Chia sẻ

Tre Làng

Lặng lẽ SEAGAME

Lặng lẽ SEA Games

Mồ hôi và nước mắt vẫn rơi hàng ngày trên sàn tập, trong trường đấu. Nhưng không mấy ai nhớ đến, vì họ không phải cầu thủ bóng đá.

Thời còn làm tạp chí, tôi từng giới thiệu rất nhiều vận động viên vừa có tài, vừa có thể hình đẹp để làm bài chân dung. Họ đều bị gạt đi vì "chả ai biết đâu". Mồ hôi của những người đang mơ ngày được đứng trên bục vinh quang vẫn rơi, bất chấp những chấn thương tinh thần và thể xác. Nhưng chúng là những giọt mồ hôi "chả ai biết đâu".

Chủ Nhật, 1/12 vừa qua có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời nữ vận động viên cử tạ Vương Thị Huyền. Vượt qua đối thủ đáng gờm của Indonesia là Lisa Setiawati, vượt qua nỗi ám ảnh chấn thương, vượt qua cả nỗi đau mất cha chỉ hơn chục ngày trước khi lên đường dự SEA Games, Huyền giành chiếc huy chương vàng đầu tiên cho cử tạ Việt Nam ở hạng cân 45 kg.

Đó lẽ ra phải là một câu chuyện ngập tràn cảm hứng. Câu chuyện của một người đã vượt qua nỗi đau của quá khứ, chiến đấu hết mình trong hiện tại và mơ về tương lai, bởi Huyền cũng là một vận động viên được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu đoạt huy chương tại Olympic Tokyo 2020. Nó truyền cảm hứng còn bởi cô gái người Bắc Giang đã bật khóc trên bục nhận huy chương, có lẽ vì hạnh phúc, hoặc cũng có lẽ vì đang nhớ về bố mình. Như chính cô đã bộc bạch sau đó với nhà báo. Trước khi thi đấu, cô nói thầm "Bố ơi, hãy tin con".

Nhưng sáng ngày thứ Hai, cô mở điện thoại ra và thấy gì trên các trang báo và mạng xã hội? Duy nhất một chủ đề: Bùi Tiến Dũng và sai lầm của anh. Có gì đó hơi bất công, khi giữa một đại hội SEA Games với đủ các môn thể thao, chúng ta lại biến một trận đấu mới ở vòng bảng thành dòng chủ lưu thời sự, thay vì một trận chung kết tranh huy chương. Chúng ta bỏ qua một tấm gương thành công để mổ xẻ sai lầm của một cá nhân, của một môn chơi tập thể, trong một trận đấu mà ta đã thắng.

Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng, ta cãi nhau tiếp về sự vạ miệng của một bình luận viên trên sóng truyền hình. Facebook bấy lâu nay vẫn thế, kéo tất cả mọi người vào một "hot trend" nào đó và bỏ qua những thông tin đáng chú ý khác. Nhìn vào đó, ta ngỡ như SEA Games chỉ có mỗi môn bóng đá.

Trên thực tế, bóng đá cũng chỉ tranh một bộ huy chương như mọi môn thể thao khác. Các cầu thủ của đội U22 Việt Nam đã tập luyện vất vả, nhưng đừng quên các vận động viên khác cũng thế. Họ cũng vùi mình trong phòng tập, cũng chịu áp lực thành tích và cũng oằn mình với những chấn thương. Mấy ai trong chúng ta nhớ đến những cái tên đã và đang làm rạng danh nền thể thao Việt Nam? Họ là những Đặng Đình Tiến với môn bida, Mai Công Hiếu môn xe đạp, tay bóng bàn Đoàn Kiến Quốc; cầu thủ bóng đá nữ Lưu Ngọc Mai và Đoàn Thị Kim Chi; vận động viên điền kinh Phạm Đình Khánh Đoan; cầu thủ bóng chuyền Kim Huệ; Hải Thảo môn cầu mây, Cao Ngọc Phương Trinh và Văn Ngọc Tú môn Judo, Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng, Huyền Diệu và Phan Tấn Đạt với Taekwondo, các vận động viên thể dục dụng cụ Hà Thanh, Trương Minh Sang và Lê Thanh Tùng... và nhiều cái tên khác.

Tôi từng nhận được một câu hỏi thế này từ các bạn sinh viên báo chí: "Trong quá trình làm nghề, anh thấy khó nhất là phỏng vấn kiểu nhân vật nào?". "Khó nhất là phỏng vấn vận động viên thể thao", tôi đáp lời ngay. Bởi họ là những người đã dành cả thanh xuân của mình trong phòng tập. Vấn đề của thể thao Việt Nam là chúng ta luôn chuyên nghiệp hóa những vận động viên từ quá sớm.

Những tài năng thể thao bị kéo ra khỏi gia đình, cũng như bị kéo khỏi mái trường từ quá sớm. Họ bị nhồi vào đầu duy nhất một mục tiêu: mang thành tích về cho địa phương và quốc gia. Đa số họ gặp hạn chế trong giao tiếp, vì họ có quen nói chuyện với ai ngoài đồng nghiệp, huấn luyện viên và các quan chức của bộ môn đâu? Toàn bộ tuổi trẻ của họ chỉ là tập luyện, nghỉ ngơi, thi đấu, cứ thế lặp đi lặp lại. Trong hàng trăm vận động viên của bộ môn cử tạ, có bao nhiêu người được ít ỏi đèn màu chiếu tới như Vương Thị Huyền hay Thạch Kim Tuấn - những người mà xác suất để nhận ra họ giữa đám đông phải kém rất xa một cầu thủ dự bị của đội U22 đang dự SEA Games.

Những phóng sự trên các tạp chí không dành cho họ. Những spot quảng cáo không dành cho họ. Nhiều vận động viên thể thao đỉnh cao của Việt Nam ngày càng bị lãng quên trong khi cơn sốt bóng đá vẫn chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Các cầu thủ hiện diện ở mọi nơi trên đường phố. Và khi những cầu thủ hàng đầu kín lịch, các nhãn hàng lại chuyển sang những cầu thủ kém danh tiếng hơn một chút.

Chúng ta tranh luận về sai lầm của một thủ môn. Người thì trách anh mê quảng cáo, mê sàn diễn mà hỏng chuyên môn. Người bênh vực lại nói, anh cũng là con người và đừng quên những cống hiến của anh trong quá khứ. Rồi người ta sẽ lại phát cuồng vì Bùi Tiến Dũng nếu anh cản phá thành công một quả đá phạt hay giữ trắng lưới. Và trên mạng, phe bảo vệ Tiến Dũng lại sẽ có dịp tổng phản công, đồng nghiệp dẫn chương trình của tôi sẽ bị lôi ra giễu cợt. Tất cả đều những con sóng không ngừng, cuốn phăng tất cả.

Trong khi đâu đó trên đất Philippines, có lẽ nhiều người cũng mong mình gặp một cơn khủng hoảng như Bùi Tiến Dũng, cơn khủng hoảng dễ chịu của một người đang được cả nước quan tâm. Đấy là hạnh phúc của kẻ bị ném đá, vẫn tốt hơn là bất hạnh của những thân phận bị lãng quên.

Trần Minh/VnExpress

1 nhận xét:

  1. Thể thao việt nam có thứ hạng cũng nhất nhì đông nam á,chúng ta không thể phủ nhận điều đó,chúng ta đã lập lên các kỳ tích qua các kỳ seagame và olympic,có được thành công đó chính là sự đoàn kết nỗ lực rất lớn của Đảng và nhà nước và các huấn luyện viên,vận động viên qua các thời kỳ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog