc biệt đối với những tội như tham ô, nhận hối lộ, để tránh những đối tượng phản động mượn cớ để cho rằng nhà nước bao che tội phạm, luật pháp mất tính răn đe...
Trả lờiXóaVới sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập quốc tế thì việc thay đổi, điều chỉnh các biện pháp xử phạt trong các quy định pháp luật là điều hết sức cần thiết. Trong đó với Việt Nam việc giảm bớt các hình phạt tử hình theo cá nhân tôi là điều nên làm để cho phù hợp với bối cảnh, tình hình đất nước. CHúng ta cần tuyên truyền cho người dân hiểu về sự thay đổi này.
Trả lờiXóaLuật đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Trả lờiXóaTrong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bỏ 8 tội danh có hình phạt tử hình trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng nhiều vấn đề.
Trả lờiXóaThứ nhất, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể được bảo vệ; khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Thứ hai, căn cứ kết quả tổng kết công tác thi hành BLHS, nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế thời gian qua.
Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện nay, xu hướng về việc giảm hình phạt tử hình trong quy định của pháp luật cũng như thực tế thi hành trên thế giới là phổ biến. Trong 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phạt tử hình.
Thứ tư, trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi là thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị xác định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất".
Thứ năm, phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau.
Thứ sáu, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, việc bỏ hình phạt tử hình nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Trả lờiXóaLuật vừa được thông qua đã bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, Điều 256a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS lần này không áp dụng đối với tất cả người sử dụng trái phép chất ma túy mà chỉ áp dụng đối với những người đang cai nghiện hoặc đã thực hiện việc cai nghiện ma túy nhưng biện pháp này “đã bị thất bại”, người đã cai nghiện ma túy tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
Trả lờiXóaNhân văn hóa pháp luật hình sự là một xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, phản ánh sự phát triển của xã hội văn minh và tiến bộ. Tiến trình này thể hiện sự chuyển dịch từ một nền pháp luật mang tính trừng trị nặng nề sang một nền pháp luật chú trọng đến quyền con người, hướng thiện và phòng ngừa tội phạm.
Trả lờiXóaViệc này không chỉ phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, mà còn thể hiện sự tôn trọng quyền được sống, quyền cơ bản nhất của con người. Mặc dù vẫn còn tồn tại hình phạt tử hình, nhưng xu hướng giảm dần và tiến tới loại bỏ trong tương lai là một lộ trình được nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật ủng hộ.
Trả lờiXóaBên cạnh việc giảm hình phạt nghiêm khắc, pháp luật hình sự Việt Nam đã tăng cường áp dụng các hình phạt nhẹ hơn, mang tính giáo dục và cải tạo. Các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ ngày càng được áp dụng phổ biến. Điều này hạn chế các tác động tiêu cực của môi trường giam giữ đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ.
Trả lờiXóaĐây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự công bằng và đầy đủ hơn trong việc xử lý vi phạm. Thay vì chỉ xử lý cá nhân, pháp luật đã có thể xử lý cả tổ chức gây ra tội phạm, buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm pháp lý cao hơn đối với hành vi của mình, từ đó góp phần bảo vệ môi trường, xã hội và cộng đồng.
Trả lờiXóaPháp luật hình sự Việt Nam ngày càng có nhiều quy định cho phép miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, như người dưới 18 tuổi, người tự thú, đầu thú, người lập công... Những quy định này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, tạo cơ hội cho người phạm tội sửa chữa sai lầm và tái hòa nhập cộng đồng.
Trả lờiXóaMặc dù vẫn còn những thách thức, nhưng với những bước đi vững chắc trong thời gian qua, có thể tin rằng pháp luật hình sự Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa thể hiện tính nhân văn, vì một xã hội công bằng, văn minh và tôn trọng quyền con người.
Trả lờiXóaViệc nhân văn hóa không có nghĩa là buông lỏng việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cần cân bằng giữa tính nhân văn và tính nghiêm minh để đảm bảo pháp luật vẫn có đủ sức răn đe, đặc biệt đối với các loại tội phạm nguy hiểm, có tổ chức. Việc nhân văn hóa pháp luật hình sự cần phải đi đôi với việc hoàn thiện các đạo luật liên quan
Trả lờiXóaViệc bỏ án tử hình với một số tội cho thấy xu hướng pháp luật đang dần nhân đạo hơn, đề cao quyền được sống. Tuy vậy, nhiều người vẫn băn khoăn liệu điều này có làm giảm tính răn đe với những tội ác nghiêm trọng hay không. Không thể chỉ dựa vào lòng vị tha, mà còn phải tính đến cảm nhận công bằng của xã hội. Khoan hồng là cần thiết, nhưng cũng phải đúng lúc, đúng chỗ.
Trả lờiXóa"Nhân văn hóa pháp luật hình sự" là một xu hướng quan trọng và tiến bộ, thể hiện sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng ngày càng tiệm cận với các giá trị nhân quyền và chuẩn mực quốc tế. Đây không chỉ là một khái niệm lý thuyết mà đã được thể hiện rõ nét qua các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) và các văn bản pháp luật liên quan.
Trả lờiXóaMột trong những biểu hiện rõ rệt nhất của xu hướng nhân văn hóa là việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. BLHS Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm số lượng các tội danh có thể bị xử phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt tù chung thân hoặc các hình phạt nặng khác. Điều này không chỉ thể hiện sự khoan hồng của pháp luật mà còn phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trả lờiXóaPháp luật hình sự Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc áp dụng các hình phạt không tước tự do như cải tạo không giam giữ, phạt tiền, quản chế... Điều này giúp tạo cơ hội cho người phạm tội sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc quản lý và giáo dục phạm nhân, đồng thời tránh được những tác động tiêu cực của môi trường trại giam.
Trả lờiXóaMột trong những điểm sáng của nhân văn hóa là chính sách đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội. Pháp luật đề cao việc giáo dục, cảm hóa, tạo cơ hội cho các em sửa chữa lỗi lầm, thay vì chỉ tập trung vào trừng phạt. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đến tương lai của thế hệ trẻ.
Trả lờiXóa