Lâm Trực@
Hà Nội mùa hạ, ánh nắng như rải mật vàng trên từng con phố, nhưng đâu đó trong một căn nhà nhỏ ở xứ Nghệ, có hai vệt lệ mẹ thầm rơi khi tiếng chuông điện thoại không vang lên nữa, khi dấu chấm hỏi của những người mẹ, người cha… bắt đầu phình to ra như một vực thẳm.
Hai đứa trẻ. Một lời rủ rê. Một tấm vé xe. Và rồi... mất hút giữa mênh mông thủ đô.
Nguyễn Thị Hương, cô gái quê Thanh Chương, Nghệ An, chưa bước qua tuổi trưởng thành, thấy một dòng thông báo ngắn ngủi trên mạng: “Tuyển người phụ quán ăn ở Hà Nội.” Không hợp đồng, không địa chỉ rõ ràng, chỉ một niềm tin non nớt đặt vào một thế giới vốn dĩ chỉ có ảnh và lời. Hương rủ em gái cùng đi. Đôi chân non nớt dấn vào một cuộc hành trình không tên, một cuộc thử thách vượt quá sức vóc và tuổi đời.
Xe vừa tới Hà Nội, có người đón sẵn. Những lời bảo ban mập mờ, những bước chân theo sau người lạ, như một màn kịch u tối đã được đạo diễn sẵn. Các em bị đưa về một nơi “tập trung” không rõ địa chỉ, bị thu điện thoại, tách khỏi mọi liên lạc. Rồi trong đêm, lặng lẽ, bị chở đi Thái Bình. Chuyến xe ấy không có điểm đến, chỉ có sự mất hút của niềm tin và sự bàng hoàng của những người ở lại.
Gia đình tìm con trong tuyệt vọng. Họ bấu víu vào mạng xã hội – nơi từng kéo hai đứa trẻ đi khỏi vòng tay họ, giờ trở thành chiếc loa phóng thanh cứu cánh cuối cùng. Tin tức về hai em lan rộng, sự lo lắng chạm đến ngưỡng đỉnh. Đúng lúc ấy, tin nhắn được gửi về từ chính chiếc điện thoại của hai em. Nhưng giọng văn đó, cách dùng từ đó... không phải là Hương, không phải là đứa em gái bé bỏng của gia đình họ. Đó là một trò mạo danh vụng về nhưng hiểm độc, nhằm trấn an sai lệch, nhằm làm chậm nhịp hành động của những người yêu thương.
Chính lúc ấy, những người mặc áo cộc tay xanh và mũ kê-pi đã vào cuộc. Không màu mè, không vội vã tuyên bố. Họ lặng lẽ lần theo từng dấu vết, như người thợ săn dõi bước trên con đường chỉ có sương mù và đá cuội. Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng công an địa phương (Thái Bình cũ, nay là một phần của Hưng Yên sau sáp nhập hành chính) đã tìm ra hai em an toàn, đưa trở về với gia đình. Không ai biết rõ họ đã đi qua bao nhiêu chặng đường, bao nhiêu đêm không ngủ, bao nhiêu cuộc gọi âm thầm trong đêm chỉ để đưa hai sinh mệnh nhỏ bé ấy về lại chốn an toàn.
Lẽ ra, chuyện này không nên xảy ra. Nhưng đáng buồn thay, nó không phải là lần đầu tiên. Ngoài kia, vô số tin rao vặt trá hình, vô số cú click lầm lạc đang giăng bẫy các em nhỏ như những tấm lưới bắt cánh chim chưa mọc đủ lông. Trong thế giới mạng ảo – nơi một gương mặt có thể là ngàn gương mặt, một lời hứa có thể là trăm mưu đồ – các em dễ dàng trở thành con mồi vì một điều đơn giản: các em tin vào lòng tốt nhiều hơn kinh nghiệm sống.
Cha mẹ đâu? Nhiều người còn mải chạy theo những kế sinh nhai rối rắm. Nhiều người tin rằng con mình đủ lớn để tự bảo vệ. Nhưng thực tế chứng minh: tuổi thơ đang bị đặt vào vùng nguy hiểm, không phải vì súng đạn, mà vì thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, thiếu một nền tảng tự vệ trước những cám dỗ mang tên "cơ hội".
Đây không còn là một vụ việc riêng lẻ. Đây là tiếng chuông cảnh báo về việc cần giáo dục kỹ năng sống và phòng tránh lừa đảo cho thanh thiếu niên – không chỉ trong sách giáo khoa mà trong từng bữa cơm, từng buổi trò chuyện gia đình. Trẻ em không thể tự học cách nghi ngờ nếu người lớn không dạy chúng cách tin vào đúng người.
Cuối cùng, xin cúi đầu cảm ơn những người chiến sĩ công an, những người đi tìm ánh sáng trong mê lộ, những người không chọn ánh đèn sân khấu nhưng vẫn âm thầm giữ gìn an toàn cho bao đứa trẻ như Hương và em cô. Trong khi mạng xã hội đầy rẫy những lời chỉ trích, nghi ngờ, thì chính họ, những con người không màu mè ấy đã đem lại một cái kết có hậu trong một câu chuyện vốn có thể thành bi kịch.
Có lẽ điều đáng mừng nhất hôm nay, không chỉ là việc hai em nhỏ được trở về, mà là bài học xã hội đã rút ra sau chuyến xe lạc lối ấy.
Vì trong một thời đại mà mỗi cú nhấp chuột có thể mở ra cả thiên đường lẫn địa ngục, thì thứ vũ khí mạnh nhất vẫn là: sự tỉnh táo của người lớn và tình thương được dạy dỗ đúng cách cho những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày.
Thật may mắn khi hai em nhỏ đã được trở về nhà an toàn với người thân và gia đình, cảm ơn những người chiến sỹ công an đã hết lòng thực thi pháp luật, bảo vệ và giúp đỡ người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trở thành nạn nhân của tội phạm. Mọi người đều biết, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được tìm thấy và trở về gia đình như hai em bé trong bài báo này. Cần có những chế tài nghiêm khắc để quản lý, khắc chế những tên tội phạm nhắm đến trẻ em, những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội, để hạn chế sự hoạt động của chúng cũng như những hiểm họa chúng gây ra trong xã hội
Trả lờiXóamay mắn lần này là có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, chứ nếu để một mình gia đình tự lần theo manh mối mà tìm kiếm thì không biết có còn an toàn để trở về như bây giờ nữa không
XóaĐồng thời, sự vào cuộc chung tay của xã hội, lực lượng thực thi pháp luật, cơ sở giáo dục là chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn là vai trò của gia đình, của cha mẹ trong dạy dỗ, giáo dục, bảo vệ con cái. Câu chuyện này là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những bậc làm cha làm mẹ về những hiểm họa ngầm đối với trẻ em, đặc biệt là trong xã hội phức tạp, và kết nối internet tràn lan, khó kiểm soát như ngày nay. Các phụ huynh cần dạy con những kỹ năng bảo vệ mình cần thiết trong đời thực và trên mạng xã hội, tuyệt đối không tin tưởng người lạ và lập tức báo cho bố mẹ những chuyện bất thường xảy ra. Đừng để xảy ra chuyện rồi mới hối hận
Trả lờiXóamới chập chững bước vào đời thì làm sao có được kinh nghiệm sống dày dặn mà chả tin vào lòng tốt, nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt về số tiền lương có thể nhận được sau hàng tháng lao động đã đủ để lôi kéo những đứa trẻ vào cạm bẫy
Trả lờiXóathời buổi hiện đại ngày nay có hàng ngàn cạm bẫy, hàng ngàn thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội nhằm buôn bán người, đưa người qua biên giới trái phép, đến khi người thân và gia đình phát hiện ra thì đã quá muộn màng
Xóacũng chẳng biết trách ai vào lúc này, các em mới bước vào đời cần phải có sự theo dõi sát sao từ phía người thân và gia đình, chứ để các em một mình bươn chải không phải là ý kiến hay, rồi đến lúc hối hận không kịp
Trả lờiXóasự quản lý và giáo dục từ gia đình là một điều vô cùng cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển của các em, để các em có một hành trang về nhận thức, kinh nghiệm, phòng tránh các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm nguy hiểm
Xóakhông phải trường hợp nào cũng may mắn được trở về nhà an toàn như hai em ở trên đây, đã có rất nhiều trường hợp một đi và không quay trở lại, vì thế rất cần sự giáo dục và quản lý của phía gia đình để hạn chế tối thiểu những trường hợp rủi ro có thể xảy ra
Trả lờiXóaLỗi thuộc về gia đình trong trang bị và quản lý, giáo dục các em. May thay, lực lượng Công an đã kịp thời xử lý và đưa các em về với gia đình nếu không thì hậu quả khó mà nói hết được. Ngoài kia tội phạm vẫn còn, chúng luôn ở trong bóng tối và chờ đợi những sơ hở thiếu sót của nhiều thứ, trong đó sự bất cẩn và niềm tin mù quáng của người dân là một miếng mồi ngon cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội. Mong sao, hãy lắng nghe nhiều hơn các bản tin, những nội dung tuyên truyền của lực lượng Công an để nâng cao cảnh giác, an toàn và bảo vệ cho bản thân tốt nhất
Trả lờiXóa