Chia sẻ

Tre Làng

Có những mùa xuân như thế


Có những mùa xuân như thế

Tổ quốc muôn đời đẹp nhất mùa xuân! Và tổ quốc cũng thật gần khi xuân sang rợp trời hoa nở. Trong khoảnh khắc giao thời, tình yêu tổ quốc trong tim mỗi con người bỗng thiêng liêng hơn bao giờ hết. Nắng xuân chan hòa lên những cánh hoàng mai, từng dòng người hân hoan đi trong không khí tưng bừng của cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Tôi chợt nghe vang vọng trong tim mình từng giai điệu thân quen, giai điệu đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi một người con dân Việt Nam, dù đang sống trên quê hương, trên đất nước mình hay là đang xa xứ: “ Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...” (*).

Và trong lớp lớp người đi năm xưa ấy, có những người được trở vể, có những người để lại một phần thân thể nơi chiến trường nhưng cũng có những người đã ra đi mãi mãi. Bất giác tôi chợt nghĩ đến bà tôi, một “ Bà Mẹ Việt Nam” trong rất nhiều những bà mẹ khác đã chịu bao mất mát hy sinh trong thầm lặng. Năm nào cũng thế, khi con sông trước nhà tấp nập xuồng ghe, tiếng bạn hàng gọi nhau í ới khi trời còn chưa sáng tỏ, thì góc mai ở bàn thiên cũng chi chít đầy những nụ mới. Sắp đến tết là sắp đến ngày giỗ của ông nội và bác tôi. Ông hy sinh vào mùa xuân năm Mậu Thân 1968 còn bác tôi cũng hy sinh vào đúng mùa xuân lịch sử, mùa xuân đại thắng năm 1975 thống nhất đất nước. Khi ấy, bác tôi mới vừa bước qua tuổi hai mươi hai tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu tuổi trẻ. Vậy mà mùa xuân năm đó, bà tôi đặt thêm một bức hình lên cạnh di ảnh ông lên bàn thờ. Mùa xuân năm đó, có một người con gái lỗi hẹn cùng với chiếc thuyền hoa đưa cô dâu về bến mới.

Cứ đến ngày ba mươi tết, là bà tôi thắp nén nhang trầm lên bàn thờ, rồi lần lượt lau từng bức ảnh đã ố vàng theo năm tháng. Tay và vai bà run run, có lẽ vì bà nay đã tuổi già sức yếu mà cũng có lẽ vì bà xúc động như đang chạm vào vùng ký ức xa xưa. Chồng và con, người cùng bà kết nghĩa trăm năm và người mà bà mang nặng đẻ đau, một mình vượt cạn khi chồng còn đang ngoài tuyến đầu chống giặc, đều đã hy sinh cho tổ quốc. Khi ông mất, một thời gian sau bà mới hay tin, còn bác tôi thì bà vẫn nhớ như in cái ngày bác mất. Bà kể năm đó, bà và các bà, các mẹ đang gói bánh tét để tiếp ứng lương thực và gửi chút "hương tết" cho các chiến sĩ xa nhà thì hay tin “thằng hai” hy sinh. Buông thúng lá trên tay, bà chèo xuồng băng băng trong đêm lên ngã ba sông mặc kệ đám lau sậy cứa vào mặt, vào người đau nhói, nhưng bị các chiến sĩ đồng đội của con chặn lại vì tình hình đang còn căng thẳng quá sợ giặc phát hiện. Đồng đội của bác kể lại, bác hy sinh trong một trận phục kích quân địch. Ngã ba sông cách nhà không xa lắm nên đêm đó bác tôi định ghé ngang về thăm và thưa với mẹ một chuyện quan trọng trước khi về đơn vị tiếp tục chiến dịch dài ngày. Bà hay nghẹn lại khi kể đến đó làm nước mắt tôi cũng rưng rưng. Tôi hay tưởng tượng nếu không hy sinh, chắc là bác tôi sẽ về ôm chầm lấy mẹ, rồi bà sẽ vuốt tóc và ôm đứa con trai mà bà nghĩ nó vẫn còn bé bỏng vào lòng trong đêm giao thừa khói hương trầm thoang thoảng.

Cuối cùng thì bác tôi cũng được đưa về chôn cất gần nhà. Bà tôi vẫn nén đau thương tiếp tục làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Sát cánh cùng bà và các chiến sĩ còn có các cô gái thanh niên xung phong, trong đó có một cô vẫn gọi bà là “má”. Mãi đến năm 2010 khi xã quy hoạch xây dựng nghĩa trang liệt sỹ thì bác tôi mới được bốc mộ đưa về nơi an nghỉ cùng đồng đội. Có một chuyện mà ai có mặt hôm ấy đều không khỏi rơi nước mắt đó là ngoài những xương cốt còn lại của bác còn tìm thấy một cái bóp da. Trong bóp mọi thứ hình như đã cũ nát duy chỉ có tấm ảnh của một người con gái vẫn vẹn nguyên nụ cười tuổi đôi mươi trong sáng. Bà bàng hoàng trong giây phút rồi nhận ra cô gái ngày xưa, bà khẽ gọi hai tiếng “Bé ba!” trong niềm thương cảm.

Mùa xuân sau ba mươi lăm năm, có hai người phụ nữ cùng đứng trước và đặt một cành mai lên một phần mộ trong nghĩa trang, sau khi anh em tôi lần hỏi thăm tin tức nhiều nơi mới tìm được cô ấy. “Bé ba” ngày xưa với nụ cười mà anh em tôi lần đầu gặp đã nhận ra người trong bức ảnh, vẫn ở vậy không lấy chồng, cô đang công tác trong một cơ sở thiện nguyện. Cô ấy xin bà tôi cho gọi bằng tiếng “má” và xin được thường xuyên tới lui để tiện bề chăm sóc. Dù chưa chính thức nhưng trong lòng cô ấy thì bà tôi đã là mẹ chồng, nếu như mùa xuân ấy bác tôi không hy sinh, thì với sự thủy chung và bao dung, chắc bây giờ cô ấy cũng là một người mẹ tuyệt vời của những người con ưu tú.

Tôi còn nhớ mấy câu thơ đã đọc từ rất lâu rồi: “Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng. Là bác học... hay là ai đi nữa. Vẫn là con của một người phụ nữ. Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên” (**). Đối với tôi, đằng sau những chiến tích oai hùng hiển hách của ông và bác tôi là một sự hy sinh vô cùng lớn lao của bà, một người mẹ trong biết bao người mẹ đã chịu nhiều tổn thương và sinh ra, nuôi lớn những anh hùng dân tộc để gìn giữ tổ quốc non sông này giàu đẹp. Mẹ hay là tổ quốc thiêng liêng? Tổ quốc hay là mẹ cần lao, luôn bao dung chở che cho hết thảy? Trong giây phút đêm giao thừa năm mới, nhìn ánh mắt bà xa xăm theo đừng lọn khói nhang trầm, mới hay cả tổ quốc chỉ thu nhỏ bằng trái tim một người mẹ. Mẹ là mùa xuân tổ quốc, mẹ là khởi nguồn của tất cả yêu thương và tự hào của đất nước hôm nay.

Hoàng Như Phúc.
(*): Lời bài hát Tiến Quân Ca ( Quốc Ca Việt Nam) của cố nhạc sĩ Văn Cao.
(**): Trích bài: “Thơ Vui Về Phái Yếu” của nhà thơ Xuân Quỳnh.
(Ảnh sưu tầm)

4 nhận xét:

  1. Dân tộc ta, Nhân dân ta đã sản sinh ra bao bà mẹ, bao cô gái Anh hùng đã nâng bước cho lớp lớp trai tráng đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để ra mặt trận để quyết giành Độc lập, Tự do cho Đất nước, Hạnh phúc cho Đồng bào. Chúng ta được sống trong thời đại đất nước thanh bình, non sông liền một dải phải luôn ghi nhớ công ơn của các Anh hùng, Liệt sỹ đã cống hiến máu xương của mình cho Độc lập, Tự do của Đất nước, của Dân tộc; ghi ơn sự hy sinh thầm lặng của những bà Mẹ, những cô gái để có được Chiến thắng ngày hôm nay. Những kẻ nào có ý định bám gót ngoại bang để phản bội lại Đất nước, phản bội lại Dân tộc Việt Nam thì cần phải thẳng tay trừng trị.

    Trả lờiXóa
  2. Vậy là đất nước Việt Nam ta đã gắn liền với những mùa Xuân: Đất nước tạo lập vào Xuân. Và đã trải qua sự nghiệp giữ nước vào những mùa Xuân chiến đấu và chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm của ông cha ta; Đến thời đại Hồ Chí Minh “dân tộc ta” đã làm được điều như Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

    Trả lờiXóa
  3. Trong im lặng của buổi chiều, tôi nghe tim mình tan chảy từng khoảng lặng vô bờ. Những mùa Xuân trong vắt cứ thế qua vai rồi ngưng giữa lưng chừng kỷ niệm. Tựa một miền sương trong đang bủa vây lấy một trái tim đa mang phận người.

    Trả lờiXóa
  4. Mùa Xuân về nơi này, mọi thứ tươi non và trong vắt. Như một bầu trời biển đầy sao. Như dòng sông bình yên trong phố vẫn bao đời chảy mãi. Tôi có đôi lần tha thẩn cùng sông. Nhìn sự vô vi của đời người, ngẫm lại thấy mọi thứ trên đời không có gì tồn tại vĩnh viễn. Buổi chiều gió cuốn những chiếc lá vàng khô cong giòn vì nắng. Nghe cảm giác buốt rốp đầu lưỡi khi tưởng tượng ra cuộc hội ngộ của lá vàng và mặt đất.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog