Chia sẻ

Tre Làng

Phản động và ảo tưởng

Lâm Trực@

Có những thời điểm trong lịch sử, người ta tưởng rằng chỉ cần chống lại chính quyền là đã trở thành anh hùng. Họ quên mất rằng, cái chính quyền mà họ đang phủ nhận không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là cấu trúc đại diện cho hàng triệu con người, cho một quốc gia đang vận hành theo luật pháp, cho một xã hội đang vươn lên từ nghèo đói và chiến tranh.

Gần đây, tôi đọc được bài phát biểu của một người tên là Đặng Bích Phương trên một đài phát thanh lưu vong mang tên “Chân Trời Mới”. Bà Phương, cùng một số nhân vật tương tự như ông Phạm Thành (ảnh bên) – người từng bị kết án vì hành vi tuyên truyền chống Nhà nước, đã thản nhiên tuyên bố rằng họ “tự hào” vì đã “phản động”.

Tôi không bàn đến hành vi, tôi bàn đến ý niệm mà họ đang theo đuổi.

Họ coi sự chống đối như một biểu hiện cao quý của tự do. Nhưng tự do không nằm trong việc phủ nhận tổ quốc, mà nằm ở chỗ làm phong phú hơn phẩm giá của công dân trong một đất nước có trật tự. Tự do không phải là sự cắt đứt khỏi nguồn gốc, mà là khả năng tự soi lại chính mình để trở nên sâu sắc hơn, hữu ích hơn và đáng tin hơn trong mối quan hệ với cộng đồng.

Họ không tự do. Họ chỉ đang nhầm tưởng sự bất mãn cá nhân là tư cách công dân.
Con người hiện đại cần học cách phân biệt giữa phản biện và phản động.

Phản biện là quyền – phản động là từ chối khế ước xã hội.

Bất kỳ ai, khi lớn lên trong một quốc gia, đều có nghĩa vụ gắn bó và xây dựng. Nếu có điều gì chưa tốt, ta có thể nói. Nhưng nói để gợi mở một giải pháp khác với nói để phủ định toàn bộ nền tảng của xã hội đó.

Tôi từng nói: “Không có dân chủ nào hình thành từ sự vô lễ.” Tôi xin nói thêm: “Không có lý tưởng nào đứng vững được khi nó mọc lên từ sự thù hằn và mặc cảm.

Tôi không phủ nhận sự hiện diện của những khiếm khuyết trong bất kỳ nhà nước nào. Nhưng chống lại thể chế không làm bạn trở thành người tiến bộ. Tiến bộ là khi bạn sống trong một xã hội có vấn đề mà vẫn chọn cách giải quyết vấn đề đó trong khuôn khổ pháp luật và sự tôn trọng.

Những người như bà Đặng Bích Phương có thể nghĩ rằng họ đang “đấu tranh”, nhưng thực chất, họ chỉ đang phát đi tín hiệu tuyệt vọng từ cái tôi cá nhân không được lắng nghe trong không gian trí thức nghiêm túc.

Tôi cũng từng là một người phản biện. Nhưng tôi phản biện để đất nước tiến lên. Tôi không chống phá. Vì tôi hiểu rằng: Không ai được quyền làm gãy đổ cái cây đã nuôi sống chính mình.

Phản động” không phải là danh hiệu. Nó là vết xước của nhân cách chính trị, là sự thiếu thốn nội lực để tự chứng minh bằng sáng tạo và cống hiến. Người ta “tự hào phản động” bởi vì họ không thể tự hào vì điều gì khác.

Cái gọi là “tự hào phản động” chỉ là một cách tự an ủi cho một đời không tìm được vị trí chính đáng trong lòng cộng đồng.

Đất nước không cần những kẻ hô hào dân chủ bằng cách chửi rủa và phủ định. Đất nước cần những người dũng cảm xây dựng. Dân chủ không phải là một chiếc loa phóng thanh để phát những cơn bực tức mang tính cá nhân. Dân chủ là một công trình.

Và muốn làm người dân chủ thực sự, trước tiên hãy học làm người trung thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog