Chia sẻ

Tre Làng

Sẽ đưa thêm quy định mới để ngăn chặn tình trạng 'báo hóa mạng xã hội'

Bộ TT&TT đề xuất nhiều giải pháp để quản lý hoạt động của các mạng xã hội, nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” mạng xã hội đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Sẽ đo kiểm lượng người truy cập mạng xã hội

Một mạng xã hội Việt Nam thu hút người dùng (Ảnh: Trọng Đạt)

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng) cùng Nghị định 27 năm 2018 (về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72), Bộ TT&TT nêu nhiều giải pháp để quản lý cấp phép cũng như hoạt động của các mạng xã hội.

Theo đó, với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép), khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định.

Các mạng xã hội đã thông báo sẽ phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập (UV-Unique visitor) thường xuyên của trang.

Khi mạng xã hội trong nước đạt mốc trên 10.000 người truy cập thường xuyên/tháng, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin cấp phép. Bởi theo lý giải, với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội. Bộ TT&TT sẽ thông báo cho các doanh nghiệp có mạng xã hội đạt mốc phải cấp phép.

Cơ quan quản lý gia tăng các điều kiện cấp phép để phương thức quản lý tiền kiểm được chặt chẽ hơn và mang tính thực tế cao hơn. Tương tự, các mạng xã hội của nước ngoài phải thực hiện thủ tục thông báo/xác nhận thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước khi cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam đạt mốc như nêu trên.

Hạn chế tình trạng báo hóa mạng xã hội

Tình trạng báo hóa mạng xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. (Ảnh: Luatvietnam)

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ TT&TT đề xuất một số quy định mới. Theo đó, chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không chỉ được xem tin, bài.

Tên dịch vụ dịch vụ mạng xã hội phải ngay sát bên dưới tên trang (nếu có), có cỡ chữ bằng 1/2 cỡ chữ tên trang. Thông tin thành viên đăng tải theo thời gian thực, không sắp xếp thành các chuyên mục.

Chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mạng xã hội mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức hay cung cấp dịch vụ phát trực tuyến livestream.

Trường hợp trên mạng xã hội đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh: Tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.

Các mạng xã hội đa dịch vụ sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ, nội dung chuyên ngành vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động/tạm đình chỉ tên miền của toàn bộ nền tảng mạng xã hội đa dịch vụ cho đến khi mạng xã hội thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Ngoài ra, các mạng xã hội trong nước sẽ phải có trách nhiệm tạm khóa/xóa các nội dung trong vòng 24h bị khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu.

Phải có bộ lọc để chặn lọc sơ bộ trước những nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật do người dùng đăng tải trên mạng xã hội và không cho phép thành viên lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động báo chí.

Người dùng tài khoản mạng xã hội phải tuân thủ nhiều quy định

Bộ TT&TT cũng đề xuất bổ sung quy định quản lý đối với người dùng mạng xã hội. Cụ thể như: Các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.

Các chủ kênh/ tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng).

Người dùng mạng xã hội có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên kênh, tài khoản mạng xã hội của mình, ngay khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc cơ quan quản lý.

Các mạng xã hội chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TT&TT mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Duy Vũ

4 nhận xét:

  1. Đúng là một định hướng đúng, tránh tình trạng báo hóa trên mạng xã hội. Hãy để mạng xã hội trở về đúng nghĩa, đúng giới hạn của mạng xã hội. Chứ bây giờ tràn lan tin tức, thật giả lẫn lộn, thậm chí nhiều người còn lợi dụng mạng xã hội để tung tin giả, câu like, câu view, bôi nhọ người khác nữa,...

    Trả lờiXóa
  2. Mạng xã hội rất tốt cho quá trình tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, là nơi mọi người kết nối lại với nhau. Tuy nhiên cũng là nơi các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chống phá, xuyên tạc sai sự thật, hay các trang báo điện tử cũng đưa thông tin chưa đúng sự thật, đưa nội dung lên quá mức gây ảnh hưởng đến đọc giả. Cho nên, trong công tác quản lý về nội dung hay công tác sử dụng đăng tin bài viết trên mạng xã hội cần phải có kế hoạch, có chính sách quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt phải có định hướng cụ thể trong việc định hướng dư luận xã hội!

    Trả lờiXóa
  3. Mạng xã hội từ trước đến nay được biết đến là một công cụ liên lạc, kết nối nhưng dường như với nhiều chức năng thông tin, độ phủ sóng rộng mà đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để đăng tải thông tin sai sự thật, kích động dư luận

    Trả lờiXóa
  4. Đây là sẽ một quy định giúp cho mạng xã hội bớt đi tình trạng tuyên truyền thông tin giả, tin sai sự thật đặc biệt là mấy trang mxh của các giới nghệ sĩ, bán hàng online thực phẩm chức năng/thuốc chữa bệnh linh tinh, rồi mấy mợ mấy mụ nói chuyện chém chả kích động mong quy định này sẽ sớm có hiệu lực đối với thực trạng mạng xã hội như hiện nay.


    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog