Chia sẻ

Tre Làng

Dịch sẽ đi về đâu?


Khi đứng trước một vấn đề sinh-tử, những người giỏi toán chúng tôi luôn bám vào các yếu tố định lượng, dùng các input data sẵn có để ép xung não, chạy thuật toán hàm đa biến trong không gian phi tuyến tính, rồi lấy kết quả ấy làm căn cứ để dự phóng tương lai. Đành rằng luôn có những biến cố bất ngờ, những sự cố thiên nga đen làm méo phần nào đồ thị, nhưng nhìn chung, nếu độ nhiễu này có thể được tính vào như một tham số từ đầu, nó sẽ không làm thay đổi quá nhiều kết quả của bài toán.


Phân tích này không thay đổi diễn biến hay kết quả của dịch bệnh, cũng không thể dự đoán được chính xác còn bao nhiêu người chết, bao nhiêu nơi sẽ phải lockdown, bao nhiêu công ty phá sản, doanh nhân nhảy lầu, những thứ này quá phức tạp và liên quan tới kinh tế, chính trị của từng quốc gia. Tuy nhiên thứ mà tôi sẽ thử dự đoán trong tút này, chính là đỉnh dịch, thứ sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong cuộc chiến.

Để dự đoán được đỉnh của dịch bệnh trên toàn thế giới, chúng ta buộc phải áp dụng kiến thức phân tích kỹ thuật (TA) lừng danh của ngành tài chính - mà kẻ già này, thật ngại quá, lại là chuyên gia số 1 ở Đông Lào. Với data công khai, sẵn có, kẻ già này có thể dựa vào đồ thị để vạch ra được ngay 02 kịch bản của dịch bệnh, mà việc nó diễn biến theo kịch bản nào, sẽ phụ thuộc vào số ca tử vong mỗi ngày trong vòng 2-3 tháng tới - quãng thời gian mang yếu tố quyết định của cuộc chiến.

Các anh chị có thể tìm data về số ca lây nhiễm và số ca tử vong mỗi ngày trên worldometers, bấm hiển thị đường MA (moving average) của cả 2 đồ thị, ai làm ngành tài chính sẽ hiểu ngay khi nhìn lần đầu. Ta coi đồ thị lây nhiễm tương đương với đồ thị giá/khối lượng, còn đồ thị số ca tử vong chính là công cụ RSI.

Ở kịch bản thứ nhất, số ca tử vong đã tạo đỉnh 1 ở mức 7.500 ca, nếu những ngày tới, số ca tử vong giảm cực mạnh, đồng nghĩa với sẽ tạo đỉnh 2 nằm ở mức 6.000 ca (như những ngày này), tức là RSI đã bắt đầu suy yếu dù số ca lây nhiễm (giá) vẫn tăng, đây là dấu hiệu cho thấy sắp có đảo chiều.

Khi số ca tử vong giảm xuống dưới mức 2.500-3.000, tức là tạo một đáy mới thấp hơn đáy đầu tiên (khoảng 4.000), có thể khẳng định dịch bệnh đã không còn quá nguy hiểm, virus đã suy yếu, dù số ca nhiễm tiếp tục tăng (càng tốt). Chúng ta có thể hy vọng mức lây nhiễm 400.000/ngày là một mức kháng cự siêu mạnh, kết hợp với phân kỳ RSI, đủ để MA đảo chiều, đây sẽ chính là đỉnh của dịch bệnh. Sau mốc này, cả số ca lây nhiễm lẫn tử vong đều cắm đầu đi xuống như núi đổ cho tới khi hết dịch.

Ở kịch bản thứ 2, số tử vong không giảm mà đi ngang trong những ngày tới, điều này có nghĩa là mức tử vong hiện tại sẽ trở thành đáy mới, và từ đây nó sẽ vọt lên đỉnh cao hơn, số ca nhiễm phá mốc kháng cự 400.000, và cả nhân loại sẽ phải chờ tới năm sau để mò đỉnh again.

Bất kể kịch bản nào, những tháng tới là thời gian cực kỳ nhạy cảm, bản lề của cuộc chiến đặc biệt là khi trời chuyển lạnh ở Bắc Bán Cầu, nhân loại có thể thắng cuộc chiến trong năm nay không, hay kéo dài thêm một (vài) năm nữa, đều phụ thuộc vào quãng thời gian quan trọng ấy.

Trong những cuộc chiến tranh thế giới trước, để chiến thắng, chúng ta buộc phải giết người, nhưng trong cuộc chiến này thì khác, những anh hùng là những người đang cố gắng cứu được thật nhiều mạng sống. Quốc gia chiến thắng sẽ không chiếm đóng ai, mà ngược lại, cấm người từ các quốc gia bại trận bước chân vào lãnh thổ của mình. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu phố là một pháo đài, mỗi tỉnh thành là một chiến trường, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới là nhiệm vụ cao nhất của mỗi công dân.

Nửa thế kỷ trước, với cây súng trên tay và trong hoàn cảnh bị bao vây cấm vận ngặt nghèo, chúng ta vẫn đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội một cách vô cùng xuất sắc, thì chẳng có lý do gì mà ở vị thế quốc gia ngày nay, chiếc khẩu trang trên mõm ngăn được chúng ta đạt thắng lợi kép trong cả chống dịch và tăng trưởng kinh tế, chống suy thoái, cải thiện đời sống của nhân dân lên tầm cao mới.

Nước rửa tay trong túi, và Đảng trong tim, cả dân tộc quyết tâm chiến thắng đại dịch, một lần nữa ghi danh Việt Nam vào lịch sử như một biểu tượng của thế kỷ 21, soi chiếu cho nhân loại đi theo.

Quả là:

Ta lại tiếp những ngày khói - lửa,
Vũ khí là nước rửa, khẩu trang.
Đông qua, xuân tới, hạ sang,
Toàn dân đoàn kết, thì toang vào lon.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog