Lâm Trực@
Ở Hà Nội, mùa mưa dầm về chậm. Phố vắng, những hàng cây già lặng lẽ soi bóng xuống mặt gạch ướt như thể đang nghe chuyện đời. Người ta vẫn nói rằng sự thật luôn có ánh sáng, nhưng đôi khi, chính ánh sáng lại làm sự thật biến mất vào những cái bóng dài ngoẵng và u uẩn.
Chuyện của ông Đặng Hoàng Giang không mới. Nó giống như một vết dầu loang trên mặt nước tưởng yên. Ông Giang - một người viết sách, một gã trí thức du học châu Âu, người hay nói về lòng tốt, sự tử tế, nỗi buồn hiện sinh, và cả nỗi cô đơn. Ông có cái cách dùng ngôn từ như gươm mỏng cắt vào xã hội mà không làm văng máu. Nhưng lần này, chính con dao chữ nghĩa ấy lại trượt tay.
Ông viết lên mạng rằng ông Nguyễn Nhật Anh – một nhà xuất bản – đã quấy rối cấp dưới. Không ai thấy, không ai quay clip. Chỉ có vài câu chuyện thì thầm, vài mẩu tin, và một cái tên phụ nữ xuất hiện như một cơn gió ngang qua. Rồi gió lặng. Cơ quan điều tra vào cuộc. Những con người mặc áo sơ mi trắng ngồi dưới ánh đèn tuýp, ghi chép, hỏi cung, rồi lặng lẽ đưa ra kết luận: không đủ dấu hiệu hình sự. Tức là không ai phạm tội, nhưng có ai đó đã nói sai.
Ông Giang bị đề nghị xử lý hành chính. Người ta không bỏ tù ông. Không ai đánh ông. Họ chỉ yêu cầu thu hồi giấy phép lao động, theo đúng luật định dành cho người nước ngoài. Mọi thứ rất nhẹ. Nhẹ như cái cách người ta rút một lá thư khỏi phong bì rồi bỏ lại trên bàn, không cần đọc lớn.
Trong cái nhìn của tôi - một kẻ sống giữa phố phường đã quá lâu để tin vào điều gì tuyệt đối - thì đây không chỉ là một vụ sai sót. Đây là minh họa sống động cho một bi kịch của trí thức thời nay: họ mang trong mình khát vọng cứu rỗi, nhưng lại không đủ độ lặng để phân biệt ánh sáng thật và ánh sáng giả. Và trong một thế giới nhiễu loạn thông tin, cái bóng của một lời nói đôi khi dài hơn cả đời người.
Tôi không đứng về phía ai. Tôi chỉ thấy buồn. Buồn cho một người đàn ông từng viết về “Bức xúc không làm ta vô can”, nhưng giờ lại trở thành kẻ gieo bức xúc bằng ngòi bút của chính mình. Buồn cho một xã hội mà mỗi cú click chuột là một lần ai đó có thể mất danh dự. Buồn cho cả những kẻ thích thú ngồi xem, như thể đời là một sân khấu rẻ tiền nơi đạo đức chỉ là phụ kiện.
Ngày xưa, trong văn chương cổ, kẻ viết lời vu cáo không chứng cứ sẽ bị chém đầu. Ngày nay, người ta không chém ai cả. Người ta chỉ nhẹ nhàng xếp hồ sơ lại, gửi một bản kiến nghị. Vậy là đủ. Bởi đau nhất không phải là án phạt, mà là khi một người nhìn lại mình, và nhận ra những gì mình tin - hóa ra - chỉ là chiếc gương nứt.
Tôi không biết ông Giang nghĩ gì khi đọc bản kết luận của Công an Hà Nội. Có thể ông giận. Có thể ông buồn. Cũng có thể ông vẫn nghĩ mình đúng. Nhưng nếu còn là một người viết, ông nên ngồi xuống. Nhìn vào chữ. Nhìn vào người. Nhìn vào cái bóng của sự thật. Và viết lại. Không phải viết để thanh minh. Mà để hiểu rằng: đôi khi, sự thật không cần lên tiếng. Nó chỉ cần người ta đừng nói sai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét