Chia sẻ

Tre Làng

Thủ tướng: Khẩn trương thu hồi, loại bỏ xe cũ nát

Thủ tướng yêu cầu một số TP lớn thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu các bộ, tỉnh, TP tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Đình chỉ ngay cơ sở gây ô nhiễm

Theo chỉ thị, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM,… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Người lái xe máy cũ vừa không đội mũ bảo hiểm vừa đẩy xe khác trên đường phố TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ tình hình trên, Thủ tướng chỉ thị từ nay đến giữa năm 2021, các cơ quan chức năng cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý. Qua đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí đảm bảo hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Cùng đó là khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng, miền trên phạm vi cả nước.

Thu hồi, loại bỏ xe cũ nát

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, TP có nguy cơ cao ô nhiễm không khí thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý; triển khai công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi, hoàn thành trước ngày 31-12-2021. 

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong TP. Đồng thời phát triển giao thông phi cơ giới; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân… 

Thủ tướng yêu cầu các TP trên thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường; tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, TP để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió. Cùng đó là thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, dải phân cách đường giao thông.

Cạnh đó, các địa phương phải đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cơ sở khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).

Kiểm soát các dự án có nguồn thải lớn

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải khẩn trương xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ này cần tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản… Cùng đó, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong hoạt động sản xuất. 

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, nhập khẩu, cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 6-2021. 

Lưu Đức

10 nhận xét:

  1. Mong rằng yêu cầu của thủ tướng sẽ được cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết. Việc thu hồi các loại phương tiện không còn đảm bảo tiêu chuẩn là rất cần thiết vì các phương tiện này đặc biệt gây nguy hại cho môi trường, đặc biệt gây khó chịu cho những người cùng tham gia giao thông, có thể còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ

    Trả lờiXóa
  2. Nói đến vấn đề giao thông thì bên cạnh việc thu hồi các xe này thì cũng phải quan tâm đến việc điều tiết giao thông, hạn chế việc ùn tắc, gây mất thời gian, mất trật tự! Mỗi người dân cũng hãy tự nâng cao cho mình về ý thức, để tham gia giao thông một cách văn minh mà không bị ảnh hưởng đến những người khác nữa

    Trả lờiXóa
  3. Vấn đề môi trường đang là vấn đề quan trọng không chỉ chúng ta mà ngay cả các nước lớn cũng đều quan tâm. Việc môi trường không ngừng bị phá hoại bởi các hoạt động kinh tế - xã hội đã gây ra sự biến đổi môi trường, thiên tai, dịch bênh.. Vậy nên các nước đang tập trung vào vấn đề bảo vệ và hạn chế làm ảnh hưởng đến môi trường

    Trả lờiXóa
  4. Đối với các công ty, các doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gây tác động ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải có sự theo dõi kiểm soát. Vượt quá mức qua định thì phải nghiêm túc xử lí, có thể nặng là đóng cơ sở đó và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hoặc có thể đặt xa trung tâm, xa khu đô thị nhiều người sinh sống tập trung

    Trả lờiXóa
  5. Năm 2020 quả thực là một năm đáng nhớ, với nhiều sự kiện đặc biệt là thiên tai , dịch bệnh. Qua đó con người cũng phải xem xét lại về vấn đề bảo vệ môi trường. Chỉ đạo của thủ tướng cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề môi trường, bời vì đây là một vấn đề cấp thiết với các nước trên thế giới

    Trả lờiXóa
  6. Bảo vệ môi trường chính là đảm bảo cho tương lai của chính chúng ta. Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngăn chặn không gây ảnh hưởng đối với môi trường hay hạn chế tối thiểu tác động đối với môi trường là quan trọng. Nên đặc các dự án, khu công nghiệp xa khu dân cư để bảo vệ sinh khỏe cộng đồng dân cư

    Trả lờiXóa
  7. Bảo vệ môi trường nói chung là công tác và trách nhiệm, nghĩa vụ của cả đất nước. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan; cùng với sự hợp tác, phối hợp của người dân cùng sự tự giác chấp hành những quy định của pháp luật về đảm bảo cho môi trường hạn chế tối thiểu sự ảnh hưởng qua các hoạt động sản xuất

    Trả lờiXóa
  8. Việc thu hồi các phương tiện quá cũ là điều hợp lí trong tình hình hiện nay xuất phát từ nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng và nguy cơ rất lớn gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường. Không chỉ các phương tiện giao thông mà còn các nguy cơ khác ảnh hưởng môi trường cũng phải sớm bị xử lí

    Trả lờiXóa
  9. hủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tác động, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí đến bệnh tật, sức khỏe cộng đồng và đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết tại các khu đô thị lớn, địa bàn tập trung nhiều nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí.Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc quan trắc các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế.
    Bộ Tài chính chủ trì rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
    Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

    Trả lờiXóa
  10. Rất đồng ý bởi , thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM,… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog