Chia sẻ

Tre Làng

Làm rõ "biện pháp vũ trang" cảnh sát cơ động được thực hiện


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Phiên họp sáng 15/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mở đầu phiên họp thứ 8, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2021) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ hai có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định “biện pháp vũ trang” và sự cần thiết quy định điều này.

Thường trực Ủy ban cho rằng, “biện pháp vũ trang” là một trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Điều 15 Luật An ninh quốc gia và đã được quy định tại khoản 14 Điều 16 (Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân) Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Công an nhân dân cũng đã quy định cụ thể các đối tượng phục vụ trong Công an nhân dân. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ điều này.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tại các luật nói trên chưa có quy định cụ thể về biện pháp vũ trang và các văn bản dưới luật cũng chưa thấy quy định thế nào là biện pháp vũ trang.

Trong khi cành sát cơ động là nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, dự thảo luật có 5 lần xuất hiện "biện pháp vũ trang", nhưng nội hàm lại không rõ, mà chắc chắn khi áp dụng biện pháp này thì liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nên cần quy định rõ để cảnh sát cơ động yên tâm thực hiện nhiệm vụ, tránh lạm dụng quyền hạn, ông Tùng góp ý.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhận xét, biện pháp vũ trang là gì thì chưa ai nói cả, sử dụng biện pháp này của cảnh sát cơ động như thế nào thì lại càng chưa nói. Theo Phó chủ tịch, với cảnh sát cơ động, biện pháp vũ trang là biện pháp đặc biệt, vì đây là lực lượng tinh nhuệ nên cần nói cho rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên có giải thích từ ngữ đầy đủ để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Những gì đã có quy định nhưng mới là nguyên tắc thì nên cụ thể hoá trong luật này cho dễ thực hiện, để luật ban hành là thực hiện được ngay, ông Huệ yêu cầu.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không giải thích "biện pháp vũ trang" là gì mà chỉ nhấn mạnh, cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chủ yếu thực hiện biện pháp vũ trang là rất đúng, công an có nhiều lực lượng, nhưng thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu là ở lực lượng này.

Điều hành thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm, cần thiết tổ chức xin ý kiến chuyên gia nhà khoa học, hội thảo riêng về khái niệm này để quy định cho chính xác, ông Phương đề nghị.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, thảo luận tại kỳ họp thứ hai, một số ý kiến đại biểu cho rằng, quyền hạn của lực lượng này quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo luật mới nhất đã chỉnh lý quy định về nhiệm vụ quyền hạn của cảnh sát cơ động, nhưng không làm thay đổi chính sách lớn đã trình Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn băn khoăn về quy định cảnh sát cơ động được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố, theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Trường hợp vào trụ sở của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cần quy định rõ hơn để tránh lạm quyền, trong đó có quy định cảnh sát cơ động được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, Phó chủ tịch Trần Quang Phương yêu cầu.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án Luật Cảnh sát cơ động sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp gần nhất.

6 nhận xét:

  1. Dự án Luật CSCĐ là một dự án luật lớn, quan trọng của ngành công an, Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, với nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động. Dự thảo Luật quy định các nhóm nhiệm vụ cơ bản và quyền hạn của Cảnh sát cơ động; bổ sung, làm rõ các quy định liên quan hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều chỉnh, làm rõ quy định về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Dó đó việc bàn bạc thảo luận đánh giá cụ thể là việc làm phải bàn bạc kĩ khi quốc hội bấm nút thông qua. Do đó về nội hàm, nghĩa của các từ phải rõ và sáng để khi thực hiện không bị chồng ché trách nhiệm và không lạm quyền

    Trả lờiXóa
  2. Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động được xác định là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cần xác định rõ Cảnh sát cơ động là lực lượng “nòng cốt”, “chuyên trách” hay “đặc thù”, một mặt cần bảo đảm phản ánh đúng vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân.

    Trả lờiXóa
  3. trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, ban hành Luật Cảnh sát cơ động cho phù hợp thực tiễn cuộc sống hiện nay

    Trả lờiXóa
  4. Công an nhân dân (trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động) là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và sự bình yên của nhân dân, cho nên khi thực thi nhiệm vụ không thể tránh được việc có thể đụng chạm tới các quyền và lợi ích cơ bản của công dân. Nếu được quy định đầy đủ những quy phạm pháp luật ở tầm văn bản luật thì sẽ giúp cho lực lượng Cảnh sát Cơ động có thể sử dụng các quy định của luật đó để thực thi pháp luật đúng luật nhất, vừa đảm bảo được vấn đề bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân nhưng vẫn có thể bị trấn áp được những hành vi vi phạm pháp luật mà không vi phạm đến các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.

    Trả lờiXóa
  5. Đồng tình, nên làm rõ để dễ áp dụng và áp dụng đúng. Tội phạm ngày càng liều lĩnh nên hi vọng có hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng sử dụng vũ khí để trấn áp nhanh chóng tội phạm Luật càng có hướng dân và quy định cụ thể thì càng chặt chẽ và áp dụng càng dễ dàng!


    Trả lờiXóa
  6. Luật pháp phải quy định rõ ràng để bảo vệ cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ. Các nước khác đều đã có những quy định về vấn đề này rồi Đưa ra luật phải hướng dẫn thân thủ pháp luật,chứ mỗi ng lại hiểu 1 ý thì toang Càng làm rõ thì bọn kền kền, lều báo sẽ hết đường soi mói


    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog