Chia sẻ

Tre Làng

Những chuyến hồi hương vội vã


San sẻ thức ăn mùa dịch, chuyện rời Sài Gòn về quê và cảm xúc khi thành phố giãn cách kéo dài là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.


Tạm xa Sài Gòn

Ba hôm trước, Tiến - cậu em sửa xe ở cùng dãy trọ của tôi - lúi húi gom vội mấy bộ đồ cho vào cái túi vải, thông báo với mọi người là sẽ về quê Thừa Thiên - Huế để tránh dịch.

Em kể tiền vé hết 3 triệu đồng, mặt vẫn hằn lên sự chua chát.

Để đi đến quyết định này, Tiến đã có khoảng hai tuần đóng cửa tiệm, ăn uống thất thường, phần lớn là mì gói và cứ ngồi sầu não nhìn ra đường.

Những ngày qua, tôi biết đã có rất nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh như Tiến. Họ vốn đến Sài Gòn, bám trụ cùng mảnh đất hứa với nhiều những cơ hội để mưu sinh, tăng thu nhập. Nhưng giờ Sài Gòn lâm bệnh nặng, không còn chở che được cho những phận người xa quê.

Đoàn người đi bộ về Quảng Ngãi, cụ bà đi bộ về Nghệ An, người đàn ông đi bộ về Cà Mau..., thậm chí có những em bé chỉ mới chào đời chục ngày cũng cùng cha mẹ hồi hương trên chiếc xe máy vượt nghìn km.

Sẽ không biết còn bao nhiêu cuộc “tháo chạy” khỏi Sài Gòn xót xa như thế nữa, cho tới khi thành phố này khỏe mạnh trở lại.

Chỉ biết động viên nhau mỗi người cố gắng một chút, về quê nghỉ ngơi để Sài Gòn dưỡng bệnh. Rồi Sài Gòn sẽ lại dang vòng tay đón mọi người trở lại như bao năm vẫn thế, nghen!

- Bình Yên


Sài Gòn lặng im

Sài Gòn với tui là một thành phố của tổ hợp âm thanh, ánh sáng đa sắc màu. 4 năm sinh viên của tui đi nhanh như một cơn gió với những ồn ào, náo nhiệt của thú vui đô thị.

Nhà tui trong hẻm nhỏ, mỗi ngày không ngớt những tiếng rao buổi chiều. Nào là bánh mì bơ sữa đặc biệt thơm bơ 3 nghìn 1 ổ, keo dính chuột không độc hại với môi trường hay 3 áo thun nam 100 nghìn đều có đủ.

Chưa kể còn tiếng mời quen thuộc "mua giùm bà tờ vé số chiều sổ đi con”, tiếng gọi của mấy chị hàng nước đon đả “ủng hộ chị chai nước khoáng nha!” mỗi khi tui ra công viên Lê Văn Tám chơi với đám bạn chiều chủ nhật.

Vậy mà giờ đây Sài Gòn im lặng dị đó. Thay vì nghe âm thanh giữa người và người thân tình với nhau, thay vì nghe âm thanh của tiếng xe cộ chạy từ 4h sáng đến 2h khuya thì sau 18h, cả thành phố đã chìm vào sự yên lặng.

Sài Gòn của tui giờ đây không còn được xách xe máy đổ đầy bình rồi chạy vài vòng cho hết buồn nữa, không còn í ới đám bạn đi xem suất phim cuối cùng, không còn được ngồi thủ thỉ đến 2h sáng ở cầu Sài Gòn với người mình thương nữa.

Nhưng mà tui chỉ buồn chút thôi. Vì tui tin Sài Gòn sẽ sớm khoẻ. Im lặng để nghỉ ngơi một xíu rồi sẽ dậy "chơi" với mọi người. Thành phố sẽ lại lên đèn xanh đỏ tím vàng với đủ âm thanh xôn xao ở từng con hẻm.

- Nhật Hoàng


"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

Kể từ khi Sài Gòn hạn chế đi lại, tui cũng cố thủ trong căn chung cư với người bạn cùng phòng, lâu lâu chỉ ló mặt xuống để lấy hàng online.

Một buổi sáng, cả hai đứa còn đang ngủ vì bận chạy deadline tới khuya thì có tiếng gõ đùng đùng ngoài cửa. Tôi thầm nghĩ chung cư này đâu có đòi tiền rác theo tháng như chung cư cũ đâu nhỉ?

Nhỏ bạn tôi hé cửa ra xem, hóa ra một chị hàng xóm lạ hoắc đứng trước cửa với vẻ mặt nghiêm trọng và tác phong hối hả lắm. Tay chị xách tầm một chục bó hành đã được chia nhỏ, buộc lại gọn gàng. Chị vội đưa bịch hành qua lớp cửa sắt rồi lại tất tả sang nhà khác, tiếp tục gõ cửa với sự khẩn trương, gọi đến khi người trong nhà ra mở mới thôi.

Một lần khác, chú quản lý chung cư í ới tên 2 đứa từ bên ngoài hành lang: “Vân với Thanh đâu, ra đây nhanh lên". Tụi tui đang ngồi, bỗng giật mình tưởng có chuyện gì quan trọng của chung cư cần thông báo gấp.

Hóa ra chú bảo: “Chú cho hai đứa trái chanh này, cô Lan hàng xóm mới đặt một túi chanh 2 kg trên Đà Lạt, đem đi phát cho mỗi nhà tầng 14 một trái. Mà chú có rồi, thấy hai đứa cứ đóng cửa ở kín trong nhà mấy bữa nay nên chắc cần. Cứ lấy nhá!”

Mùa này, rau củ hiếm hoi, ai trữ “vàng xanh" trong nhà giàu lắm, vậy mà không thân không thiết lại đi phân phát "vàng". Người Sài Gòn tính ngộ ghê!

- Hứa Vân

2 nhận xét:

  1. Tạm xa sài gòn, những chuyến hồi hương có tổ chức là điều đúng đắn và cần thiết mà ủy ban nhân dân tp HCM đã chủ trương thực hiện nhằm tránh việc người dân tự ý bỏ về quê làm tình hình dịch bệnh không kiểm soát được. Sài gòn thực hiện tốt chỉ thị 16 của chính phủ, hi vọng sài gòn sớm vượt qua covid. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, ấm áp tình người trong mùa dịch

    Trả lờiXóa
  2. Như vậy,khi trong hoàn cảnh khó khăn đại dịch covid thì ta mới thấy trân trọng cuộc sống,trân trọng những gì của ngày trước khi dịch covid 19 xảy ra,nói như vậy sống trong một đất nước hòa bình ổn định như Việt Nam là điều hiếm có trên thế giới ít có nước nào được như vậy,mỗi người cần trân trọng cuộc sống ngày hôm nay,chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và nhà nước.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog