Chia sẻ

Tre Làng

Nhà văn trẻ Kai Hoàng đạo văn của Nguyễn Ngọc Tư

Lại chuyện đạo văn: Nguyễn Ngọc Tư vừa bị một nhà văn trẻ "thuổng"

Lần trước, Nguyễn Ngọc Tư cũng từng bị đạo rồi. Không rõ vụ đó rốt cuộc xử lí ra sao. Đến trước vụ đạo văn này, hầu như chưa từng nghe đến nhà văn trẻ đó. Bài đầu tiên lấy về từ báo Phụ Nữ.


Với tư cách là một người sáng tạo, hành vi của Kai Hoàng thực sự rất khó chấp nhận; nhất là khi Kai Hoàng từng có trong tay nhiều giải thưởng và khoảng 10 đầu sách đã được xuất bản.

Đạo văn không phải là chuyện mới trong làng văn chương, nhưng thí sinh tham gia một cuộc thi viết lại đạo văn của giám khảo chấm thi là trường hợp hy hữu. “Nạn nhân” trong vụ việc này là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Giống nhau đến kỳ lạ! 

Giới văn chương vừa được một phen xôn xao và sửng sốt khi phát hiện truyện ngắn Biến mất (tác giả Kai Hoàng) chính là “chị em sinh đôi” với truyện ngắn Những biển của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từng in trong tập Cố định một đám mây. Điều tréo ngoe là: truyện ngắn Biến mất đang tham gia cuộc thi viết truyện ngắn do một tờ báo tổ chức mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là giám khảo.

Tác giả trẻ Kai Hoàng vướng scandal “đạo văn” của tiền bối.

Cụ thể, truyện Những biển của Nguyễn Ngọc Tư được mở đầu: “Vào buổi sáng của ngày thứ mười hai, khi kéo tấm rèm không thể đoán nổi từng có màu gì, nhìn mặt trời ủ lửa bên dưới lớp sóng thớ lợ, Nhị tưởng mình đã ở đây một trăm lẻ chín năm rồi. Chồng vẫn chưa ngoi lên thở”. Còn đoạn mở đầu của truyện Biến mất viết: “Cuộc tìm kiếm từ lâu đã rơi vào tuyệt vọng, vào buổi sáng của ngày thứ mười trên biển. Một người đàn ông bị sóng cuốn”.

Tác phẩm Những biển của Nguyễn Ngọc Tư được in trong tập Cố định một đám mây đã bị đạo thành Biến mất dưới tên tác giả Kai Hoàng

Chỉ qua đoạn mở đầu, người đọc ít nhiều đã có dự cảm “không lành”. Quả nhiên, đọc xong truyện Biến mất, độc giả ngỡ ngàng nhận ra sự giống nhau đến kỳ lạ, nếu không muốn nói thẳng ra là “đạo” từ truyện nhà văn của đất Cà Mau.

Hai truyện ngắn, tóm tắt nội dung, sẽ ra kết quả chung: hai vợ chồng đang bơi giữa biển thì trời đổ mưa và trong không gian ấy, người chồng bỗng nhiên mất tích. Dù đội cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm, người chồng vẫn bặt tăm. Trong khi đó, người vợ vẫn bền bỉ trông ngóng và chờ đợi; cho đến ngày kia, một sự thật khác ào đến: người chồng vẫn chưa chết, nhưng bây giờ anh ta đã có một người đàn bà khác bên cạnh.

Giữa hai truyện ngắn là những chi tiết giống nhau: cùng nhắc đến những lần biến mất của người chồng hay việc một người kể lại cho nhân vật người vợ câu chuyện về một người chồng mất tích trên biển, chừng ba năm sau, khi nỗi đau đã dần nguôi thì người chồng bỗng nhiên xuất hiện trên truyền hình với người đàn bà khác. Nếu có sự khác nhau thì chỉ là khác nhau về trang sức của nhân vật người vợ: ở truyện Những biển, người vợ tháo đôi bông tai ra gửi tiệm vàng; còn trong truyện Biến mất là chiếc nhẫn.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên lạc với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và được chị cho biết: “Tôi nghĩ vui, chắc bạn này muốn chơi xỏ, cho rằng nhà văn Việt Nam không đọc nhau, trong lúc đọc Biến mất. Không thì ai lại đãng trí tới mức “dịch” cái truyện của tôi để gửi dự thi đúng cuộc thi tôi làm giám khảo. Nhưng đó là nghĩ cà rỡn, theo hướng bao dung nhất; bởi nếu đây là trò đùa thì cũng vượt quá giới hạn. Nó nguy hiểm, tựa một cú tự sát”. Tác giả của Cánh đồng bất tận nói thêm: “Bạn trộm một con mèo về nuôi, dần dần con mèo là của bạn, nhưng chữ thì không. Kể cả không ai phát hiện ra hoặc phát hiện mà người ta chẳng hô hoán lên thì chữ mãi mãi vẫn không phải của bạn”.

Liên hệ với tác giả Kai Hoàng của Biến mất, anh này lý giải: “Về vấn đề này, tôi có chia sẻ với ban tổ chức cuộc thi là do tôi đọc nhiều truyện của chị Tư (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - PV), nên khi nhìn vào đề tài, tôi đã không lường trước được hậu quả khi tình tiết tôi viết ra nó tự tuôn một cách không ý thức. Nhân đây, tôi muốn được chuyển lời xin lỗi chị Tư cùng ban tổ chức cuộc thi. Đây là bài học lớn cho tôi và tôi sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Kiếm củi 3 năm, đốt 1 giờ

Người ta vẫn nhắc về liên văn bản (theo quan niệm kinh điển) như một biểu hiện của sự liên hệ trực tiếp giữa văn bản này và những văn bản khác. Từ đó, bộc lộ tính chất đa tầng của văn bản; trong đó, văn bản này sẽ trở thành một ngữ cảnh để một văn bản khác được sáng tạo. Chuyện nhà văn thế hệ sau chịu ảnh hưởng từ nhà văn đi trước không phải là chuyện lạ. Nhưng sự ảnh hưởng khác sao chép, đạo văn. Là nhà văn, là người sáng tạo, cần ý thức rõ điều đó.

Hành vi của Kai Hoàng có thể không gây chú ý và dễ dàng qua mắt người khác, nếu nạn nhân là một người vô danh nào đó. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư lại là một tác giả nổi tiếng, có nhiều đầu sách “hot” trên thị trường; nên việc đạo văn công khai này đã trở thành một tiền lệ xấu trong làng văn. Trong khi mọi người đang nỗ lực phổ biến và nâng cao ý thức về sở hữu trí tuệ tới cộng đồng, với tư cách là một người sáng tạo, hành vi của Kai Hoàng thực sự rất khó chấp nhận; nhất là khi Kai Hoàng từng có trong tay nhiều giải thưởng và khoảng 10 đầu sách đã được xuất bản.

Dù có biện hộ cách nào, qua câu chuyện này, nhân cách và lòng tự trọng của một người viết đã không còn mấy tốt đẹp trong lòng độc giả. 

An An

..

1 nhận xét:

  1. Nhà Văn Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, thì ai đạo văn của nhà văn này là một sự ngốc nghếch đến tận cùng, Không hiểu sao mấy người là tự nhận mình là nhà văn lại đi làm những điều như vậy nhỉ? Ngây thơ quá rồi :))

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog