Chia sẻ

Tre Làng

Việt Nam có nên "Anh em nương tựa" vào một cường quốc nào đó?

Trên trang BBC News vừa đăng tải “trăn trở”: “Có lo ngại rằng nếu không phản đối Nga xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết, khi Việt Nam rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ukraine thì ai sẽ giúp”.

Đây không phải lần đầu tiên trang này chia sẻ “trăn trở” này, trước đây, BBC News cũng từng nhiều lần đăng đàn thể hiện sự đá xoáy về quan điểm trung lập của Việt Nam trước chiến sự Nga – Ukraine.

"Trăn trở" của trang BBC News (Ảnh chụp màn hình facebook)

Theo như trang BBC News và những độc giả của trang này cho rằng, thế giới ngày càng đổi thay, Việt Nam muốn tồn tại và phát triển thì phải biết chọn cho mình một cường quốc nào đó để khi có xung đột quân sự hay mâu thuẫn về lợi ích kinh tế từ một quốc gia khác thì mới “mong bảo vệ được chủ quyền quốc gia”?! “Có lo ngại rằng nếu không phản đối Nga xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết, khi Việt Nam rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ukraine thì ai sẽ giúp” - trang BBC News đăng tải.

Không thể phủ nhận “sức hút” từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc… sở hữu sự phát triển vượt trội về các lĩnh vực, nhất là kinh tế, khoa học và đặc biệt là quân sự. Họ có khả năng tạo ảnh hưởng, chi phối và định hình chính sách hành vi của các nước khác trên thế giới, cũng như chi phối sự vận động của các xu thế quốc tế và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải nước nhỏ nào khi dựa vào các cường quốc cũng đều được sống trong vòng an toàn vĩnh viễn. Bài học nhãn tiền khi mà trước đây Việt Nam Cộng hòa được Mỹ “bảo kê” tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, do thời thế biến động, Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc, bỏ rơi Việt Nam cộng hòa. Và số phận Việt Nam cộng hòa cũng tiêu vong ngay sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.

Đó là một trong những ví dụ điển hình cho thấy tính chất thực dụng của các cường quốc trong quan hệ quốc tế. Mỹ hay Trung Quốc, hay bất cứ cường quốc nào, nước nào cũng vì lợi ích quốc gia và sẵn sàng bỏ qua cái gọi là “anh em nương tựa vào nhau”.

Những bài học từ quá khứ ngay chính trong nước và từ các quốc gia khác, một quốc gia nhỏ như Việt Nam cẩn trọng trong từng hành động; xây dựng chiến lược và thực hiện các giải pháp ứng xử hài hòa. Đó là không gây hấn với bất cứ quốc gia nào; nhưng cũng không “anh em nương tựa vào nhau” với nước nào, mà luôn dung hòa tất cả các mối quan hệ với các nước để phát triển kinh tế.

Người viết bài này rất thích dùng cụm từ “ngoại giao cây tre” khi nói về đường lối ngoại giao của Việt Nam. “Ngoại giao cây tre” tức có quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới nhưng không làm mất giá trị hay thay đổi lập trường. “Ngoại giao cây tre” nghĩa là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường và tuỳ cơ ứng biến, “lạt mềm (nhưng) buộc chặt”.

Xin được trích lại câu nói của một tác giả (không nhớ rõ tên!?): “Việt Nam chọn làm cây tre, thân lá có thể lúc lắc bay nhảy tùy theo yếu tố bên ngoài, nhưng cái gốc cái rễ thì vững bền không bao giờ thay đổi. Do đó giá trị bản thân cũng không thể thay đổi…”.

Từ chính sách đối ngoại của Việt Nam kiên định sự trung lập về chính trị và quân sự, đề ra chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, theo phương châm “thêm bạn bớt thù” với tuyên bố: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Từ một nước bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh, nhưng nhờ làm “cây tre” mà Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả đa phương với các nước lớn. Không nên chỉ lựa chọn quan hệ với nước này mà xem nhẹ mối quan hệ với nước khác, mà phải quan hệ với tất cả các nước theo những mức độ và tính chất khác nhau. Tuyệt đối không để rơi vào thế bị động và đối đầu với bất kỳ một quốc gia nào. Sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế.

Cuối cùng, xin thưa với “trăn trở” của BBC News rằng, khi nào Việt Nam rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ukraine thì ai giúp Việt Nam? Từ những triều đại phong kiến đứng lên chống lại ách đô hộ ngàn năm của Trung Hoa rồi đến đánh Pháp, chống Mỹ… Việt Nam vẫn tự lực tự cường, quân – dân cả nước đoàn kết chiến đấu để bảo vệ giang sơn, nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Nguồn: An Chiến
Blog Việt Nam Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog