Lâm Trực@
Người đàn bà 64 tuổi, tóc bạc phơ, gương mặt đanh lại vì uất nghẹn và sân hận đã bước vào vòng lao lý không phải vì nghèo khổ, không vì oan khiên, mà vì bà ta chọn đứng trên bậc thềm ảo của mạng xã hội để chửi rủa cả hệ thống tư pháp. Tên bà là Mai Thị Hạ, quê ở xã Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Tên bà ta giờ đây được nhắc đến không phải trong sự cảm thông, mà như một lời cảnh báo về sự ngộ nhận tự do và lòng thù hằn cá nhân đẩy người ta vào con đường phạm pháp.
Ngày 2 tháng 7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã chính thức khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Mai Thị Hạ về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân – theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ngọn nguồn mọi việc bắt đầu từ một tranh chấp đất đai. Bà Hạ không đồng tình với phán quyết của Tòa án Nhân dân huyện Hàm Yên (trước đây). Nhưng thay vì gửi đơn khiếu nại theo trình tự pháp luật, bà chọn cách bước ra khỏi giới hạn lẽ phải. Dưới danh nghĩa “đòi công lý”, bà lên Facebook cá nhân, biến nó thành cái loa phóng thanh cho những cơn thịnh nộ mù quáng. Hết bài viết đến livestream, bà công khai chửi bới, lăng mạ, xúc phạm các lãnh đạo đương nhiệm và nguyên lãnh đạo tòa án, rồi cả lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang cũng bị cuốn vào cơn gào thét này.
Không chỉ dừng lại ở ngôn từ nhơ nhớp, bà Hạ còn nhiều lần kéo đến trụ sở tòa án, lớn tiếng sỉ vả công khai, như thể mình là trung tâm của chân lý.
Không cần phải có trí tuệ siêu phàm cũng có thể nhận thấy bà Hạ đã coi thường pháp luật một cách trắng trợn. Hành vi lặp đi lặp lại, được truyền phát công khai, không chỉ xúc phạm nhân phẩm người khác, mà còn gây rối trật tự xã hội, bôi nhọ uy tín của các cơ quan công quyền, khiến lòng dân hoang mang, niềm tin vào công lý bị tổn thương.
Hành vi này, theo đánh giá của cơ quan điều tra, đủ căn cứ cấu thành tội danh quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, với mức án có thể từ 2 đến 7 năm tù. Bà Hạ không phải là người đầu tiên sa chân vào cái hố sâu gọi là “quyền tự do dân chủ” khi hiểu sai và sử dụng sai. Trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra tại các địa phương khác trên cả nước, với kịch bản không mấy khác biệt: từ bất mãn cá nhân, mâu thuẫn đời sống, một số cá nhân đã vin vào quyền tự do ngôn luận để lăng mạ, xuyên tạc, thậm chí chống phá Nhà nước, xúc phạm tổ chức, cá nhân một cách có hệ thống.
Pháp luật Việt Nam không ngăn cấm quyền bày tỏ ý kiến. Nhưng pháp luật cũng không có vùng cấm. Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với quyền vu khống, sỉ nhục, hoặc phá hoại trật tự xã hội. Một khi đã bước qua giới hạn đỏ, thì cái giá phải trả là không thể tránh khỏi.
Vụ việc của Mai Thị Hạ là một lời cảnh báo nghiêm khắc, gửi đến những ai đang ảo tưởng rằng mạng xã hội là nơi không ai kiểm soát, rằng tiếng nói cá nhân có thể lấn át luật pháp. Lực lượng gìn giữ trật tự và kỷ cương sẽ không để bất kỳ hành vi vi phạm nào trôi qua trong im lặng. Bởi giữ gìn công lý không chỉ là trách nhiệm, mà là niềm tin của nhân dân gửi gắm.
Phải nguội đi các đầu nóng và sống trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền thế mà vẫn còn có những người coi thường pháp luật thì tôi chưa hiểu hết được. Câu chuyện bi đát khi người phụ nữ đã 64 tuổi, cái tuổi được phép hưởng tuổi gia lại vướng vào vòng lao lý do thiếu hiểu biết và thách thức pháp luật; liệu có tồn tại người đứng sau không, điều đó chưa biết được
Trả lờiXóa