Chia sẻ

Tre Làng

Ủng hộ Sa Pa bảo vệ trẻ em

Bài trên VTC News: Sa Pa thống thiết kêu gọi không mua hàng rong trẻ em, dân mạng ủng hộ nhiệt liệt

Cộng đồng mạng đang chia sẻ clip Sa Pa kêu gọi du khách không cho tiền, mua hàng rong từ trẻ em, ủng hộ cách bảo vệ trẻ khỏi việc bị người lớn trục lợi này.

Trong clip đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội, một cán bộ trên chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), đang cầm loa đọc lời kêu gọi du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em nhằm bảo vệ các em này.

"Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tổ công tác chúng tôi kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu.

Như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em. Bởi những bà mẹ béo ù béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại, dù chỉ 1, 2, 3, 4 tuổi đầu nhưng đã bị ép đi ăn xin trong những ngày đông giá buốt, thời tiết Sa Pa hiện chỉ 3 độ C.

Mỗi chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc làm thực tế: Không cho tiền và không mua hàng. Con chim còn biết công mồi về bú mớm cho con, các bậc làm cha mẹ đang trục lợi trên chính ruột thịt, con cháu mình, đây là hành động bất lương" - cán bộ kêu gọi.

Trong một clip ngắn khác, một cán bộ cũng coi việc ép trẻ đi ăn xin, bán hàng rong “không khác gì hành vi của xã hội đen, chăn dắt các cháu. Chỉ khác đó là các bà mẹ béo trục béo tròn, lười lao động, thích tiêu tiền".

Giọng đọc truyền cảm của vị cán bộ và ngôn từ mạnh mẽ của bài kêu gọi gây ấn tượng mạnh cho cộng đồng mạng. Hàng trăm bình luận khen anh cán bộ đọc quá hay, quá xúc động, thống thiết, đi vào lòng người. Nhiều người góp ý nên thu âm bài kêu gọi rồi phát ra loa ở nhiều điểm công cộng để thông điệp đến được với nhiều người hơn và các cán bộ tuyên truyền đỡ vất vả.

Cô bé bế em còn “đỏ hỏn” đi xin tiền và bán hàng rong khiến nhiều du khách xót xa, thương cảm. (Ảnh: Tiền Phong)

Nhiều độc giả tâm đắc trích dẫn lại câu chỉ trích gay gắt nhắm vào cha mẹ những đứa trẻ bị ép ăn xin, chèo kéo bán hàng cho du khách: “Những bà mẹ béo ù béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại…”. Hình ảnh gây phẫn nộ này góp phần khiến cư dân mạng ủng hộ việc tuyên truyền để du khách không tiếp tay cho những kẻ bất lương bóc lột trẻ em. Họ cho rằng nhiều địa phương khác cũng nên học cách làm này.

Quang Đặng: Hoan nghênh cách làm của Sa Pa, mong các điểm du lịch trên toàn quốc nếu có hiện tượng này hãy học và làm theo cách của Sapa. Và các cấp, các ngành liên quan trên từng địa phương không bảo kê và phải xử lý triệt để tình trạng này để bảo vệ quyền trẻ em.

Nguyên Linh: Ủng hộ chính quyền Sa Pa. Kêu gọi chia sẻ mạnh mẽ tới cộng đồng. Mỗi lần lên nhìn bọn nhóc bé tí 1-2 tuổi ngủ dặt dẹo trên đứa chị đứa anh mới dăm bảy tuổi, 12h đêm còn không được về ngủ mà thấy xót ruột

Khánh: Ở Hà Nội cũng nên để loa phát thanh ở mấy ngã tư lớn tuyên truyền cái này.

Huyền: Hay quá, tôi nghĩ không chỉ Sa Pa mới có kiểu bóc lột trẻ em như thế. Nhiều địa phương khác cũng nên làm cách này.

Không ít người dùng mạng xã hội kể lại kỷ niệm không đẹp liên quan đến vấn nạn trẻ em bị ép ăn xin, quấy rầy du khách để xin tiền hoặc bán hàng ở Sa Pa. Đậu Đậu chia sẻ: “Mình từng gặp chuyện này. Mình chụp ảnh với các bé, cho các bé tiền. Nhưng khi cho tiền, các bé chen chúc nhau, gào khóc chen lấn, mỗi lúc một đông, có khi đến 40 đứa bé. Mình có thể cho tất cả các bé, nhưng các bé chen lấn xô đẩy. Mình bỏ đi, các bé đi theo và chửi mình bằng tiếng dân tộc, mà mình cũng cho cả triệu đồng rồi”.

“Em tối nay ở Sa Pa cũng gặp, mua hộ một cháu, một đoàn xúm vào, em lại mua lần lượt. Nhưng có cô bé thái độ không tốt nên em nhất quyết không mua. Nó khóc và dúi đồ cho em, không nhận lại. Sau nhiều lần không được, nó đấm em một cái vào sườn rồi bỏ đi”, Nguyễn Đăng Quang viết.

Linh Hà kể: “Nhìn các em nhỏ trên đó thương lắm. Có lần mình có hỏi bác tài là sao nhiều cháu nhỏ phải đi bán hàng. Bác nói là do bố mẹ chúng ép buộc. Bố mẹ chúng ngồi trong kia kìa, nếu bọn trẻ không ra bán sẽ bị đánh”.

Mặc dù ủng hộ lời kêu gọi của Sa Pa, một số người cũng bày tỏ sự lo lắng rằng nếu du khách không cho tiền hoặc mua hàng rong, những đứa trẻ sẽ khổ. Họ băn khoăn: “Không kiếm được tiền, chúng sẽ bị bố mẹ hoặc người chăn dắt hành hạ”, “Nhiều đứa chắc cũng con nhà nghèo, không giúp thì sợ chúng đói rét”…

Tuy nhiên, rất nhiều cư dân mạng đã phản hồi lại rằng nếu còn mềm lòng kiểu này, tình trạng trục lợi, bóc lột trẻ em sẽ không thể kết thúc. Chính quyền và cộng đồng có những cách khác để giúp trẻ em nghèo.

“Mua thì bọn trẻ sẽ càng bị ép đi bán, đi xin tiếp”, “Nếu bán được, bố mẹ các em càng không cho đi học mà bắt đi kiếm tiền, nghĩa là càng cho các em càng khổ”, “Du khách thấy thương cứ cho nhiều, tự nhiên họ thấy không làm cũng có ăn nên lôi con ra đường bắt ăn xin, bắt quấy rầy khách để bán hàng thôi”… là các bình luận phổ biến.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

MINH NHẬT

10 nhận xét:

  1. Hoan nghênh cách làm của Sa Pa, mong các điểm du lịch trên toàn quốc nếu có hiện tượng này hãy học và làm theo cách của Sapa. Và các cấp, các ngành liên quan trên từng địa phương không bảo kê và phải xử lý triệt để tình trạng này để bảo vệ quyền trẻ em.

    Trả lờiXóa
  2. Ủng hộ chính quyền Sa Pa. Kêu gọi chia sẻ mạnh mẽ tới cộng đồng. Mỗi lần lên nhìn bọn nhóc bé tí 1-2 tuổi ngủ dặt dẹo trên đứa chị đứa anh mới dăm bảy tuổi, 12h đêm còn không được về ngủ mà thấy xót ruột. Ở Hà Nội cũng nên để loa phát thanh ở mấy ngã tư lớn tuyên truyền cái này.

    Trả lờiXóa
  3. Ủng hộ chính quyền Sapa trong việc thực hiện cái lời kêu gọi này. Hi vọng nó sẽ được lan tỏa tới nhiều người để kêu gọi được sự đồng tình ủng hộ của những du khác tới thăm nơi đây. trong cái rét buốt bốn mùa ở Sapa không lạ khi chứng kiến cảnh những em bé theo mẹ tới những nơi đồng người, rồi trở thành công cụ kiếm tiền cho chính cha mẹ mình

    Trả lờiXóa
  4. Việc này đáng nhẽ nên được đưa ra thực hiện sớm hơn. Du khách cũng nên biết dành "tình thương" một cách tỉnh táo hơn thay là cứ đưa bừa tình của mình cho những đứa trẻ mà chính chúng nó cũng chỉ là phương tiện bị lợi dụng để kiếm tiền mà thôi. Đằng sau đó không ai khác chính là những bậc làm cha, làm mẹ của các em, những người không biết thương xót và nghĩ cho tương lai của con cái mình

    Trả lờiXóa
  5. Hoan nghênh tinh thần kịp thời cứng rắn đó của chính quyền Sapa khi đã ra sức khuyến cáo để bảo vệ trẻ em khỏi những đối tượng đang ngày đêm trục lợi, sử dụng trẻ em đáng thương để lừa gạt những du khách du lịch để xin tiền. Như thế sẽ tạo cho trẻ một thói quen xấu, một tật hư khi mà chỉ biết đi xin ăn, không chịu làm việc lao động. Những hành động này rất đúng theo tinh thần của Bộ LĐ-TB&XH khi nói về quyền trẻ em. rất mong các địa phương khác, đặc biệt là các nơi mà còn nghèo, dân trí thấp, hãy sát sao để bảo vệ chính trẻ em của mình.

    Trả lờiXóa
  6. Nhu cầu từ thiện và lòng tốt ở mỗi con người là luôn có. Lợi dụng điều đó, các đối tượng đã "ra sức" lợi dụng trẻ em, có thể chính là con cháu mình, hay là tìm kiếm ở những bản làng nông thôn kém hiểu biết sau đó lợi dụng biến chúng trở thành công cụ kiếm tiền của mình. Vậy nên là chúng ta cần thay đổi thói quen mua hàng, cho tiền trẻ em vì thực chất đó không phải là giúp đỡ các em

    Trả lờiXóa
  7. Thực ra những người cho tiền hay mua hàng cho những em bé này thì thực tâm họ cũng là không thể kìm lòng khi chứng kiến cái vẻ tội nghiệp và thiếu thốn của các em, nhất là trong thời tiết vồ cùng lạnh lẽo ở Sa Pa. Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ các em lại lấy cái đó ra , lợi dụng điều đó biến các em trở thành phương tiện kiếm tiền cho gia đình

    Trả lờiXóa
  8. Hoanh nghênh những chỉ đạo này của chính quyền và lãnh đạo của thị trấn Sapa, hi vọng những chính quyền có những địa điểm du lịch thu hút những khách du lịch khác cũng nhanh chóng có sự chỉ đạo này để kị[ thời lan tỏa điều này tới những người dân hay du khách khác. Để họ không còn vô tình "hại " các em nhỏ bằng lòng tốt của mình

    Trả lờiXóa
  9. Rõ ràng là chúng ta tưởng tượng nếu như các em bán được một món hàng thì có thể ngày hôm đó bữa cơm của các em sẽ trọn vẹn hơn, có rau có thịt hơn; vậy nhưng thực trạng lại hoàn toàn ngược lại. CÓ thể đồng tiền đó không hề được dùng cho các em, còn vô tình khiến cho những người đứng sau các em hiểu theo nghĩa: Các em chính là công cụ kiếm tiền có ích nên tiếp tục sẽ lợi dụng những em nhỏ đó

    Trả lờiXóa
  10. Thương thì thương thật nhưng mỗi lần bắt gặp trẻ em đi bán hàng hay xin tiền đều ngoảnh mặt làm ngơ hay từ chối. Có cho thì cũng chỉ mua đồ ăn cho trực tiếp các em . Chứ nếu cứ cho và để các bậc phụ huynh của các em càng nuôi thêm cái hi vọng kiếm tiền thông qua các em thì thực sự chẳng biết bao giờ mới thôi cái cảnh 1 2 giờ đêm vẫn đi xin ăn và chẳng được đi học

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog