Chia sẻ

Tre Làng

Diễn biến mới vụ tham ô hơn 6,4 tỉ đồng ở Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Bình

Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Pháp đang bị xem xét kỷ luật vì để thủ quỹ trung tâm này tham ô hơn 6,4 tỉ đồng.

Ngày 15-11, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Quảng Bình cho biết đã đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Pháp - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Quảng Bình - sau vụ tham ô tài sản xảy ra tại đơn vị này.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi bộ Trung tâm GDTX tỉnh, ông Nguyễn Văn Pháp và bà Phan Thị Mai, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Kế toán của trung tâm.

Kết luận cho thấy ông Nguyễn Văn Pháp đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý tài chính, việc thu, quản lý nguồn thu lệ phí, học phí của học viên, dẫn đến để cho nhân viên là thủ quỹ có điều kiện tham ô tài sản của đơn vị sử dụng vào mục đích cá nhân, vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Pháp đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý tài chính, gây thất thoát tài sản của đơn vị, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, đơn vị đang sinh hoạt và công tác.

Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối đã đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Pháp.

Trong khi đó, từ tháng 4-2021 đến tháng 8-2021, bà Phan Thị Mai biết thủ quỹ Nguyễn Thị Thùy Linh đã thu học phí của học viên nhưng không nhập quỹ tiền mặt đầy đủ, không tiến hành đối chiếu quỹ tiền mặt với kế toán, không lập bảng kê quỹ tiền mặt để quản lý tài sản của đơn vị. Tuy nhiên, bà Mai không thực hiện đúng chế độ thông tin, thiếu kiểm tra, giám sát, không tham mưu cho giám đốc trung tâm có biện pháp quyết liệt để kiểm tra và chỉ đạo thực hiện nhằm ngăn ngừa sai phạm…

Xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Phan Thị Mai.

***

Như Báo Người Lao Động đã liên tục phản ánh, trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thùy Linh (32 tuổi; ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới) - thủ quỹ Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Bình - về hành vi tham ô tài sản.

Theo điều tra ban đầu, năm 2021, trung tâm liên kết với Trường ĐH Sư phạm Huế tổ chức bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp và liên kết với các trường đại học đào tạo hệ vừa học vừa làm.

Từ tháng 3 đến tháng 5-2021, sau khi thu tiền của học viên, Thùy Linh chỉ nộp một phần vào tài khoản của trung tâm, còn lại đã chiếm đoạt hơn 6,4 tỉ đồng sử dụng tiêu xài cá nhân.

Thùy Linh là cháu ruột của ông Nguyễn Văn Pháp, Giám đốc Trung tâm.

HOÀNG PHÚC

8 nhận xét:

  1. việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động phát hiện, xử lý tội tham ô tài sản là cơ sở cần thiết để các chủ thể phòng ngừa tội phạm đưa ra được những giải pháp căn cơ, hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tội tham ô tài sản ở Việt Nam trong thời gian tới.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và đặc biệt cần rà soát lại trong các cơ quan tổ chức những bộ phận nhạy cảm không được có mối quan hệ thân thích với lãnh đạo đơn vị như vụ việc tại trung tâm giáo dục thường xuyên này

      Xóa
  2. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham ô tài sản cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan chuyên môn là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác này.

    Trả lờiXóa
  3. Liên ngành các cơ quan tố tụng trung ương cần thiết lập cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô tài sản, tạo cơ sở cần thiết để liên ngành tố tụng địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phát hiện, xử lý các vụ án tham ô tài sản.

    Trả lờiXóa
  4. Quan Nguyen22:53 15/11/22

    Không thể có chuyện thủ quỹ tham ô tiền công mà giám đốc không biết được, đây không phải là thiếu trách nhiệm mà là đồng phạm về việc tham ô tài sản công, ông giám đốc phải chịu trách nhiệm chính chứ không đổ hết lên đầu thủ quỹ được, không có người ký chứng từ thì không bao giờ lấy được tiền

    Trả lờiXóa
  5. tình hình tội phạm tham nhũng nói chung và tội phạm tham ô tài sản nói riêng diễn ra hết sức phức tạp, có những vụ án thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra lên đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng mỗi một lĩnh vực khác nhau thì các đối tượng phạm tội sử dụng những phương thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi phạm tội.

    Trả lờiXóa
  6. Tác hại của tội phạm tham ô tài sản không chỉ ảnh hưởng đến phương diện kinh tế mà còn gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước

    Trả lờiXóa
  7. Thực tiễn cho thấy, tội phạm tham ô tài sản đã và đang xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế như: Đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, bảo trợ xã hội, quản lý đất đai... Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, bên cạnh những phương thức, thủ đoạn truyền thống, các đối tượng còn tận dụng triệt để thành tựu của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ tin học để thực hiện hành vi phạm tội

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog