Lâm Trực@
Có những thằng đi tù mà có người vẫn thương. Cũng có những thằng chưa vào tù, người ta đã khinh đến tận xương. Đinh La Thăng là loại đầu tiên. Vừa vào trại vài năm, thiên hạ đã xì xào, có đứa còn rưng rưng bảo “nó vì dân”. Có đứa viết báo bảo: “nó dám chịu tội thay cấp dưới”. Có đứa sụt sịt: “làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật…”. Mà người chia sẻ thì đông lắm. Đông như bầy ruồi đậu vào cái kẹo mạch nha để quên trên bàn thờ tổ tiên, đã mốc xanh mốc đỏ.
Tôi không lạ. Ở xứ này, cứ cái gì từng quyền, từng chức, từng nói một câu nghe lọt tai dân đen là sau này y như rằng có người viết hương văn cho. Nhất là khi cái xác đó chưa hẳn đã chết. Họ thích thương một quá khứ mờ nhòe hơn là đối mặt với hiện tại gồ ghề. Họ thương cái oai cũ. Thương cái cách ông ta từng ngồi họp đập bàn, rút điện thoại gọi “trực tiếp”, như thể xã hội này chỉ cần một người nhanh tay thì sẽ hết nợ, hết đói.
Tôi có đọc các bản án. Không phải vì hiếu kỳ. Mà vì tôi biết, sau những lời có cánh là tiền. Sau những tràng pháo tay là đất. Sau những cuộc họp sáng loáng là tài sản quốc gia bốc hơi không cần hóa đơn. Bốn bản án. Ba mươi năm tù. Tám trăm tỉ đồng bồi thường dân sự. Đó là con số, không phải cảm xúc. Đó là sắt đá, không phải gió heo may.
Mà đã bồi thường đồng nào chưa? Chưa. Một đồng cũng chưa. Mà án thì tuyên rồi. Luật là luật. Không ai ép ông ta nhận tội cả. Có tòa. Có bằng chứng. Có chữ ký. Vậy mà giờ đòi ân xá. Tha làm sao? Tha vì cái gì? Tha cho ai?
Tôi thử hình dung một buổi sáng, ông Thăng ra trại, mặc áo trắng, bước thảnh thơi trên nền cỏ ướt. Dư luận tán thưởng. Báo chí rì rầm. Nhưng tôi biết, có những người công nhân từng ngồi máy dệt, từng quăng lưới trên sông, từng làm ở nhà máy Ethanol Phú Thọ, giờ đang chạy Grab, đang bưng bê, đang đắp xi măng thuê. Tiền nhà nước chảy đi đâu? Ai trả họ tuổi trẻ đã bị cuốn vào những thứ gọi là “tầm nhìn chiến lược”? Ai đền cho họ?
Tôi không thích đạo đức giả. Không thích cả lòng thương mù quáng. Người tử tế không chờ được khen. Kẻ có tội không nên chờ được xót. Người xưa bảo: “Ăn cắp một đồng, chặt tay. Ăn cắp một kho, làm quan”. Câu ấy, giờ đọc lên vẫn thấy buốt sống lưng.
Cái nguy hiểm không phải là việc đòi tha cho Đinh La Thăng. Cái đáng sợ là người ta đang biến công lý thành bãi nước vo gạo. Cảm xúc chảy lênh láng, luật pháp trôi theo dòng nước đục. Nếu vì ông ta từng có lời hay ý đẹp mà rũ tội, thì sau này, ai còn tin vào bản án? Ai còn dám nói “ở hiền gặp lành”? Ai còn tin rằng ở nước mình, tham nhũng không thể chạy tội?
Tôi nhớ hồi nhỏ, ông nội tôi bảo: “Cái luật không phải để thương xót. Cái luật để giữ trật tự”. Nếu ai cũng được tha vì từng “hy sinh vì tập thể”, từng “dám nghĩ dám làm”, thì xã hội sẽ thành một cái chợ vỡ. Mà chợ vỡ thì ai gom lại được?
Có người bảo tôi độc miệng. Không sao. Miệng tôi độc, nhưng tim tôi sạch. Tôi không viết để thù ai. Tôi chỉ muốn những đồng tiền thất thoát được nhớ tên. Những lời hứa từng treo ở đại hội, từng treo trên khẩu hiệu, được đem soi trước ánh sáng.
Tôi không phải quan tòa. Tôi chỉ là một người dân thường, đọc báo mỗi sáng bằng cặp mắt cay sè vì bụi. Tôi không ghét Đinh La Thăng. Nhưng tôi không chấp nhận việc lịch sử bị tẩy trắng như một tấm khăn bàn đã thiu. Ai sai thì phải trả giá. Không phải để trả thù. Mà để sau này, lũ trẻ biết rằng, làm lãnh đạo không phải để nói cho hay, mà để làm cho đúng. Và khi sai thì phải cúi đầu. Không phải cúi cho dân thương. Mà cúi cho luật pháp còn giữ được dáng.
Ở xứ này, người ta tha thứ nhanh lắm. Nhưng người ta cũng quên nhanh. Tôi chỉ mong lần này, đừng quên.
Hoạt động ân xá cho tội phạm ở VN là hoạt động thể hiện sự nhân văn của pháp luật và xã hội, tuy nhiên, việc này phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, với sự đánh giá xem xét của các cơ quan có thẩm quyền dựa trên việc khắc phục hậu quả và biểu hiện cải tạo tốt của tội phạm, không phải dựa trên những lời kêu gào trên mạng xã hội của những người không rõ đầu đuôi, thiếu hiểu biết về câu chuyện
Trả lờiXóaÔng Thăng đang chấp hành án phạt tù chưa được bao lâu so với bản án đã được tòa tuyên thì cơ sở nào để có thể đặc xá. Đây có lẽ là một âm mưu của một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó dùng dư luận để định đứng lên trên pháp luật nhằm mục đích xấu, thật là nguy hại vô cùng tận. Ông Thăng được thả rồi tiếp theo lại ai được thả...thế pháp luật sinh ra cho vui sao. Nên dẹp ý định vớ vẩn đó đi là vừa
Trả lờiXóaViệc xem xét ân xá hoặc đặc xá ở Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật, dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt như thời gian đã chấp hành án, mức độ cải tạo, việc bồi thường thiệt hại (nếu có), và sự chấp hành các quy định trong trại giam. Đối với các trường hợp phạm tội về chức vụ, tham nhũng, thường có những tiêu chí khắt khe hơn.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaLuật pháp cần được thực thi một cách nghiêm minh.Không khoan nhượng hay dung túng cho những kẻ tham nhũng.Thật sự phẫn nộ và bức xúc khi những ý kiến muốn bênh vực và ân xá khoan hồng với Đinh La Thăng.Những tư tưởng lệch lạc này đang làm méo mó đi công lí và luật pháp.Cần nâng cao mức phạt đối với tội phạm vi phạm về hành vi tham nhũng và mang những hình phạt nghiêm khắc hơn
Trả lờiXóa