Chia sẻ

Tre Làng

BS Trần Văn Phúc: Một ngày làm việc của tôi

Bác sĩ chúng tôi làm việc quá vất vả, quá khó khăn, môi trường hoạt động luôn tiềm ẩn những rủi ro rất cao, đã có những bác sĩ phải khâu những mui khâu khẩn cấp trên mặt...

𝐵𝑎̀𝑖 𝑣𝑖𝑒̂́𝑡 𝑛𝑎̀𝑦 𝑡𝑜̂𝑖 𝑘𝑒̂̉ 𝑚𝑜̣̂𝑡 𝑛𝑔𝑎̀𝑦 𝑙𝑎̀𝑚 𝑣𝑖𝑒̣̂𝑐 𝑐𝑢̉𝑎 𝑡𝑜̂𝑖.

Khi làm nhiệm vụ, hầu hết công việc của bác sĩ Xquang chúng tôi là đứng cách xa bệnh nhân trên 5 mét. Một cô bạn gái lâu ngày không gặp, cô đến bệnh viện mời tôi đi ăn trưa, chờ mãi sốt ruột cô đứng ngay trước cửa khoa, cô tưởng tôi nhìn thấy cô từ xa nên dang hai tay ra chờ tôi ôm cô ấy.

Nhưng tôi lại đi qua cô bạn, vào cửa phụ, để tới phòng chụp MRI.

Trong lúc đi ngang qua cô ấy, tôi cứ thắc mắc, tại sao người phụ nữ này lại đứng giữa đường cản trở mình.

Tình yêu luôn cần đủ thời gian tiếp xúc.

Nhưng bác sĩ chúng tôi, công việc quá bận rộn, chúng tôi rất khó để gặp người thân yêu trong những dịp lễ tết, con cái trong gia đình cũng khó gặp, vì chúng tôi thường ngủ quên ngay khi về đến nhà và rời đi với đôi mắt còn chưa tỉnh táo. Tình huống cô bạn đến mời tôi đi ăn trưa, đó là một kỉ niệm, công việc bận rộn đến nỗi nhiều năm không gặp tôi quên cả cô ấy.

Công việc hàng ngày của tôi như thế nào?

Tôi xin giải thích một chút, Xquang tiếng Anh là Radiology, gồm hai lĩnh vực, một là hình ảnh học chẩn đoán, hai là điều trị can thiệp. Điều trị can thiệp là cuộc cách mạng trong y khoa. Về hình ảnh học là công việc chẩn đoán ra bệnh tật, gồm siêu âm, đọc phim Xquang, đọc phim cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ.

Các bác sĩ Xquang chủ yếu là bệnh nhân ngoại trú.

Hàng ngày tôi thức dậy chuẩn bị đi làm từ 5 giờ 45 sáng, vội vã đến bệnh viện, thường sớm mười lăm phút. Điều dưỡng thư kí sẽ đến sớm hơn tôi hai mươi phút với gói xôi nguội lạnh. Cô thay quần áo, cất đồ, rửa tay. Sau đó cô chuẩn bị nước uống cho tôi, lau sạch bàn ghế, dù công việc này hộ lí đã làm trước đó. Công việc tiếp theo của cô là bật máy, sắp xếp lại giường khám, kiểm tra lại tất cả, chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày làm việc.

Còn vài phút nữa đến giờ làm việc.

Bên ngoài cửa phòng bệnh nhân đã chờ đông, tôi mở tin nhắn kiểm tra các cuộc hẹn, có bốn cuộc hẹn vào buổi sáng, đó là những người quen biết trực tiếp nhờ tôi. Nhân viên lễ tân vào gửi danh sách bốn bệnh nhân cần tôi khám trực tiếp, nhân viên ở bộ phận lễ tân khác gửi thêm năm bệnh nhân, nhìn một tập giấy gần hai chục bệnh nhân thư kí lấy từ bàn lễ tân, cộng với số bệnh nhân hẹn trước, tôi bắt đầu cảm thấy đau âm ỉ ở cổ, vai, cánh tay vào mỗi buổi chiều.

Bảy giờ, thư kí rải xấp giấy chỉ định siêu âm ra bàn, bắt đầu gọi bệnh nhân. Một cô gái trẻ, ngoại hình không tệ, giao tiếp xã hội tương đối làm cho không khí cũng bớt nặng nề. Cô siêu âm vùng cổ vì xuất hiện mấy cái hạch bị đau. Khi cô mở miệng ra, ôi trời, đó là một hàm răng thối. Viêm răng lợi chính là nguyên nhân nổi hạch. Tiện đây tôi cũng nhắc nhở, chị em không thể chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, mà còn phải chăm sóc răng miệng thật tốt. Tôi chọn tư thế đứng chếch, mặt quay ra cửa, mắt lếc 60 độ vào trong để hoàn thành công việc khám nhanh chóng.

Làm xong tập giấy đầu tiên cùng với năm bệnh nhân hẹn, ngẩng mặt nhìn đã 8 giờ rưỡi, tôi chưa kịp uống nước thì cô thư kí lại mang tiếp một tập giấy chỉ định thứ hai, tôi cảm thấy mệt mỏi.

Lúc 9 giờ ba mươi, một bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật, ca bệnh tiên lượng khó, nên anh cẩn thận nhờ tôi xuống phòng CT xem lại giúp chẩn đoán. Đi qua khu vực phòng khám, tôi chợt thấy tiếng của bệnh nhân ồn ào, một người đàn ông dùng nắm đấm đập bàn, nữ bác sĩ trẻ sợ đến mức không dám nói. Người đàn ông nghi ngờ số thứ tự bị bị nhân viên tiếp đón dùng thủ đoạn đảo lộn. Chẳng ai quen biết ai. Số thứ tự còn hiện trên cả bảng điện tử. Vậy làm sao có thủ đoạn gì? Nhưng tôi không dám nói ra, nguyên tắc sẽ là tự mỗi bộ phận giải quyết mọi chuyện, cùng lắm trưởng khoa nhanh chóng đến và mời bệnh nhân vào phòng nói chuyện.

Lúc 10 giờ, bệnh nhân theo lịch hẹn của tôi vẫn chưa xuất hiện. Đến 10 giờ 30 bệnh nhân vẫn chưa đến. Tôi gọi điện, bệnh nhân nói đang tắc đường, 15 phút nữa sẽ có mặt. Chán không buồn nói. Tôi lại sốt ruột nhìn đồng hồ, ca bệnh là người quen nhưng bệnh khó, đến muộn quá thời gian khám sẽ không đủ, vì tôi còn hai cuộc hẹn bệnh nhân sau đó.

Mười một giờ mười lăm, bệnh nhân hẹn của tôi cũng đến, như một người cha, không một lời xin lỗi; nhưng tôi cũng không dám nói gì để không bị đánh, vì nói quen biết nhưng là nhờ qua người nọ người kia, tính tôi nể nang. Khi siêu âm, bàng quang không có nước tiểu, tôi hẹn lại đến chiều, dù đã giải thích nhưng bệnh nhân vẫn rất không hài lòng.

Lúc 12 giờ năm phút, bệnh nhân theo lịch hẹn cuối cùng đã rời đi, thư kí gọi bệnh nhân ngồi chờ cuối cùng ở ngoài vào, bệnh nhân nói rằng bác sĩ làm việc quá vất vả, tôi cảm thấy buồn nhưng cũng ngay lập tức thấy cảm động.

Kết thúc bệnh nhân cuối cùng lúc 12 giờ 15, đó cũng là một ca bệnh khó, tôi gần như không thể nghỉ trưa đúng giờ. Cả buổi sáng tôi chưa đi vệ sinh, nên tôi nghĩ việc đầu tiên trong giờ nghỉ trưa, có lẽ mình nên đi vệ sinh. Trong nhà vệ sinh, tôi lại nhớ mình cũng chưa uống nước, sớm muộn gì cũng phải uống nước.

Các buổi trưa tôi đều nhịn, mọi người đều nằm bất cứ chỗ nào có thể để nghỉ ngơi, có người mang theo tấm nilon từ nhà đi, tôi thì ngồi thu lu trên ghế, đúng là tôi già thật rồi. Tôi lấy điện thoại và máy tính ra, kiểm tra hàng trăm tin nhắn chưa đọc, bắt đầu lựa chọn những tin nhắn cần trả lời. Đang trả lời tin nhắn thì có điện thoại của một người bạn, anh cùng lớp phổ thông, người không nói quá 5 câu trong mỗi buổi học. Tôi đã không liên lạc với anh ấy kể từ khi tốt nghiệp. Anh ấy cũng không liên lạc gì với tôi, nhưng qua mấy câu hỏi thăm sức khoẻ xã giao thì anh ấy nói vẫn theo dõi trang này của tôi hàng ngày, biết tôi quá bận nên ngại nói chuyện. Anh ấy nhờ tôi giúp cho cô em xã hội, cụ thể là nhờ làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế vượt tuyến, nói thật là điện thoại của tôi còn chẳng lưu được số của mọi người thì giúp sao được. Tôi đã từ chối một cách lịch sự. Kết quả là, anh ấy không hài lòng, vì gần bốn mươi năm mới ngờ tôi mỗi việc cỏn con, vậy mà vẫn từ chối.

Rồi các tin nhắn đồng nghiệp hỏi tôi ca bệnh.

Buổi trưa tôi không ngủ, phần vì ngồi ghế chẳng thể ngủ được, phần vì quá nhiều việc phải giải quyết. Đến 13 giờ, một cô bác sĩ trên phòng mổ gọi điện, sau đó mang đống hồ sơ bệnh án và phim, nhờ tôi xem giúp một bệnh nhân hướng chẩn đoán, phương án xử trí tối ưu tiếp theo, vì bệnh nhân ở tỉnh xa kinh tế khó khăn nên cần được giúp đỡ.

Sau khi tư vấn cho bác sĩ đồng nghiệp, nhìn đồng hồ đã 13 giờ 25, tôi đứng dậy vào nhà vệ sinh, rồi quay trở lại làm việc đúng 13 giờ 30 phút, khi ngoài cửa đã rất đông bệnh nhân chờ.

Làm việc không nghỉ một phút nào, đến 15 giờ 45 chiều, một cặp vợ chồng đề nghị gặp tôi. Đó là con gái của bệnh nhân nữ 73 tuổi tôi khám chiều hôm trước, nhà ở trung tâm Hà Nội, cả hai vợ chồng người con làm nghề luật. Ca bệnh thì tôi nhớ rõ, vì bà cụ đi khám bệnh vì đau bụng hạ sườn trái, tôi cũng khám rất kĩ và giải thích rất kĩ, rằng siêu âm bà cụ chỉ có một cái nang thận trái bé tí. Bà cụ hỏi lí do tại sao đau tới nửa năm trời. Thì tôi giải thích cụ bị đại tràng góc lách uốn gây đau, là một dạng hội chứng ruột kích thích, tôi đã viết bài về chủ đề này. Lí do hai người con đến thắc mắc vào hôm sau là trong kết quả lại ghi phần tiền liệt tuyến và túi tinh. Tôi giải thích đó là phông kết quả có sẵn trong phần mềm, thư kí chọn ra, bộ phận nào có bệnh thì ghi theo lời tôi đọc, bộ phận nào bình thường thì giữ nguyên. Vì cô thư kí gọi nhầm phông nam giới, nên mới có phần tiền liệt tuyến và túi tinh, đó là lỗi tôi xin nhận. Nhưng hai vợ chồng người con không đồng ý. Họ nói rằng, nhiệm vụ của tôi là phải đọc từng chữ, soát lại từng chữ để không được phép sai sót bất cứ chữ nào, cũng như ngành luật mà không như vậy thì sẽ để oan sai. Tóm lại tôi giải thích và xin lỗi nhưng họ không nghe. Họ đưa 2 giải pháp, một là hoàn lại toàn bộ tiền khám chụp chiếu xét nghiệm và chịu xử lí kỉ luật, hai là họ sẽ khởi kiện.

Lãnh đạo khoa đã chọn giải pháp thứ hai.

Tôi cũng đồng ý với lãnh đạo khoa về cách giải quyết, vì cá nhân tôi không sợ rắc rối, nhưng cô thư kí con mắc bệnh nặng vừa phải mổ đi mổ lại ba lần, ngay khi trao đổi với 2 người tôi đã nhận toàn bộ lỗi về mình để giảm áp lực cho cô thư kí. Lãnh đạo khoa nói với tôi, anh ấy tình nguyện bỏ tiền túi của anh ấy đền, không muốn để sự việc rắc rối làm cô thư kí bị kỉ luật, rồi bị trừ hết các khoản tiền tháng và tiền cuối năm, trong khi cô đang rất cần tiền để chữa bệnh cho con.

Đúng 17 giờ tôi ra khỏi bệnh viện, tôi vội vã sang đài phát thanh, chậm 10 phút so với hẹn làm cho mọi người ở đài nhấp nhổm lo lắng, nhưng vẫn kịp giờ lên sóng trực tiếp. Cô thư kí hôm ấy cũng may, chồng cô ở nhà nên pha sữa cho con bú thay cô, bình thường cô được về sớm một tiếng.

18 giờ 15 từ đài phát thanh ra bến xe buýt, có rất đông người đang chờ xe, tôi cảm thấy mệt. Tuyến đường tôi đi phải chờ 15 phút mới có xe. Tôi đi xe buýt hơn tiếng mới về tới nhà, đứng suốt đoạn đường, cả ngày làm việc tôi đều đứng chứ không ngồi, nghe thấy các đồng nghiệp nói bác sĩ Xquang ngồi nhiều đến nỗi xương cụt cũng đau, vì thế mà tôi làm việc chỉ đứng chứ không ngồi.

Về tới nhà 7 giờ 45, hai đứa con anh lớn đá bóng câu lạc bộ và em nhỏ học đàn cũng về muộn, đang chờ tôi để nấu cơm. Muộn quá tôi không kịp đi chợ, trong tủ lạnh chỉ có đồ ăn đông lạnh, ăn mấy ngày tôi cảm thấy hơi chán. Bữa tối đó tôi quyết định thay đổi mọi thứ, tôi nói với hai con rằng bố sẽ làm một bữa ăn cải thiện thật hoành tráng, sau đó tôi mở tủ bếp lấy vài gói mì ăn liền.

20 giờ ăn xong, tôi nằm trên ghế sofa ngủ 15 phút.

Tỉnh dậy, tôi lại cùng hai con dọn dẹp, rửa bát đũa, tắm và giặt quần áo. Hai mốt giờ, hai đứa ngồi vào bàn học, bài nào khó các con hỏi tôi sẽ hướng dẫn. Thời gian từ 21 giờ đến 24 giờ, chủ yếu tôi dành cho đọc sách, mỗi ngày tôi vẫn phải cập nhật cả chuyên môn cũng như ngoài chuyên môn. Nhưng mắt cứ mờ đi không xem được, đầu óc mệt, nên tôi đứng dậy pha cà phê.

Từ 24 giờ trở đi tôi viết bài cho Fanpage.

Hai đến 3 giờ tôi phải đi ngủ, 5 giờ 45 sáng tôi phải dậy, may mắn thay, cà phê không còn tác dụng gì với tôi nữa.

Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của năm 2023...

1 nhận xét:

  1. Phải nói nghề bác sỹ cực kỳ vất vả, ngay từ khi đi học chỉ đến năm thứ hai là các bạn phải đi thực tập ở các bệnh viện để học hỏi kinh nghiệm thực tế song song với việc học lý thuyết trên giảng đường, rồi trực đêm là chuyện bình thường như cơm bữa, nhất là vào các bệnh viện tuyến đầu nữa thì áp lực công việc là rất lớn

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog